Người con xứ Quảng anh hùng

Thứ bảy, 28/12/2019 19:17

Ông Nguyễn Quang Lâm – Tam Tú, tên thật là Nguyễn Đức Hoành (1919, xã Tam Xuân 2, H. Núi Thành, Quảng Nam), từng kinh qua các cương vị: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Thường vụ Khu ủy - Trưởng ban Kinh tài Khu 5, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Hải sản, Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương... Cuộc đời và sự nghiệp của ông Lâm là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

Ông Nguyễn Quang Lâm thời trẻ (giữa) cùng vợ và bốn người con trai.   Ảnh: G. Đ

Vẹn nghĩa, trọn tình với cách mạng

Rời quê đi hoạt động cách mạng từ thuở thanh niên, “ông giáo Hoành” - tên gọi trìu mến người dân đặt cho ông Lâm vẫn giữ cốt cách nếp nhà từ mảnh đất Tam Xuân nhiều nhân tài, tuấn kiệt.

Sinh thời, đồng chí Hoàng Minh Thắng - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, dành rất nhiều tình cảm cho người anh trung kiên. Trong hồi ức của mình, ông dành những lời tha thiết nhất: “Một mảnh đất được bao bọc bởi núi đồi và cát trắng lại sản sinh ra một thế hệ đã được ghi tạc vào lịch sử. Tôi muốn nói đến anh Nguyễn Quang Lâm tức Tám Tú. Như các nhà chí sĩ yêu nước, 17 tuổi anh đã giác ngộ cách mạng. Ở tuổi ấy của cuộc đời mình ứng với những năm 1936-1937, anh đã vận động nhân dân lấy nguyện vọng theo kiểu trưng cầu dân ý gửi Đông Dương đại hội đòi dân chủ. 22 tuổi tham gia Việt Minh, bị địch bắt tù đày, ra tù liên lạc với đồng chí của mình tiếp tục hoạt động, xây dựng khu căn cứ đồng bào dân tộc thiểu số. Như một sự lựa chọn, sắp đặt có tính quy luật, anh trở thành yếu nhân của phong trào cách mạng ở tỉnh Quảng Ngãi trong chống Pháp cho đến ngày chuyển công tác ở Liên khu 5”.

Theo ông Hoàng Minh Thắng, cái “tâm, tầm, tài” của ông Tám Tú thể hiện ở một con người gắn bó mật thiết với nhân dân, biết dựa vào dân, lấy ít đánh nhiều, lấy đoản binh thắng trường trận. Một ông giáo dạy học trường làng nhưng lại có cặp mắt của một nhà kinh tài, hậu cần đầy mẫn tuệ. Từ những năm 1947, khi đồng chí Phạm Văn Đồng được cử về trực tiếp chỉ đạo phong trào ở Nam Trung Bộ thì vấn đề phụ thu kháng chiến bằng lúa gây tranh luận kéo dài bởi quá mới mẻ. Trên cương vị Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến, hành chính tỉnh Quảng Ngãi, với sự hiểu biết uyên thâm nhờ tự học, trang bị kiến thức về công tác thuế, tiền tệ, ngân hàng…, đồng chí Nguyễn Quang Lâm đã có những đóng góp quan trọng cho các chủ trương của Đảng trên địa bàn, bảo đảm hậu cần cho Việt Minh chiến đấu.

Sau hội nghị Giơnevơ, địch khủng bố trắng hòng cách ly Đảng ra khỏi nhân dân. Đây cũng chính là thời gian ông làm Bí thư Tỉnh ủy (1955-1960). Cùng với BCH Tỉnh ủy lãnh đạo đồng bào làm nên khởi nghĩa Trà Bồng lịch sử (8-1959), mở đầu cho phong trào đấu tranh lực lượng vũ trang của cả miền Nam, ông còn là người biết dựa vào kinh nghiệm dân gian làm tăng năng suất nông sản, xây dựng vùng chiến khu vững chắc, bảo đảm kháng chiến thắng lợi.

Chính nhờ khí chất của người vùng cát luôn biết trân trọng từng củ khoai mọc trên đất cằn mà sau này trên cương vị Trưởng ban Kinh tài Khu ủy 5, Phó ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam, rồi Chủ tịch Hội đồng tiền phương của Khu ủy 5, ông đều có cách làm táo bạo và hiệu quả; huy động được khối lượng lớn tiền trong nước và ngoại tệ phục vự sự nghiệp cách mạng. Công tác ở Bộ Hải sản, tiếp đó là Phó Ban Kinh tế Trung ương, dẫu sức khỏe đã yếu, ông vẫn lăn lộn đến từng vùng miền cả nước, chỉ đạo sắc bén đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời điểm còn nhiều khó khăn sau giải phóng. Với cuộc đời trọn vẹn nghĩa tình và những công lao to lớn, đồng chí Nguyễn Quang Lâm đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Hai cha con là Bí thư Tỉnh ủy

Trong bốn người con trai của đồng chí Nguyễn Quang Lâm, có một chàng trai theo con đường chính trị của cha. Ông Nguyễn Đức Hạt - nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương được cho là giống cha nhiều nhất ở vóc dáng mảnh khảnh, nụ cười hiền hậu, tính tình cương nghị mà vẫn khiêm nhường. Nhớ về cha mình, ông Hạt bồi hồi: “Theo mẹ tập kết ra Bắc, chúng tôi lớn lên gần như không có ba bên cạnh để hỏi những điều còn chưa biết. Thời ba tôi ở chiến trường, đúng vào những bước ngoặt của bốn anh em khi học hết phổ thông, học đại học hay ra trường chọn nghề nghiệp cho bản thân. Nhưng dù làm gì, chúng tôi cũng phấn đấu đi lên bằng chính năng lực của mình giống như ba đã từng làm. Cái “uy” của ba không phải là mệnh lệnh mà là sự mẫu mực, từng trải và tình yêu thương thấm sâu trong từng người con”.

Xuất thân từ nghề giáo, vào chiến trường Quảng Nam hoạt động văn học nghệ thuật trong giai đoạn ác liệt, ông Hạt càng được tôi luyện và trưởng thành. Đang là Thường trực Khu ủy, vị thủ trưởng có thể dành mọi ưu ái để con mình tránh mọi nguy hiểm, xa hòn tên mũi đạn kẻ thù, nhưng ông Tám Tú không làm vậy. Ông dõi theo từ xa và cho con những lời khuyên cùng lời động viên quý báu trong cuộc chiến sinh tử. Người cha trong ký ức của ông Nguyễn Đức Hạt không bao giờ rao giảng đạo đức này nọ mà thường rất tinh tế khi muốn truyền cho con những điều mình mong muốn. Nhớ nhất là sau giải phóng, ông Tám Tú ra công tác ở Hà Nội thì nhà ông như trở thành trạm khách. Đồng đội, đồng chí và cả một số đồng bào Quảng Ngãi ra Bắc đều ghé thăm ông. Ông cùng gia đình sắp xếp cơm nước chu toàn, kiên trì lắng nghe và có những ý kiến xác đáng. Làm Bí thư Tỉnh ủy khi ba đã mất, nhưng kinh nghiệm của cha mình khi đảm nhận cương vị này vẫn luôn có ý nghĩa trong mỗi suy nghĩ, hành động của người con trai thứ.

Ông Nguyễn Đức Hạt nhớ về ngày cha ra đi vì xuất huyết não 30 năm trước: “Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến viếng ba. Các bác Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Đỗ Mười…, cùng hàng trăm đồng đội đồng chí có mặt tại lễ truy điệu. Riêng bác Phạm Văn Đồng hôm đó mệt nặng đã gửi vòng hoa đến viếng nhưng rồi gần cuối giờ, mọi người lại thấy ông xuất hiện để nói lời vĩnh biệt và đứng lặng bên linh cữu của ba tôi. Đặc biệt có một đoàn gồm 5 đồng chí khá trẻ, gia đình không biết mặt, chỉ thấy trên băng tang của vòng hoa có dòng chữ: “Lính cũ Khu 5 viếng thủ trưởng”, chúng tôi đã thực sự xúc động và tự hào”.

Lễ mít tinh kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Quang Lâm đã diễn ra trang trọng vào ngày 24-12 tại Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Các cuộc triển lãm, chiếu phim giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của ông thu hút nhiều cán bộ, đảng viên. Người con Núi Thành, Quảng Nam dẫu đã đi xa nhưng trong trái tim người ở lại ông vẫn gần gũi và ân tình như ngày nào.

HỒNG VÂN