Mỹ đối mặt với thảm họa kép do cuộc chiến ở Ukraine

Thứ bảy, 18/06/2022 16:01
Theo tờ Asia Times, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có nguy cơ đối mặt với một thảm họa kép - chiến lược và kinh tế - khi tính toán sai lầm ở Ukraine.
Người dân mua sắm trong một siêu thị ở Missouri (Mỹ). Ảnh: Reuters
Người dân mua sắm trong một siêu thị ở Missouri (Mỹ). Ảnh: Reuters

Kinh tế suy thoái

Nền kinh tế Mỹ đang chao đảo trong một cuộc khủng hoảng lịch sử theo hướng rơi vào suy thoái, trong khi lạm phát tăng cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng khi những người giàu tiếp tục giàu thêm và tầng lớp lao động vẫn chật vật trước chi phí sinh hoạt.Giá dầu thúc đẩy lạm phát đã làm giảm lương thực tế của người lao động Mỹ khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Người dân Mỹ đang phải trả mức giá cao gần như kỷ lục cho lương thực ở các cửa hàng tạp hóa.

GDP của Mỹ giảm ở mức 1,9% /năm trong quý đầu tiên. Sự sụt giảm bất ngờ doanh số bán lẻ tháng 5 vừa được Bộ Thương mại báo cáo vào ngày 15-6 và mức giảm 14,4% so với tháng trước của giá nhà ở Mỹ được báo cáo vào ngày 16-6 – báo hiệu sự suy thoái theo đúng tiêu chuẩn. Điều đó có thể gây ra thảm họa cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 11 tới.

Trước những thực tế không mấy dễ chịu này, không mấy ngạc nhiên khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden sụt giảm và tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ lao dốc, đặc biệt ở bộ phận cử tri nòng cốt như những cử tri gốc Phi, gốc Tây Ban Nha và những phụ nữ ngoại ô trí thức. Theo một cuộc khảo sát mới được công bố hồi giữa tháng 5 của Morning Consult and Politico, đa số người Mỹ đổ lỗi cho Tổng thống Biden và cuộc chiến ở Ukraine vì lạm phát tăng cao ở Mỹ. Trước câu hỏi các chính sách của Tổng thống Biden có vai trò như thế nào đến việc lạm phát tăng cao, 40% người Mỹ được hỏi nói rằng các chính sách này "chịu hoàn toàn trách nhiệm" cho lạm phát tăng cao, trong khi 25% những người tham gia khảo sát cho rằng nguyên nhân là cuộc chiến ở Ukraine. Chỉ 15% người Mỹ cho rằng việc quay lại các hành vi trước đại dịch là nguyên nhân của lạm phát tăng cao.

Nhưng khủng khiếp hơn một cuộc suy thoái ở Mỹ là nguy cơ xảy ra thảm họa tài chính ở các nền kinh tế yếu hơn. Không chỉ Mỹ cảm nhận được những tác động của lệnh trừng phạt mà nền kinh tế thế giới đang quay cuồng với những cú sốc về nguồn cung năng lượng và lương thực khi các nước này phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo hồi tháng 4 rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến những bước lùi nghiêm trọng do cuộc chiến ở Ukraine.

Đồng yen của Nhật Bản đã rơi tự do khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt tín dụng. Nợ chính phủ là 270% GDP, và một nửa trong số đó thuộc sở hữu của ngân hàng trung ương Nhật Bản, tăng mạnh so với khoảng 5% vào năm 2011. Chi phí bảo hiểm rủi ro trái phiếu chính phủ Nhật Bản trong tuần này đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Italia, nền kinh tế yếu nhất châu Âu, phải chịu rủi ro nợ chính phủ tăng vọt nghiêm trọng. Ngày 15-6, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để giải quyết tình trạng xấu đi của các thành viên yếu và hứa hẹn các biện pháp chưa được cụ thể hóa để ngăn chặn sự "phân mảnh" của Liên minh châu Âu.

Nguy cơ bẽ mặt

Những lời tuyên bố trước đó của Washington về việc đẩy Tổng thống Putin khỏi quyền lực, làm suy yếu khả năng gây chiến của Moscow và giảm một nửa quy mô nền kinh tế Nga giờ đây đã trở thành vô nghĩa.

Nga kiếm được kỷ lục 93 tỷ EUR từ xuất khẩu năng lượng trong 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến – theo một nghiên cứu của Phần Lan. Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của G-7 đối với Nga, được cho là đang mua dầu với mức chiết khấu từ 30 đến 40 USD / thùng, trong khi người tiêu dùng Mỹ và châu Âu thì đang phải trả đủ mức giá đã vọt cao.

Giới chuyên gia cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đã đánh giá thấp khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga và khả năng của quân đội Nga. Ông Biden từng tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ cắt giảm một nửa nền kinh tế Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng khẳng định Mỹ sẽ phá hủy năng lực gây chiến của Nga. Tuy nhiên, viễn cảnh này giờ đây dường như có vẻ xa vời.

Nếu Ukraine chấp nhận một thỏa hiệp với những nhượng bộ đáng kể về lãnh thổ cho Nga - cách duy nhất có thể hình dung để kết thúc chiến tranh – có thể sẽ khiến Washington bẽ mặt. Tuy nhiên, một giải pháp thương lượng cho cuộc chiến Ukraine không phải là không thể. Washington có thể tiếp tục thể hiện mình là người bảo vệ chủ quyền của Ukraine trong khi khuyến khích các nhà lãnh đạo châu Âu buộc Ukraine phải đàm phán với Moscow. Hôm 16-6, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine phải có giải pháp ngoại giao bất chấp việc Kiev tuyên bố không lùi bước dù tình hình chiến trường đang xấu đi. Theo ông Sullivan, Mỹ sẽ tiếp tục giúp Ukraine “ở mức độ tối đa có thể”, “đầu tiên là trên chiến trường, và sau đó, cuối cùng là trên bàn đàm phán. Chúng tôi nghĩ rằng cuộc xung đột này phải kết thúc bằng ngoại giao”.

AN BÌNH