NATO sinh nhật 70 trong khủng hoảng
Vài giờ trước khi ngoại trưởng các nước trong NATO gồm 29 thành viên mở cuộc hội đàm tại Washington, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích Đức chi cho NATO quá ít và sau đó lên án Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua hệ thống vũ khí lớn từ Nga.
Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký bởi Tổng thống Mỹ Harry S. Truman tại Washington vào ngày 4-4-1949, đánh dấu sự ra đời của NATO. Liên minh quân sự này đã tròn 70 tuổi. Nhưng đây không phải là một bữa tiệc sinh nhật đúng nghĩa. Thay vào đó là những cuộc gặp gỡ không thoải mái, trong đó những người tham dự chỉ thích im lặng hơn là ngồi trò chuyện chúc tụng nhau.
Tổng Thư ký Stoltenberg có bài phát biểu hiếm hoi trước Quốc hội Mỹ hôm 3-4 (giờ địa phương). Ảnh: Reuters |
Những rạn nứt
Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và hai đối tác NATO là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã phơi bày những rạn nứt trong liên minh quân sự này.
Vài giờ trước khi ngoại trưởng các nước trong NATO gồm 29 thành viên mở cuộc hội đàm tại Washington, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích Đức chi cho NATO quá ít và sau đó lên án Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua hệ thống vũ khí lớn từ Nga. “Đức phải làm nhiều hơn nữa. “Điều đơn giản là không thể chấp nhận được nền kinh tế lớn nhất Châu Âu lại tiếp tục phớt lờ mối đe dọa từ Nga, bỏ bê tự vệ và phòng thủ chung của chúng ta”, ông Pence nói tại diễn đàn nhân kỷ niệm 70 năm thành lập NATO khi nhắm vào Đức. Trên thực tế, vì thiếu năng lượng, Đức đã tham gia hệ thống “Nord Stream 2”, đường ống dẫn mới giúp tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Phó Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích mạnh việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua S-400 của Nga, gọi hành động này là “liều lĩnh và có thể làm suy yếu NATO”.
Đáp trả, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh, Berlin đã cam kết chắc chắn sẽ đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng và “chúng tôi sẽ giữ lời hứa”. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh, việc mua hệ thống phòng không của Nga là một thỏa thuận đã thực hiện.
Mỹ - NATO, “cuộc hôn nhân” đang khủng hoảng
Mối quan hệ Mỹ-NATO rơi vào khủng hoảng lớn kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Căng thẳng với Mỹ chính là lý do thúc đẩy ông Stoltenberg có bài phát biểu hiếm hoi trước Quốc hội Mỹ hôm 3-4. Trong đó, ông Stoltenberg nhấn mạnh cách liên minh này mang lại lợi ích cho nước Mỹ, không chỉ riêng cho Châu Âu, một quan điểm được các thành viên của Quốc hội và chính quyền của ông Trump nhất trí. “NATO có lợi cho Châu Âu nhưng cũng luôn có lợi cho Mỹ”, lãnh đạo NATO nói và được đáp lại bằng những tràng pháo tay.
Ông Trump nhiều lần chỉ trích NATO và từng cho rằng, tổ chức này đã “lỗi thời”. Ông chủ Nhà Trắng cũng đặt ra nghi ngờ về sự hữu ích của liên minh quân sự này, có lúc thậm chí còn được cho là đã cân nhắc về việc rút khỏi NATO. Ông chủ Nhà Trắng đặt câu hỏi một cách mỉa mai rằng, tại sao NATO phải bảo vệ quốc gia Montenegro nhỏ bé và cho rằng Đức - nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, không tuân thủ mục tiêu của NATO về việc mỗi quốc gia phải chi 2% GDP cho quốc phòng. Và ông chủ Nhà Trắng vẫn luôn nhấn mạnh đòi hỏi các nước phải chi nhiều tiền hơn cho tổ chức này chứ không để một mình Mỹ gánh nặng hơn nữa.
Trong các cuộc hội đàm với Tổng Thư ký NATO tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump có nhẹ giọng hơn khi nói rằng, đóng góp của các nước thành viên cho NATO đã tăng vọt kể từ khi ông lên nắm quyền ở Mỹ. Dù vậy, theo nhà lãnh đạo Mỹ, như vậy vẫn chưa đủ. Ông Trump muốn các nước NATO phải dành hơn 2% GDP đầu tư cho quốc phòng, một con số thấp hơn mức kỳ vọng (4%) của ông hồi năm ngoái.
Không có “Chiến tranh Lạnh” mới
Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO diễn ra trong bối cảnh liên minh này vẫn không ngừng lo ngại về Nga, quốc gia bị cáo buộc hỗ trợ phe ly khai ở Ukraine và Georgia, tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ và bị nghi ngờ liên quan vụ đầu độc một cựu điệp viên ở Anh. Nga vẫn luôn bác bỏ những cáo buộc này nhưng Moscow vẫn luôn xếp hàng đầu trong chương trình nghị sự của NATO.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng Thư ký Stoltenberg nhấn mạnh liên minh này không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Nga, nhưng vẫn kêu gọi các nỗ lực răn đe lớn hơn. “Chúng ta không muốn một cuộc chạy đua vũ trang mới. Chúng ta không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Tuy nhiên, chúng ta không được ngây thơ (với Nga)”, ông nói. Tổng Thư ký NATO cảnh báo Quốc hội Mỹ về mối đe dọa do “một nước Nga biết tự khẳng định mình hơn” đặt ra đối với NATO. Ông Stoltenberg nêu rõ: “NATO không có ý định triển khai các tên lửa hạt nhân mặt đất tại Châu Âu. Tuy nhiên, NATO sẽ luôn có những bước đi cần thiết để tạo ra răn đe có hiệu quả và đích thực”.
KHẢ ANH