Quảng Nam trước vấn nạn rác thải

Thứ tư, 07/11/2018 12:25

Chuyện xử lý rác thải như thế nào, ra sao luôn là chủ đề nóng đối với địa phương đa phần là nông thôn như Quảng Nam. Diện tích rộng, nhiều vùng đồi núi, ý thức xử lý rác thải của người dân còn kém, công nghệ xử lý rác chủ yếu là chôn lấp trong khi lượng rác ngày càng gia tăng đang dẫn đến những nguy cơ lớn nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Cần nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới trong quá trình triển khai đề án thu gom chất thải rắn. 

* Sáng 6-11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Sơ kết 5 năm thực hiện đề án quản lý chất thải rắn các vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020. Qua 5 năm thực hiện các địa phương cơ bản thực hiện tốt đề án và có 181/189 xã nằm trong lộ trình thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố đang tổ chức thực hiện phương án quản lý rác thải trên địa bàn. Trong số 181 xã đang thực hiện đề án thì có 130 xã đã triển khai thu gom rác thải trên địa bàn (đạt 71,82%). Mục tiêu của đề án từ nay đến năm 2020 sẽ triển khai đề án trên địa bàn 196/196 xã, thị trấn. Thu gom được 90% rác thải sinh hoạt phát sinh ở vùng nông thôn.

Các bãi rác "vỡ trận"

Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 dự án về xử lý rác thải tập trung, gồm: Khu xử lý rác thải Đại Hiệp, Đại Lộc; Dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đại Nghĩa, Đại Lộc; Dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Quế Cường, Quế Sơn; Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2, Núi Thành. Trong đó, Khu xử lý rác thải Đại Hiệp, Đại Lộc có diện tích 11,2 ha, xử lý rác thải cho các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn.  Hiện nay, Khu xử lý rác thải này đang trong tình trạng quá tải và đã tiến hành đóng hộc rác số 1 (diện tích 2,19 ha). Đối với hộc số 2, UBND tỉnh đã cho phép gia hạn hoạt động đến 31-12-2018 để thực hiện xây dựng Lò đốt rác thải Đại Nghĩa. Tuy nhiên, thời điểm này vì nhiều lý do, dự án Lò đốt rác thải Đại Nghĩa vẫn đang chạy tiến độ khá chậm, nhiều khả năng chưa thể đưa vào sử dụng vào cuối năm nay. Chung "số phận", dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Quế Cường, Quế Sơn, theo kế hoạch được triển khai từ năm 2016 đến năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa thi công xây dựng do một bộ phận nhân dân chưa đồng thuận. Còn tại khu xử lý rác thải Tam Xuân 2, H. Núi Thành có tổng diện tích 22,35 ha với 2 hộc chôn lấp rác, tổng dung tích 2.760.000m3, đưa vào sử dụng từ tháng 4-2012 làm nhiệm vụ xử lý rác thải cho khu vực thành phố Tam Kỳ, các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình, năm 2017 đã tiếp nhận xử lý khoảng 250 tấn/ngày. Tuy chưa quá tải như bãi rác Đại Hiệp nhưng nơi đây người dân rất bất an vì hệ thống xử lý vẫn rò rỉ nước thải ra môi trường.

Hiện nay, nhiều bãi rác tại Quảng Nam đang trong tình trạng quá tải gây sức ép lớn đến công tác thu gom chất thải rắn.

Cần thực hiện phân loại rác thải

Một trong những nguyên nhân góp phần gây quá tải lượng rác thải hiện nay đó chính là việc người dân vùng nông thôn chưa biết cách phân loại rác thải mà giao phó toàn bộ cho nhân viên vệ sinh môi trường. Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án quản lý chất thải rắn nhiều địa phương cho rằng hạn chế lớn nhất về việc quản lý thu gom chất thải rắn đó là chưa hướng dẫn người dân biết cách phân loại rác. Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở tài nguyên môi trường cho biết: "Người dân vùng nông thôn hiện nay chưa có thói quen phân loại rác thải vì vậy nguồn rác phát sinh lớn. Trrong khi đó số lượng các khu xử lý rác thải trên địa bàn còn ít, khoảng cách vận chuyển rác thải xa, chi phí cao dẫn đến chênh lệch thu-chi lớn. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về môi trường ở cấp xã quá ít dẫn đến công tác theo dõi, quản lý yếu kém nên chưa tiếp cận được mục tiêu của đề án".

Đại biểu UBND H. Thăng Bình cho biết trước đây chưa có đề án quản lý chất thải rắn thì người dân chủ yếu tự tìm cách xử lý rác thải tại nhà như chai lọ bán phế liệu, rác thải hữu cơ chôn lấp tuy nhiên khi có người đến nhà thu gom thì nhiều hộ chủ quan và vứt tất cả các loại rác mà không phân loại dẫn đến quá tải rác thải. "Từ nguyên nhân lượng rác thải tăng cao dẫn đến chi phí thu gom, vận chuyển, áp lực bãi chôn lấp và ô nhiễm môi trường tăng cao. Những vấn đề này có liên quan mật thiết với nhau, vì vậy muốn giảm áp lực lên môi trường trước tiên phải chú ý đến công tác tuyên truyền cho người dân hiểu như chiến dịch sử dụng túi xách xanh, sử dụng giỏ/túi đi chợ nhiều lần". Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, xử lý rác thải là vấn đề trọng tâm, cấp bách hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường, chất lượng sống của người dân. "Phải hết sức lưu ý đến công tác tuyên truyền, tập trung vào những cách làm tốt mô hình hay để người dân thấy được hiệu quả và cấp chính quyền rút kinh nghiệm trong cách làm. Phải  nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong người dân, muốn làm được như vậy phải có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và phải thường xuyên có đánh giá, tổng kết, gắn liền với các hoạt động xây dựng nông thôn mới. Phải quán triệt quan điểm nhân dân là chủ thể của đề án, phải huy động được sức dân, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ thực hiện", ông Thanh cho biết. Đối với việc quá tải ở bãi rác Đại Hiệp, bà Lê Thị Tuyết Hạnh đề xuất UBND tỉnh cho phép vận chuyển rác thải của huyện Duy Xuyên về khu xử lý rác thải xã Tam Nghĩa xử lý để giảm tải cho bãi rác Đại Hiệp nhằm kéo dài thời gian hoạt động đến cuối năm 2019 khi hoàn thành công trình lò đốt rác thải xã Đại Nghĩa. Riêng dự án lò đốt xã Quế Cường phải tiếp tục triển khai vì chỉ còn vướng có 3 hộ dân trong số 22 hộ dân. Để tháo gỡ mặt bằng, cần thiết điều chỉnh lại tuyến đường vào dự án. Đi đôi với công tác tuyên truyền vận động để người dân chấp hành chủ trương, tỉnh cũng cần có cơ chế hỗ trợ trước mắt lẫn lâu dài về chi phí ảnh hưởng bởi môi trường cho người dân tại khu vực có khu xử lý rác thải.

Đồng Dao