Ngoại giao con lắc
Triều Tiên dường như đang nắm lấy một chính sách ngoại giao rất tinh tế giữa hai ông lớn quyền lực vốn ủng hộ họ: Nga và Trung Quốc, trong bối cảnh Bình Nhưỡng chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh với Moscow vào cuối tháng 4 này. Cuộc gặp theo kế hoạch giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh dấu sự trở lại của chính sách “ngoại giao con lắc” thời Chiến tranh Lạnh mà Bình Nhưỡng sử dụng để xoay quanh Moscow và Bắc Kinh nhằm tối đa hóa lợi ích chiến lược của họ.
Điện Kremlin đã ra thông báo xác nhận cuộc gặp này. Ngày và địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh vẫn chưa được tiết lộ, nhưng theo nhiều đồn đoán, các nhà lãnh đạo có thể gặp nhau ở thành phố Vladivostok của Nga vào cuối tuần này (có thể là ngày 28-4). Hội nghị thượng đỉnh Kim - Putin, nếu diễn ra đúng kế hoạch, sẽ cho thấy nỗ lực “cảnh cáo” Mỹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Washington cho đến nay vẫn không có kết quả và trong bối cảnh chương trình nghị sự kinh tế cấp bách của ông đang gặp khó khăn dưới đòn đánh nặng nề của các lệnh trừng phạt quốc tế.
Bình Nhưỡng đã quen với chính sách “ngoại giao con lắc”, theo đó việc cân nhắc cẩn thận cái nào tốt hơn, chọn cái này và gây áp lực cho bên kia là điều không có gì bất ngờ. Đó là lý do mà nhiều ý kiến cho rằng, tại hội nghị thượng đỉnh cùng Tổng thống Putin, ông Kim Jong-un sẽ cố gắng bảo đảm một nguồn đòn bẩy ngoại giao khác có thể báo hiệu cho cả Trung Quốc và Mỹ rằng, họ có một đối tác khác để quay trở lại nếu hai nước tiếp tục phớt lờ những nỗ lực của Bình Nhưỡng. Bắc Kinh từ lâu đã được coi là huyết mạch kinh tế của Bình Nhưỡng vì Trung Quốc được biết là chiếm tới 90% thương mại đối ngoại của Triều Tiên. Nhưng do thực thi lệnh trừng phạt, thương mại giữa hai bên đã giảm xuống còn 2,43 tỷ USD vào năm 2018, giảm hơn 50% so với năm 2017. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về hạt nhân Mỹ-Triều cũng đang trì trệ và không dấu hiệu Washington sẽ giảm bớt các lệnh trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Putin có thể sử dụng hội nghị thượng đỉnh lần này với ông Kim Jong-un để gắn kết mối quan hệ với Triều Tiên, trong nỗ lực mở rộng hợp tác kinh tế trên bán đảo và, mở rộng ra Châu Á - Thái Bình Dương. Nga đã tăng cường ngoại giao trong một động thái rõ ràng để có tiếng nói lớn hơn trên bản đồ địa chính trị ở bán đảo Triều Tiên. Động thái này phù hợp với “Chính sách phương Đông mới”, một sáng kiến nhằm củng cố mối quan hệ với Châu Á - Thái Bình Dương. Và rõ ràng, đây là cơ hội lớn cho Moscow.
THANH VĂN