Người dân không được chủ quan với sốt xuất huyết

Thứ tư, 04/01/2023 18:10
Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) những tuần cuối của năm 2022 giảm do thời tiết lạnh không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, tuy nhiên các chuyên gia y tế vẫn tiếp tục khuyến cáo người dân không chủ quan với dịch sxh. Năm 2022, cả nước ghi nhận 361.813 trường hợp mắc SXH, trong đó có 133 ca tử vong. Ngay từ cuối tháng 6-2022, khi số ca mắc SXH trên cả nước có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao, Bộ Y tế đã lập 7 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các tỉnh/thành phố trọng điểm.
Cán bộ Y tế dự phòng hướng dẫn người dân Đà Nẵng làm sạch vật dụng đựng nước ở những khu vực ẩm thấp để ngăn chặn việc sinh sôi, phát triển của lăng quăng, bọ gậy.
Cán bộ Y tế dự phòng hướng dẫn người dân Đà Nẵng làm sạch vật dụng đựng nước ở những khu vực ẩm thấp để ngăn chặn việc sinh sôi, phát triển của lăng quăng, bọ gậy.

Tiếp đó, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, cuối tháng 11-2022, Bộ Y tế tiếp tục có Công điện số 1576 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH; đề nghị triển khai ngay chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, tiêu diệt bọ gậy qua giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi.

Số liệu thống kê cho thấy, trong tuần cuối cùng của năm 2022, số ca mắc SXH trên phạm vi cả nước đã giảm mạnh so với các tuần trước đó của tháng 10,11 và đầu tháng 12 (số ca mắc thường trên 10.000 trường hợp/ tuần, thậm chí có những đợt cao điểm còn gần 12.000 ca/ tuần). Trong tuần 51, cả nước ghi nhận 6.266 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận trường hợp tử vong. So với tuần 50, số mắc giảm 23,3%, số nhập viện giảm 25,1%.

Trong thời gian tới, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Để hạn chế số ca mắc mới, người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.

Bên cạnh đó, vì SXH có biểu hiện giống như sốt do các virus khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Thậm chí, có trường hợp tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, khi có dấu hiệu sốt cao 39 - 40 độ C, đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.

Trong quá trình điều trị bệnh SXH tại nhà, người chăm sóc/bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện.

Đối với bệnh SXH, khi hạ sốt thì càng cần phải theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng.

B.T (Tổng hợp)