Pháp chơi trò "hai mặt" trong cuộc chiến Falklands?

Thứ sáu, 09/03/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong cuốn hồi ký của mình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Nott đã mô tả Pháp là “đồng minh lớn nhất” trong cuộc chiến tranh giành quần đảo Falklands với Argentine. Tuy nhiên, những hồ sơ bí mật lại có bằng chứng rằng, Pháp lúc đó cũng giúp đỡ Argentine.

30 năm cuộc chiến Falklands

Tháng 4 tới, cả Anh và Argentine kỷ niệm 30 năm cuộc chiến tranh đẫm máu ở quần đảo Falklands. Tuy nhiên, trong những tháng đầu  năm qua, vấn đề tranh chấp này lại được thổi bùng lên, gây căng thẳng trong quan hệ hai nước, đặc biệt là khi Argentine kiện Anh lên LHQ.

Quần đảo Falklands, hiện vẫn là lãnh thổ tự trị của Anh với thủ phủ Stanley nằm ở phía Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Nam Mỹ khoảng 460km. Tổng diện tích của quần đảo là 12.173km2 với dân số khoảng 2.379 người. Lịch sử Falklands khá phức tạp và đó là nguyên nhân gây ra những tranh chấp đến tận bây giờ. Theo sử sách ghi lại, những nhà thám hiểm người Anh phát hiện ra hòn đảo vào năm 1592, nhưng lại chưa tuyên bố chủ quyền với quần đảo. Mãi đến năm 1690, nơi đây được đặt tên theo một đô đốc Anh đầu tiên đặt chân đến đây. Tuy nhiên, Argentine sau đó cũng tuyên bố chủ quyền quần đảo giàu có, xinh đẹp và ở “ngay bên cạnh mình”.

Ngày 2-4-1982, sau cuộc đảo chính trong nước đưa Tổng thống Leopoldo Galtieri, một sĩ quan quân đội, lên nắm quyền, Argentine khơi mào cuộc chiến và xung đột tại quần đảo Falklands. Cuộc chiến diễn ra trong 74 ngày, cướp đi sinh mạng của 257 binh sĩ Anh; 649 binh sĩ Argentine và 3 dân thường ở đảo Falklands. Cuộc chiến chấm dứt khi Argentina đầu hàng vào ngày 14-6-1982 và quần đảo vẫn thuộc quyền kiểm soát của Anh. Chính phủ London lúc đó, mặc dù thua xa về cự ly đối với Argentine nhưng đã giành thắng lợi phần lớn là do nhận được sự hỗ trợ từ Pháp.

Pháp thực sự giúp đỡ ai?

Trước khi chiến tranh nổ ra, Pháp đã bán cho chính quyền quân sự Argentine 5 tên lửa diệt hạm Exocet. Thời điểm đó, tình hình nóng bỏng có nguy cơ dẫn đến chiến tranh ở Falklands nên việc mua bán này không được chú ý. Vào tháng 5-1982, Anh hoàn toàn bất ngờ khi tàu chiến của họ bị tên lửa Exocet của Argentine tấn công, gây ra sự hoảng loạn trên toàn nước Anh.

 Tàu chiến HMS Glamorgan của Anh bị trúng bom từ tên lửa Exocet (ảnh nhỏ) của Argentine trong trận chiến Falklands. Ảnh: AUSAIR/BBC

Khi cuộc xung đột đến hồi quyết liệt nhất, Tổng thống cánh tả của Pháp, Francois Mitterrand đã giúp đỡ Anh bằng cách ra tuyên bố cấm bán vũ khí và hỗ trợ cho Argentine. Tổng thống Mitterrand cũng cho phép hạm đội Anh sử dụng các cơ sở của Pháp ở Tây Phi để tấn công Falklands, cũng như cung cấp cho London những thông tin chi tiết về máy bay và vũ khí mà Pháp đã bán cho chính quyền Buenos Aires. Paris cũng nỗ lực hợp tác với London để Argentine không thể mua thêm tên lửa Exocet trên thị trường vũ khí thế giới.

Tuy nhiên, chính sách của ông Mitterrand gây bất đồng chính kiến giữa một số quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Pháp. Trong một bản ghi nhớ ngày 7-4-1982, Đại sứ Pháp tại London, Emmanuel de Margerie, mô tả Thủ tướng Anh Margaret Thatcher là “chủ nghĩa đế quốc và cố chấp”. Ông nói thêm rằng, nữ Thủ tướng nước Anh có khuynh hướng và bản năng hiếu chiến”.

Trong một tài liệu khác mang tựa đề “Falklands – Những bài học từ Fiasco”, quan chức cấp cao của Pháp Bernard Dorin cáo buộc Anh là “siêu cường kiêu ngạo”. Nhưng, đằng sau những lời nói này là những hành động mạnh mẽ hơn. Trong một động thái được cho là vi phạm lệnh cấm vận của Tổng thống Mitterrand, một đội ngũ kỹ thuật Pháp - chủ yếu là làm việc cho một Cty với 51% thuộc sở hữu của chính phủ Paris- đã đến giúp đỡ Argentine trong suốt cuộc chiến. Trong một cuộc phỏng vấn thực hiện vào năm 1982 trên tờ Sunday Times, lãnh đạo nhóm này Herve Colin, thừa nhận giúp đỡ quân đội Argentine, bằng việc thử nghiệm các loại tên lửa Exocet, xem nó có hoạt động thành công hay không.

Cty Pháp, nơi ông Herve Colin vẫn làm việc, cho biết, đã 30 năm trôi qua nhưng họ vẫn không thể xác nhận nhóm kỹ thuật này có được chính phủ cho phép đến giúp Argentine hay không. Nhưng bây giờ, có lẽ mọi việc đã rõ ràng khi mà Argentine đã có thể bắn hai quả Exocet vào quân đội Anh sau 3 lần bị lỗi trước đó. Có thể thấy rõ, tất cả là nhờ nhóm kỹ thuật của Pháp. “Đó thực sự là một hành động phản quốc”, Pierre Lethier, cựu lãnh đạo Cục tình báo Pháp cho biết. Ông Francois Heisbourg, vào thời điểm đó là cố vấn an ninh quốc tế cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Charles Hernu, nhấn mạnh rằng, chính phủ Paris không hề biết gì về đội ngũ kỹ thuật này?!

Nhưng không phải tất cả các quan chức trong chính phủ Pháp đều không biết về sự hiện diện của đội ngũ kỹ thuật ở Argentine. Pierre Lethier, cựu giám đốc của DGSE - một lực lượng tương đương với Cục tình báo nước ngoài (MI6) của Anh - thừa nhận rằng, DGSE biết về hoạt động của nhóm này. “Chúng tôi có được thông tin từ lực lượng tình báo. Tại thời điểm đó, rất khó để thâm nhập quân đội Argentine. Vì vậy, chắc chắn họ phải có người giúp đỡ mới thực hiện được điều đó”. Tuy nhiên, ông quyết liệt bác bỏ vai trò của chính phủ Pháp trong việc này.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh tại thời điểm đó, John Nott, nói rằng, mặc dù ông biết rằng một đội ngũ kỹ thuật Pháp có mặt ở Argentine nhưng công việc của họ không có gì quan trọng. Những nỗ lực của Anh, ông nhấn mạnh, chủ yếu tập trung vào ngăn chặn Argentine nhận được hỗ trợ tên lửa Exocet. Khi được hỏi liệu Pháp có quyết định rút đội ngũ kỹ thuật này về nước, ông nói, mình không thể nhớ. “Nói chung, người Pháp đã giúp đỡ Anh rất nhiều trong cuộc xung đột”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, có lẽ giờ đây ông cũng cảm thấy một chút gì đó thất vọng bởi một quốc gia mà ông từng mô tả là “đồng minh lớn nhất” đã không hoàn toàn như thế. “Chúng tôi đã yêu cầu Tổng thống Mitterrand không hỗ trợ cho Argentine. Nhưng nếu bạn hỏi tôi liệu người Pháp có chơi trò hai mặt, thì đó là quyền của họ”, ông nói.

Vai trò của tên lửa Exocet

Tên lửa diệt hạm Exocet, trong tiếng Pháp có nghĩa là “cá bay”, thực sự có vai trò quan trọng đối với Argentine trong cuộc chiến Falklands với Anh bởi nó có thể được phóng từ chiến hạm, tàu ngầm, máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng.

Ra đời từ những năm 1960 nhưng phải đến năm 1982 nó mới vang danh thế giới trong trận chiến Falklands. Trong cuộc chiến này, máy bay của Argentine đã phóng một quả AM - 39 đánh trúng khu trục hạm hạng nặng HMS Sheffield ngày 4-5-1982, gây cháy và chìm 6 ngày sau đó, cướp đi sinh mạng của 20 thủy thủ đoàn. Ngày 25-5-1982, không quân Argentine bắn hai quả AM - 39 vào tàu thương mại Atlantic Conveyor của Anh làm 12 thủy thủ thiệt mạng và gây hư hỏng nặng cho con tàu. 5 ngày sau, tàu Atlantic Conveyor chìm hẳn. Ngày 12-6-1982, Argentine lại phóng tiếp một quả MM - 38 từ đất liền, đánh trúng khu trục hạm HMS Glamorgan, gây thiệt hại nặng nề cho con tàu. 14 thủy thủ thiệt mạng. HMS Glamorgan mất gần một năm sửa chữa những hư hỏng do đầu đạn 165kg gây ra.

Thanh Văn (Theo BBC)