Nhân Ngày gia đình Việt Nam (28-6): Nỗi nhớ khắc khoải của một người con Liệt sĩ

Thứ ba, 28/06/2022 15:44
Sau vài lần tìm kiếm, chúng tôi mới gặp được người con trai duy nhất của Anh hùng Liệt sĩ Công An vũ trang Lê Văn Quang (thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, H.Gio Linh, Quảng Trị). Người con ấy là ông Lê Văn Ánh (1954), hiện sinh sống tại Đội 1, thôn Kinh Môn trong ngôi nhà tình nghĩa mà Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị xây tặng cho mẹ ông gần 15 năm trước. Ngôi nhà đã xuống cấp, mẹ cũng đã qua đời do bạo bệnh, ông Ánh càng côi cút trong nỗi nhớ đấng sinh thành, nhất là nỗi khắc khoải về người cha anh dũng đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ông Lê Văn Ánh thắp hương tưởng nhớ cha, mẹ.
BĐBP Quảng Trị tri ân Liệt sĩ Phân đội 23 tại Bia Chứng tích Thiện Chánh.

“Chưa một lần được ba chạm vào người đó nờ”- lời nghẹn ngào của người con ở tuổi gần 70 về người cha Anh hùng liệt sĩ khiến ai nấy như chùng lại. Hướng về di ảnh của cha trên ban thờ, nước mắt ông tự nhiên giàn giụa. Ông càng nhớ lời mẹ kể về cha và vẫn còn nguyên ký ức về những năm tháng cùng mẹ mong ngóng cha về thăm nhà, đợi ngày đoàn tụ. Nhưng cha đã không bao giờ về được để nhìn thấy đứa con trai bé nhỏ dù chỉ một lần. Bởi, trong trận đánh lẫy lừng tại Thiện Chánh (xã Cam Thủy, H.Cam Lộ), ngày 16-10-1964, toàn bộ 16 chiến sĩ Công an vũ trang thuộc Phân đội 23, trong đó có Thiếu úy Lê Văn Quang làm Tiểu đội trưởng đều hy sinh oanh liệt. Mới đây, ông Ánh lại về Thiện Chánh, thăm chính nơi cha ông và đồng đội ngã xuống. Nơi đó có Bia chứng tích, lưu chiến công hiển hách được sử liệu ghi lại, ông Ánh cảm thấy như gần cha hơn trong tâm khảm.

Vào thời điểm giữa năm 1962 đến đầu năm 1963, bộ đội chủ lực của ta chưa xuất hiện trên chiến trường Đường 9 (trừ những tổ quân báo và đặc công nước vào nắm tình hình), lực lượng Công an vũ trang đã kết hợp chặt chẽ với du kích và an ninh địa phương vừa xây dựng cơ sở vừa diệt ác phá kìm, hỗ trợ phong trào nổi dậy của quần chúng. Đến ngày 8-11-1963, Bộ Tư lệnh CAND vũ trang quyết định thành lập thêm 3 phân đội vũ trang 21,23 và 25 (phiên hiệu KHN6) tăng cường cho Nam tuyến hoạt động ở vùng tây Gio Linh đến Tân Lâm, Ca Lu, Khe Sanh, đường 9. Thực hiện yêu cầu của Huyện ủy Cam Lộ, đêm 15-10-1964, Phân đội 23 nhận nhiệm vụ đột nhập phá ấp chiến lược ở 2 thôn Thọ Xuân và Cam vũ (xã Cam Thủy). Cuộc chiến đấu diễn ra thắng lợi. 5 giờ sáng ngày 16-10-1964, Phân đội 23 quyết định di chuyển đến thôn Thiện Chánh, tổ chức trận địa sẵn sàng đánh trả quân địch, Tiểu đội 1 thuộc Phân đội 23 do Thiếu úy Quang được phân công hướng chính diện. 12 giờ trưa ngày 16-10-1964, địch điều động 1 tiểu đoàn có phi pháo yểm trợ kéo đến tấn công thôn Thiện Chánh, tập trung hỏa lực bắn phá ác liệt. Phân đội 23 kiên trì chờ địch đến thật gần mới nổ súng, đồng bọn của chúng xô nhau tháo chạy, chúng tiếp tục củng cố đội hình và tiếp tục phản kích lần thứ 2 nhưng bị thất bại và rút lui. Đến 15 giờ 15 phút cùng ngày, địch tổ chức tấn công lần thứ ba và cũng bị thất bại. Lúc này chúng mới kêu gọi thêm quân cứu viện. Một chi đội xe bọc thép M113 từ Cồn Tiên vào phối hợp tiếp tục tiến công thôn Thiện Chánh. Cuộc chiến đấu trở nên khó khăn quyết liệt. Phân đội 23 rơi vào tình thế bao vây và phải quyết mở đường rút ra khỏi vòng vây của địch. Tiểu đội 1 do Thiếu úy Quang làm Tiểu đội trưởng nhận nhiệm vụ ở lại chiến đấu ghìm chân quân địch bảo vệ cho Phân đội rút về hậu cứ. Cuộc chiến đấu đang diễn ra thì tiểu đội bị 7 chiếc xe bọc thép M113 kẹp chặt phía trước, 1 đại đội biệt động địch bao vây phía sau. Trước tình thế nguy nan, Tiểu đội trưởng Quang bình tĩnh chỉ huy tiểu đội chiến đấu kiên cường, dũng cảm. Vì hỏa lực của ta yếu hơn nên địch đã tràn vào trận địa, tiểu đội trưởng Quang nhảy lên xe tung lựu đạn vào trong xe. Địch nhặt lựu đạn ném ra, cùng lúc đó ông bị địch bắn nát một cánh tay, mất thăng bằng ngã xuống đất. Dù vậy, ông vẫn cố bật dậy tiếp tục nhảy lên thả lựu đạn vào trong xe và đè lên nắp xe. Lựu đạn nổ, 9 tên địch thiệt mạng. Trong trận đánh này, Phân đội 23 Công an vũ trang đã tiêu diệt được 84 tên địch và nhiều xe bọc thép. Tiểu đội trưởng Quang, đồng đội Trần Công Tiện cùng 14 chiến sĩ trong tiểu đội đã anh dũng hy sinh trong trận đánh đó. Ngày 17-10-1964, địch cho máy bay lên thẳng chở 84 xác của đồng bọn chúng về Đông Hà. Chúng đã hèn hạ trả thù các chiến sĩ Công an vũ trang bằng việc mổ bụng, moi gan Thiếu úy Quang…

Ông Lê Văn Ánh thắp hương tưởng nhớ cha, mẹ.

Thăm Bia chứng tích Thiện Chánh, Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị bày tỏ niềm xúc động sâu sắc, nhấn mạnh tinh thần của các anh sẽ luôn sống mãi với quê hương, sống mãi với tình yêu thương của đồng bào, đồng chí, mãi mãi ghi lòng, tạc dạ và đời đời biết ơn sự hy sinh to lớn đó. 16 chiến sĩ vũ trang hy sinh đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Liệt sĩ, riêng liệt sĩ Lê Văn Quang và Trần Công Tiện được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân vào năm 1995.

Thiếu úy Quang ngã xuống khi con trai duy nhất mới 10 tuổi vẫn đang khao khát gặp cha, ước ao được cha ôm vào lòng, dù chỉ một lần. Và nỗi nhớ ấy vẫn đằng đẵng theo ông Ánh, chưa từng phai mờ. Trở lại cuộc sống, ông Ánh gặp nhiều thăng trầm, lận đận nhưng ông là người chăm chỉ, siêng năng. Ở tuổi gần 70, ông vẫn đi bơm thuê thuốc cỏ, thuốc sâu, đi bắt ốc bươu vàng thuê cho bà con nông dân tránh gây hại lúa. Cuộc sống rất vất vả, nhưng ông luôn cố gắng từng ngày. Bởi ông nghĩ, cần phải sống xứng đáng với sự hy sinh mà các thế hệ cha, ông đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay, trong đó có cha ông.

Bảo Hà