Phục hưng nghề trồng dâu, nuôi tằm
Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là nghề truyền thống có từ lâu đời ở tỉnh Quảng Nam. Trước đây, nghề này đã có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển KT-XH của nhiều địa phương trong tỉnh, như: Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc..., giải quyết công ăn việc làm và mang lại thu nhập đáng kể cho hàng ngàn hộ dân. Sau nhiều năm bị lãng quên vì sự thay đổi của cơ chế thị trường, nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Nam đồng loạt kêu gọi người dân quay trở lại với nghề. Liệu với những nỗ lực của chính quyền địa phương, vùng trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng khi xưa có được hồi sinh?
Sau nhiều năm “ngủ yên”, nông dân xứ Quảng đã quay trở lại với cây dâu tằm. |
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, hơn 10 năm nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 11ha trồng dâu, chủ yếu tập trung ở một số xã như: Duy Hòa, Duy Châu, TT Nam Phước, Duy Trinh (H. Duy Xuyên) và xã Điện Quang (H. Đại Lộc) với khoảng 30 hộ trồng. Các hộ trồng dâu nuôi tằm này chủ yếu là nuôi để bán thực phẩm vì thời gian chăm sóc ngắn hơn, không tốn quá nhiều công sức, thị trường tiêu thụ, giá bán cũng tương đối ổn định. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, do thị trường tiêu thụ hẹp, chỉ giới hạn ở phạm vi địa phương. Trong khi đó, nuôi tằm để làm thực phẩm không phải là một nghề cần khuyến cáo phát triển ở nông thôn. Từ sau năm 2017, nhận thấy thị hiếu của người dân đã thay đổi, thị trường đòi hỏi những sản phẩm mang tính truyền thống, có giá trị cao, vì vậy UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết liệt triển khai nhiều đề án nhằm khuyến khích người dân quay trở lại với nghề.
Thông tin từ UBND H. Nông Sơn cho biết, sau một thời gian nghiên cứu, mô hình khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm đã được thí điểm tại thôn Đại Bình, xã Quế Trung. Mô hình này được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp H. Nông Sơn triển khai từ tháng 8-2018 đến 10-2019 với 6 hộ tham gia trồng dâu nuôi tằm. Các hộ này được hỗ trợ 46.500 hom giống dâu tằm S7-CB, 12 hộp trứng tằm giống LĐ 09, phân bón và các vật tư khác... Bên cạnh việc cung cấp nguồn giống, trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện còn phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dâu, chọn giống tằm để nuôi thích hợp với điều kiện của địa phương. Việc khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm ở Nông Sơn không chỉ góp phần cải thiện vật chất, nâng cao thu nhập mà còn khôi phục lại ngành nghề truyền thống ở địa phương và phục vụ du lịch sinh thái làng Đại Bình.
Bà Lê Thị Ba (1 trong 6 hộ tham gia dự án) chia sẻ, một hộp trứng tằm bình quân cho 40kg kén, với giá bán ra thị trường hiện nay là 150 nghìn đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí sẽ lãi hơn 3 triệu đồng/hộp. Đây là điều mà nếu chỉ làm nông thì người nông dân không bao giờ “dám” mơ tới...
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực tìm cách hồi sinh nghề ươm tơ, dệt lụa. |
Từ năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Điện Quang (TX Điện Bàn) đã phối hợp với Cty Cổ phần Tơ lụa Hội An trồng thí điểm 5ha dâu tại bãi bồi xã Điện Quang. Những hộ tham gia trồng dâu được HTX hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc; hỗ trợ cả công nghệ hiện đại trong quá trình nuôi tằm, kéo kén, ươm tơ và dệt lụa. Theo ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang, những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, bước đầu mang lại kết quả tích cực. “Với việc trồng thí điểm 3ha dâu giống GQ2 và 2ha dâu giống G7 của Lâm Đồng ở ven sông Thu Bồn, chương trình đã thu hút nhiều hộ trong vùng tham gia. Những hộ tham gia trồng dâu được HTX hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Từ nay đến năm 2025, HTX sẽ nâng diện tích trồng dâu lên 200ha. Hy vọng rằng việc khôi phục lại nghề truyền thống này sẽ thành công”, ông Thành cho biết.
Đối với vùng đất được mệnh danh là “xứ lụa”, ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên thông tin, trong hai năm qua, người trồng dâu nuôi tằm ở huyện được hỗ trợ kinh phí mua các loại vật tư, phân bón, khoan giếng bơm, mua sắm dụng cụ và được hỗ trợ kỹ thuật để mở rộng diện tích trồng dâu, tăng quy mô nuôi tằm trong từng hộ gia đình. Các HTX đứng ra làm đầu mối bao tiêu toàn bộ số kén với giá không dưới 140 ngàn đồng/kg cho người trồng dâu, nuôi tằm. Từ đó, nghề trồng dâu nuôi tằm bước đầu đã tìm lại được vị trí và giá trị của mình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam đã có một thời hưng thịnh, tuy nhiên dần dần đi vào tàn phai, để lại những tiếc nuối rất lớn không chỉ đối với người dân Quảng Nam, mà còn của cả nước. Đến thời điểm hiện tại, thị trường tơ lụa đã có dấu hiệu tốt, nhất là xuất hiện một số doanh nghiệp rất tâm huyết và có khả năng kết nối với các tổ chức trong và ngoài nước để phục hưng lại nghề này. “Là vùng đất giàu văn hóa với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc sinh trưởng của cây dâu, Quảng Nam nhận thức được đây là thời điểm để chính quyền cùng với nhân dân, doanh nghiệp liên kết thành chuỗi giá trị để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Cây dâu vừa tạo thu nhập cao nhưng cũng có tác dụng giữ đất, hạn chế xói lở, phục hồi môi trường hệ sinh thái khu vực hai bên sông. Tuy nhiên, để khôi phục, duy trì và phát triển bền vững nghề này là một quá trình lâu dài, cần phải có sự nhận thức sâu sắc của cán bộ, của nhân dân, sự đồng tâm hiệp lực của các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp. Quan trọng hơn phải ứng dụng công nghệ sản xuất, làm sao để nghề này phải đem lại thu nhập cao, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người nông dân thì mới thu hút được lao động nông thôn tham gia”, ông Thanh khẳng định.
ĐỒNG DAO