Nguyễn Lương Hiệu, con đường nắng bụi mưa lầy

Thứ năm, 28/04/2022 18:21
Quảng Nam- Đà Nẵng - đất mẹ sinh tôi ra và nuôi tôi khôn lớn Thành phố Hồ Chí Minh- mảnh đất nuôi tôi phát triển, trưởng thành. Và, tôi quay về Thanh Hóa- đất Tổ của người dân Quảng Nam nói chung trong đó có gia đình tôi, nói riêng". Trong  "Thay lời tựa" cho tập sách ảnh nghệ thuật - thơ - nhạc : "Thong dong 3 vùng đất" (NXB Hội Nhà văn) vừa mới trình làng của mình, tác giả Nguyễn Lương Hiệu tỏ bày như thế.
Một bức ảnh về Hội An của Nguyễn Lương Hiệu.
Nguyễn Lương Hiệu và tập sách mới xuất bản.

Xem những bức ảnh đặc sắc trong "Thong dong 3 vùng đất", ta có thể thấy rằng, bằng "con đường nắng bụi, mưa lầy", Nguyễn Lương Hiệu đã đưa nghệ thuật nhiếp ảnh - nghệ thuật của ánh sáng và những khoảnh khắc - đi vào cõi thơ một cách nhẹ nhàng, tự nhiên; vừa như cái duyên trời cho, vừa là sự nỗ lực của một con người với vẻ mặt phúc hậu, hiền lành mà bôn ba, xông xáo khắp ba miền đất nước.

Nguyễn Lương Hiệu tâm sự: "Tôi về đứng giữa quê hương là đi đến tận tình thương mến…", nơi mà anh đã "thấm đẫm tuối thơ dấu chân bùn đất", nơi có điệu hát hò khoan miên man trên triền sông, nơi có những biền dâu xanh muốt mắt , hứa hẹn những nong tằm, nong kén và tơ lụa mượt mà; điều này cắt nghĩa vì sao, trên con đường mưu sinh, anh vẫn yêu giọng nói Quảng Nam đến tha thiết: Giọng nói Quảng Nam nặng nhọc đường cày/Thớ đất nâu sông bồi lên xứ sở/Hạt lúa nhỏ tình mẹ cha màu mỡ/Láng giềng ơi, hàng xóm ân tình… (Giọng nói Quảng Nam).

Nguyễn Lương Hiệu yêu Phổ cổ Hội An với một tình yêu rất đặc biệt. Những bài thơ và những bức ảnh nghệ thuật của anh về Hội An toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng và sâu lắng. Đó là những mái ngói rất đặc trưng của những ngôi nhà Phố Cổ, đó là hình ảnh của một cụ bà bán hàng rong đang đi qua hẻm nhỏ nằm kẹp lép giữa những bức tường vàng rêu xanh với vẻ cổ kính và thanh bình đến xao xuyến… Phố xưa non như lá (Phố xưa non); Góc phố nhỏ ấm chè mè đen (Bồng bềnh Hội An).

Nguyễn Lương Hiệu chịu khó tìm kiếm những nét đặc trưng của phố cổ Hội An- với sự hội nhập của ba nền kiến trúc độc đáo là Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa, và ở chừng mực nhất định là kiến trúc Pháp. Những bức ảnh Nguyễn Lương Hiệu chụp về Hội An là những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật đã góp phần làm nên tên tuổi Nhiếp ảnh gia Nguyễn Lương Hiệu.

Và cùng với Hội An, Nguyễn Lương Hiệu đã dành cho Mỹ Sơn (Duy Xuyên), sông Hàn (Đà Nẵng)… nhưng bức ảnh, những câu thơ đẹp, lắng sâu và tin tưởng: Cỏ không mọc lên từ đất/Cỏ mọc lên từ đá/Lung linh nếp nhăn của gió (Mỹ Sơn cỏ); hay: Không gặp em/ gặp Đà Nẵng hiên ngang/Dựa vào hôm qua/hôm nay đứng vững/Dựa vào hôm nay/mai sau sừng sững/ Như Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng với sông Hàn (Thành phố ngát xanh)

Và nếu, trong "Thong dong 3 vùng đất", với Quảng Nam - Đà Nẵng (nhất là với Quảng Nam), Nguyễn Lương Hiệu khai thác nghiêng về sự cổ kính, thì với thành phố Hồ Chí Minh, tác giả khai thác triệt để những đường nét thanh tân và hiện đại, và thơ cũng không còn êm đềm nữa, cứ xốn xang, ray rứt, cả trong những hàm ơn và nghĩa tình. Sài Gòn, nhìn từ trên cao/Những cánh chim sà xuống nghiêng mặt trời/Bóng nắng nhảy tung tăng bàn chân trẻ/Dòng kênh thênh thang chảy ra từ đó/Lòng tôi thành ngọn gió phương Nam/Thổi miên man xanh ngát đôi bờ. (Sài Gòn nhìn từ trên cao)

Một bức ảnh về Hội An của Nguyễn Lương Hiệu.

Xem những bức ảnh Nguyễn Lương Hiệu chụp về Thành phố Hồ Chí Minh trong tập sách này, tôi hiểu và cảm động, nhận ra sự kỳ công của tác giả trong việc chọn điểm nhìn toàn cảnh hoặc cận cảnh về phố phường, bến cảng, sông ngòi…

Riêng với vùng đất Thanh Hóa, trong "Thong dong 3 vùng đất", Nguyễn Lương Hiệu như muốn đi cả theo chiều dài lịch sử và chiều rộng của không gian. Chiếc máy ảnh của anh soi cả đến núi non, biển cả, ghe thuyền, nương rẫy, phố xá, ruộng đồng; đến thành Nhà Hồ, đến lăng mộ vua Lê Thái Tổ, đến mùa lúa vàng ở làng cổ Hà Trung, đến những cô gái Mường xòe hoa bên Suối Mây… Anh như một "lưu dân" trở về nguồn cội… Sông Mã mây bay như bờm ngựa/Thuyền em rẽ nắng ngược miền xuôi/Nhấp nhô núi quyện tầng mây trắng/Níu giữ tình ta mấy nẻo về (Bài tặng Xứ Thanh)

Có khá nhiều bài thơ trong "Thong dong 3 vùng đất" đã được phổ nhạc như Bềnh bồng Hội An (Thơ: Nguyễn Lương Hiệu, Nhạc: Quỳnh Hợp), Sài Gòn thành phố đời tôi (Thơ: Nguyễn Lương Hiệu, nhạc: An Thuyên), Sài Gòn nhìn từ trên cao (Thơ: Nguyễn Lương Hiệu, Nhạc: Trương Tuyết Mai); cũng có những bản nhạc do chính Nguyễn Lương Hiệu tự phổ thơ mình như: Tình tự sông Hàn…

Còn rất nhiều điều tôi muốn nói về "Thong dong 3 vùng đất" của Nguyễn Lương Hiệu, nhưng biết làm sao, khi đây chỉ là bài viết ngắn trên báo. Tôi chỉ muốn câu sau cuối rằng: "Thong dong 3 vùng đất" là tập sách ảnh nghệ thuật - thơ - nhạc thành công trên con đường "suốt hơn 30 năm đi dọc chiều dài Đất nước" của Nguyễn Lương Hiệu.

Bùi Xuân