1 năm nhận cảm hóa, giáo dục 100 TTN lần đầu sử dụng ma túy: Khi cựu chiến binh cùng vào cuộc
(Cadn.com.vn) - Cách đây hơn 1 năm, tại buổi gặp mặt, trò chuyện với 100 thanh thiếu niên (TTN) sử dụng ma túy lần đầu trên địa bàn TP Đà Nẵng, nguyên Bí thư Thành ủy Trần Thọ mong muốn rằng “khi sơ kết 1 năm, trong 100 cháu có khoảng 70-80% em đoạn tuyệt với ma túy, trở lại với đời thường và làm lại cuộc đời là thành công, là hạnh phúc”. Vậy, mong muốn của vị lãnh đạo cao nhất thành phố lúc bấy giờ đến nay ra sao?
Đại tá Đoàn Hồng Chương (thứ 4 từ phải qua) đại diện cho Hội CCB thành phố nhận Bằng khen nhân sơ kết Chỉ thị 24 của Thành ủy về giáo dục, cảm hóa TTN hư, vi phạm pháp luật năm 2013. |
CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC
Còn nhớ ngày 18-6-2015, những người lãnh đạo cao nhất của TP Đà Nẵng là ông Trần Thọ (lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy) và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe tâm tư tình cảm của 100 TTN lần đầu sử dụng ma túy. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí cởi mở, chân thành và hết sức tình cảm. Nói như nguyên Bí thư Thành ủy Trần Thọ, đây là cuộc trao đổi, nói chuyện hết sức đặc biệt. “Các chú ngồi đây với tinh thần, thái độ, trách nhiệm của người cha, người chú. Điều đó cũng nói lên rằng, lãnh đạo thành phố không kỳ thị, không xa lánh mà ngược lại, có thái độ, trách nhiệm rất cao, mong các con, các cháu tránh xa, đoạn tuyệt với ma túy!”, ông Trần Thọ nhấn mạnh tại buổi gặp mặt.
Sau khi nghe các TTN sử dụng ma túy tâm sự, “giãi bày” những khúc mắc, nguyên nhân rơi vào nghiện ngập, ông Thọ nhẹ nhàng khuyên bảo: “Lỡ rồi, bây giờ phải tìm cách khắc phục, tìm cách cai nghiện để trở thành người tốt. Mình là con người, nhớ như thế. Không nghiện ma túy thì là con người, còn nghiện rồi phần người sẽ không có nữa. Và khi ấy hậu quả rất khó lường”.
Ông Thọ ví von đầy hình ảnh rằng: “Thành phố nghèo, tích cóp từng đồng để xây những cây cầu, những con đường, những khu dân cư mới, cái đó cần lắm. Nhưng nếu như chỉ lo xây dựng, lo kinh tế mà không lo cho thế hệ mai sau, không lo cho tuổi trẻ, để các cháu băng hoại, để các cháu tiêm nhiễm về ma túy, trở thành tệ nạn xã hội, thành tội phạm thì công lao của thành phố này là công cốc, trôi sông đổ biển, những cây cầu đẹp, ngôi nhà cao không có ý nghĩa gì hết. Cũng như trong nhà các cháu thôi, bố mẹ nai lưng ra làm, tích cóp xây nhà cửa nhưng không ai thèm quan tâm, chăm lo con cái, để cho nó hút chích ma túy thì cuối cùng của cải ấy để làm gì?”.
Còn Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ thì nhắn nhủ: “Mấy bác cũng rất hiểu rõ rằng, đấu tranh để từ bỏ ma túy là cực kỳ khó khăn, lỡ vướng vào rồi thì thoát ra không phải dễ. Và cuộc đấu tranh này, nếu để tự thân các cháu thì rất khó thành công, tất nhiên sự cương quyết, nghị lực của bản thân rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Phải cần những người xung quanh. Vì vậy, các bác ngồi đây cũng là để tạo cơ hội thấu hiểu và mong tìm ra cách giúp đỡ các cháu, đồng thời rút ra kinh nghiệm để giúp hàng ngàn người nghiện khác”.
Sau buổi gặp mặt, lãnh đạo thành phố đã ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của 100 TTN, trong đó chủ yếu là đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí mua phương tiện đi làm, cho đi học nghề..., đồng thời giao 100 TTN này cho Hội CCB (40 em), Đoàn Thanh niên (30 em) và Hội Phụ nữ (30 em) cùng phối hợp với Công an và Sở LĐ-TB&XH tìm cách giúp đỡ. Theo lãnh đạo thành phố, trong vòng 6 tháng đến 1 năm, nếu xác nhận có tiến bộ, cai nghiện thành công thì thành phố sẽ hỗ trợ, giúp đỡ ngay. Để thể hiện cam kết của mình, thành phố quyết định giao 1 tỷ đồng ngoài kế hoạch để các ngành liên quan phân công kèm cặp và hỗ trợ cho các cháu sau khi cai nghiện thành công.
Cách đây hơn 1 năm, trước lãnh đạo thành phố, 100 TTN sử dụng ma túy lần đầu đã đứng lên hứa quyết tâm từ bỏ. |
NHỮNG NGƯỜI THÍCH “LAO VÀO VIỆC KHÓ”
Là một trong 3 đơn vị nhận được “phân công” nhận giúp đỡ, giáo dục 40 TTN, Hội CCB thành phố đã xắn tay vào cuộc. “Giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục TTN sử dụng ma túy là công việc cực kỳ khó khăn, phức tạp vô cùng. Bởi đơn giản, ngay cả bố mẹ, gia đình các em đã phải... bó tay rồi, các em đã sa vào con đường nghiện ngập rồi thì những... người dưng như mình dễ gì làm được. Ngay cả việc tiếp cận, gặp gỡ được với các em để nói chuyện, trao đổi cũng đã khó, huống gì có cơ hội, thời gian để khuyên nhủ, thuyết phục các em từ bỏ ma túy, mà đây là công việc không phải chỉ ngày một ngày hai. Thậm chí có trường hợp, khi CCB đến nhà, bố mẹ các em còn tỏ thái độ bao che, cho rằng con mình không nghiện ngập vì sợ mang tiếng”..., Đại tá Đoàn Hồng Chương, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố trăn trở. Tuy nhiên, theo Đại tá Chương, lợi thế của CCB là những người từng kinh qua nhiều chiến tuyến, “ngay cả đánh giặc mình còn không sợ, thì chuyện cảm hóa, giáo dục TTN sử dụng ma túy có hề hấn gì”, Đại tá Chương nói. “Hơn nữa, các CCB trực tiếp cảm hóa, giáo dục TTN là những người sát cơ sở, là người có uy tín trong khu dân cư, lại luôn tận tâm, hết mình với công việc, nhất là việc giáo dục thế hệ trẻ nên mọi khó khăn đối với họ chỉ là tạm thời”, Đại tá Chương nhìn nhận.
Theo Đại tá Chương, sau 1 năm tổ chức thực hiện công tác cảm hóa, giáo dục 40 TTN sử dụng ma túy lần đầu, Hội CCB các địa phương đã hình thành nhiều mô hình hiệu quả, như mô hình “5 trong 1” của Hội CCB P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu). Theo đó Hội CCB đã đề nghị cấp ủy, ban công tác mặt trận, tổ trưởng dân phố và cảnh sát khu vực cùng chung tay cảm hóa, giúp đỡ 1 em; hay như Hội CCB Q.Liên Chiểu phối hợp với Trung tâm 05-06 để cán bộ Hội toàn quận và các em đang nhận cảm hóa đi tham quan trung tâm, đặc biệt cho các em trực tiếp nhìn thấy những gì đang diễn ra tại trung tâm, để các em cảm nhận và rút ra bài học cho mình. Bên cạnh đó, hàng tuần, hàng tháng, cán bộ trực tiếp cảm hóa phải có báo cáo về mức độ tiến bộ; định kỳ tổ chức thử test ma túy cho các em để kịp thời có giải pháp khắc phục và lưu vào hồ sơ theo dõi... “Để tạo thêm niềm tin, động lực cho TTN sử dụng ma túy khi nhận giúp đỡ, có CCB còn sẵn sàng 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với các em, tâm sự, giãi bày với các em mỗi ngày để các em thấy rằng mình thực sự được quan tâm, được yêu thương chứ không phải xa lánh, kỳ thị như trong suy nghĩ. Vì thế có rất nhiều em tiến bộ, rời bỏ ma túy và tìm cho mình một công việc phù hợp, ổn định cuộc sống”, Đại tá Chương cho biết.
Chính sự vào cuộc đầy tâm huyết, trách nhiệm của các cấp Hội CCB mà từ tháng 7-2015 đến nay, trong số 40 em được lãnh đạo thành phố giao cảm hóa, giáo dục thì có đến 30 em đã đoạn tuyệt hẳn với ma túy, được công nhận tiến bộ (có 22 em có việc làm), 3 trường hợp bỏ đi nơi khác và 7 trường hợp đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và trung tâm 05-06... “Với trách nhiệm của những người đi trước, với truyền thống của anh bộ đội Cụ Hồ, chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để góp phần giảm thiểu tội phạm, tệ nạn ma túy, nhất là trong giới trẻ, để góp phần làm cho Đà Nẵng thực sự là thành phố an bình, đáng sống như mục tiêu đã đặt ra”, Đại tá Đoàn Hồng Chương nhấn mạnh.
D.Hùng