Mùa thi

Thứ ba, 21/06/2022 10:59
Một sớm mai mùa hạ, ta ngang qua cổng trường trung học, sân trường rộn bóng áo trắng học trò tinh khôi làm ta bồi hồi, xao động. Lòng cứ dùng dằng không muốn bước đi, nấn ná mãi cho đến khi bóng dáng các em khuất dần sau cánh cửa phòng thi. Mùa thi chợt về trong ta, trong những người đã từng là học trò. Đó luôn là mùa mang nhiều dấu ấn đẹp của tuổi trẻ đời người. Mùa thi năm nao ta đã chập chững bước từng bước vào đời.       
Sắc phượng
Nón bay mùa giã bạn.

Lạ thay, dù đã trải qua tuổi học trò hơn bốn mươi năm có lẻ nhưng mỗi độ hè đến, phượng nở, mùa thi về ta lại thấy lòng mình như nhỏ dại của thời học trò mộng mơ. Mùa thi năm cuối của đời học trò, một kỳ thi cực kỳ quan trọng có thể quyết định cả tương lai một đời người. Tuổi mười tám- cái tuổi ranh giới giữa sự trưởng thành và thiếu niên. Mười tám tuổi đứng trước kỳ thi quan trọng, ta chông chênh với những sự lựa chọn. Đến lớp lúc nào cũng mang cả bầu trời tâm trạng. Nhìn nhành phượng đỏ rực, bông bằng lăng tím ngắt mà lòng đầy những nỗi âu lo. Lớp học vốn dĩ lúc nào cũng ngập tràn tiếng nô đùa, tiếng cười khúc khích, nhưng sao đến những ngày đó nó trầm lặng lạ thường. Mùa thi, thương cha, mẹ nghèo đằng đẳng mười hai năm khổ nhọc nuôi con ăn học, “một nắng hai sương” để con đủ ăn, đủ mặc, đủ sách, đủ vở… vui vẻ cùng bè bạn hớn hở đến trường. Mười hai năm lo lắng, giờ lại trăn trở cùng con bước vào kỳ thi đời người.

Với cha mẹ và cả những đứa con sinh ra từ đồng ruộng luôn suy nghĩ rằng, chẳng có con đường nào tối ưu để thoát nghèo hơn bằng con đường học vấn. Vậy nên kỳ thi cuối luôn là một dấu mốc quan trọng của một cuộc đời, ai ai cũng đặt mốc, mục tiêu mà phấn đấu. Tuy không nói ra nhưng làm người con – ta cảm thấy áp lực hơn bao giờ hết. Chẳng biết cách gì hơn bằng nỗ lực học tập hết mình, ta muốn một ngày có nhiều hơn hai mươi bốn tiếng đồng hồ, muốn thực hiện nhiều bài tập, muốn thuộc nhiều bài,muốn viết nhiều bài tập làm văn hay, muốn ôm tất cả kiến thức vào người để vượt qua một kỳ thi “quyết định phận người”. Ta thương bố mẹ đã “ưu tiên” dành quỹ thời gian tối đa cho con cái học hành. Nhớ làm sao, những tối khuya đang học bài được mẹ đưa cho khúc sắn, củ khoai, chén chè, bát cháo kêu ăn cho đỡ đói. Qua mùa thi, ta thương cha mẹ nhiều hơn, càng thấm công ơn sinh thành của bố mẹ. Để rồi sau này khi trưởng thành lòng lúc nào cũng day dứt vì chưa báo đáp công ơn cho các bậc sinh thành giáo dưỡng. Thời gian cứ thế trôi đi, mái tóc của cha mẹ dần dần lấm tấm hoa tiêu, khóe mắt chằng chịt vết chân chim hằn vết thời gian vất vả.

Sắc phượng

Mùa thi nhớ thầy nhớ cô những người thầm lặng với phấn trắng, bảng đen miệt mài với từng con chữ, từng lời giảng thổi vào hồn ta để ta bước vào tương lai với một niềm tin vững chắc và kiêu hãnh. Mùa thi thầy cô vất vả cùng ta tuy không thi nhưng lo lắng hơn nhiều, mong ta thi đỗ, thành tài. Ôi! Nghĩa thầy trò, sâu nặng tựa công cha. Trên con đường thành công của mỗi học trò luôn có bóng dáng những người thầy thầm lặng. Như người cha, người mẹ thứ hai của bầy con thơ, thầy cô luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho đàn học trò bé nhỏ. Và nhớ trong cái nắng tháng sáu, trong cái nắng rát bỏng, bầy học trò chạy ùa đến báo với thầy cô điểm số kỳ thi với niềm hân hoan tột đỉnh. Mùa thi mùa tình bạn, mùa chia tay, với bao nhiêu cảm xúc thật khó quên luôn giữ chặt trong tâm hồn ta, ngọt ngào như thể mới hôm qua. Nhờ có mùa thi mà ta trưởng thành hơn, biết nhớ về cội nguồn, biết thương mẹ cha, thầy cô và thương bản thân một thời thanh xuân đã cố gắng không ngừng nghỉ.

Mùa thi một mùa rất đẹp đối với tuổi học trò.

“ … Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ/ Thấy mùa phượng nở xao xuyến mộng ngày thi/ Thấy mùa phượng nở hai đứa mình cùng đi…”(Bài hát: Người đi xây hồ Kẻ gỗ của Nguyễn Văn Tý)

Lê Văn Huân