Nhật ký Thăng Long – Hà Nội: Hai con đường chạy dọc Hoàng thành
(Cadn.com.vn) - Vài ngày qua tôi đi tới đi lui một địa điểm: Hoàng thành Thăng Long. Dường như công việc này mang tính nguyên tắc đối với mọi phóng viên khi tham gia đưa tin về Đại lễ. Ai cũng phải ghé Hoàng thành, ít nhất một lần, trước khi tiếp cận các nguồn tin. Mà đôi khi đây cũng chỉ là một dạng phản ứng nghề nghiệp, chứ thực ra khó có thể kiếm được thông tin gì mới mẻ. Nhưng qua những lần như thế, hết sức vô tình, tôi lại nhận ra một điều thú vị, hẳn nhiên, chỉ là thú vị thực sự đối với người miền Trung. Đó chính là hai con đường chạy dọc Hoàng thành Thăng Long: Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương.
Thăng Long – Hà Nội là nơi hội tụ anh tài. Trên mảnh đất này lớp lớp những hiền nhân được lịch sử ghi tạc, từ những bậc minh quân, dũng tướng, sĩ phu... mỗi người một vẻ anh hùng. Trong số họ, Nguyễn Tri Phương (quê TT-Huế) và Hoàng Diệu (quê Quảng
Ngày 20-12-1873, thành Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương. Các con ông đã hy sinh trước đó. Quân Pháp xin chữa trị, ông khẳng khái: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”.
Ngày 25-4-1882, thành Hà Nội lại thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu, tuẫn tiết. Trong di biểu viết bằng máu gửi vua Tự Đức, ông viết: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng...”.
![]() |
Thành Hà Nội, nơi Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã trung liệt hy sinh. |
Ngày nay, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đều được thờ ở đền Trung Liệt trên gò Đống Đa với 2 câu đối:
Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh
Việc đặt tên hai con đường đã có từ lâu. Nhưng di tích hoàng thành cổ thì mãi gần đây mới phát lộ. Một sự ngẫu nhiên thú vị, khi hai con đường ấy nằm ngay trên di tích. Tôi không có ý nâng sự ngẫu nhiên thành một cái gì đó quá quan trọng, thậm chí duy tâm, nhưng hình như ở đây, trong sự ngẫu nhiên này, có một sự điều gì đó, tôi tạm gọi, là hợp lý.
Có rất nhiều điểm chung nổi bật giữa Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Hai người con đất miền Trung này đều là những bậc anh hùng hào kiệt, trí dũng hơn người. Họ đều chống lại, lần đầu tiên trong lịch sử, kẻ thù đến từ một nền văn minh hoàn toàn khác, một châu lục hoàn toàn khác. Sự anh hùng của họ, thật giống như một trò đùa của lịch sử, đều thể hiện ở tận cùng, sau thất bại, mà thật ra là thất bại của cả vương triều Nguyễn trước thực dân Pháp.
Những ngày hồn thiêng sông núi đang hội tụ về thủ đô nghìn năm văn hiến, cùng với nhân dân Hà Nội, con dân các miền đất Việt và du khách thập phương tìm về, đều có dịp bước chân trên hai con đường mang tên những vị tướng trung liệt. Với một người đến từ miền Trung, mỗi bước chân, dễ đọng lại biết bao cảm xúc gần gũi, thiêng liêng.
Nguyễn Lê