Ớn…!?

Thứ sáu, 08/04/2022 15:21
-  Cái chi mà… ớn rứa Hai Nhà giáo?

- Thì cái vụ ra đề thi học sinh giỏi Văn (HSG) lớp 9 THCS ở Yên Bái đó. Đọc đề xong, Hai thấy... ớn cho sự nghiệp giáo dục nước nhà quá! Thử hỏi NXD, mới chỉ là HS lớp 9 mà ra cái đề chi ác nhơn: Câu 1 (8 điểm) trích dẫn câu: “Đừng cảm thấy tiếc vì bụi hoa hồng có gai, mà hãy vui vì trong bụi gai có hoa hồng" (Abraham Lincoln), rồi bắt HS phải trả lời 2 ý: HS hiểu thế nào về ý kiến và “Nếu được lựa chọn, em sẽ lựa chọn tiếc vì bụi hoa hồng có gai hay vui vì trong bụi gai có hoa hồng? Câu 2 (12 điểm) trích dẫn câu: "Cái tư tưởng trong nghệ thuật là một tư tưởng náu mình, yên lặng" (Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ, NXB Giáo dục, Ngữ văn lớp 9 tập 2, tr15) rồi yêu cầu HS: "Bằng những trải nghiệm văn học của bản thân, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên"? Đề thi này ra cho HS lớp 12 còn chấp nhận được, chứ HS lớp 9 còn non nớt, ít trải nghiệm, kiến thức về lý luận chưa được học nhiều làm sao có thể làm được. Ra đề như thế hỏi sao không “ớn” cho được hả NXD?

- Chi mà nhìn phiến diện, bi quan rứa Hai Nhà Giáo. Chỉ là hiện tượng xảy ra ở Yên Bái, đâu phải tình hình chung cả nước đâu.

- Đành rằng chỉ xảy ra ở Yên Bái nhưng cần đánh động cho nền giáo dục nước nhà. Đã đến lúc cần bỏ đi cách dạy- học Văn tủ, rập khuôn, sáo rỗng, hàn lâm, thiếu hơi thở cuộc sống. Một nhà giáo tâm huyết nghề giáo đã nói với Hai Nhà giáo thế này về đề thi và người ra đề thi này rằng: Người làm chuyên môn như chúng tôi mà cũng “choáng” với đề thi HSG Văn 9 THCS ở Yên Bái. Choáng không phải vì đề khó hay không hay mà choáng vì không biết người ra đề này làm ở bậc học nào? Theo vị nhà giáo này, đề thi đó chứng tỏ người ra đề không những không hiểu gì về HS THCS, mà còn không hiểu gì về Kỳ thi chọn HSG Văn. Ngoài ra, người ra đề cũng không hiểu gì về việc học văn của HS lớp 9. Có học giỏi cỡ… đằng trời cũng chẳng thể làm hết các yêu cầu của 2 câu cả về kiến thức (văn, lý luận- P.V) lẫn kỹ năng xử lý các yêu cầu của đề nêu. Đặc biệt hơn cả, đề thi này cho thấy người ra đề không hiểu gì về cách ra đề hiện nay. Bởi nhiều năm nay, đề thi liên quan đến môn Ngữ Văn gắn cuộc sống, không rập khuôn, sáo rỗng. Đề thi này cho thấy, người ra đề không hề đi trên cùng một con đường với HS và xã hội. Đề thi phải làm sao cho HS và xã hội “gặp” được thầy cô để cùng giải quyết vấn đề cái gì cần nhất cho việc học văn nói chung, cho kỳ thi chọn HSG Văn và cho cả dư luận cùng bàn luận để cùng thấm thía rút ra bài học cả ở người ra đề và cả vấn đề họ bắt gặp trong cuộc sống. Kết luận về đề thi này, vị nhà giáo này dí dỏm nói vui: “Hoa hồng giờ đâu còn có gai nữa đâu (ý nói, với việc áp dụng công nghệ hiện đại như hiện nay, có loại hoa hồng đâu còn có gai- P.V). HS và xã hội đang chơi chứng khoán, buôn đất (ý nói trong thời đại mà chứng khoán, bất động sản lên ngôi, đề ra không hề có tính thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống chút nào- P.V)... thì làm gì mà có thời gian “tĩnh” với cái đề không… tầm này”.

- Qua vụ ra đề thi này còn cho thấy, không chỉ có người ra đề có vấn đề mà cả một bộ phận có liên quan của ngành GD-ĐT tỉnh Yên Bái cũng… có vấn đề. Bởi, đề thi phải được cả hội đồng thẩm định, thông qua…

N.X.D