Báo Công An Đà Nẵng

10 năm Đề án TP Môi trường: Đà Nẵng đã làm được gì?

Thứ bảy, 20/10/2018 13:10

Dù đã chi ra hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho các dự án môi trường, song nhiều điểm nóng về ô nhiễm gây bức xúc dư luận vẫn dai dẳng tồn tại. Không những thế, bờ biển Đà Nẵng được coi là mặt tiền, là “nồi cơm” của TP cũng trở thành “điểm nóng” bởi hàng loạt cửa xả nước thải. Thử hỏi, 10 năm thực hiện Đề án TP Môi trường Đà Nẵng đã làm được gì và phải làm gì?

Hệ thống khách sạn ven biển phát triển quá nóng dẫn đến hạ tầng kỹ thuật khu vực quá tải, không thu gom hết nước thải.

Nhiều điểm nóng dai dẳng

10 năm trước, tại Đề án TP Môi trường, Đà Nẵng xác định 10 điểm nóng môi trường cần tập trung giải quyết. Năm 2010, TP xác định thêm 3 điểm mới. Như vậy, qua 10 năm, đến nay vẫn còn 6 điểm nóng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để. Điều đáng nói, các điểm nóng này đều quen thuộc, trở thành nỗi bức xúc dai dẳng của người dân, như: Âu thuyền Thọ Quang, bãi rác Khánh sơn, trạm xử lý nước thải Hòa Cường, cửa sông Phú Lộc ra biển, các cửa xả ven biển tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp, ô nhiễm khí thải do hoạt động của các DN sản xuất sắt thép tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh. Để xử lý các điểm nóng ô nhiễm, trong giai đoạn từ 2016-2018, TP đã bố trí vốn hơn 2,1 ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, tháng 7-2018, HĐND TP đã ban hành nghị quyết về danh mục các dự án trọng điểm, mang tính động lực cần tập trung vốn triển khai sớm có 8 dự án thuộc lĩnh vực khoa học môi trường với tổng vốn hơn 6,8 ngàn tỷ đồng.

Trong các điểm nóng ô nhiễm còn lại, đáng lo nhất vẫn là các cửa xả ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn. Bởi lẽ, nó ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, dịch vụ được coi là “nồi cơm” của TP. Nói như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, để ô nhiễm, mất biển là mất tất cả. Lãnh đạo Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, việc ô nhiễm cửa xả ven biển phía Đông TP là do các công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng nhưng không theo kịp quá trình đô thị hóa, phát triển nhanh của TP, dẫn tới hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng được. Cụ thể, việc phát triển các nhà hàng, khách sạn ven biển phía Đông dẫn tới tăng lượng nước thải trong khi hệ thống thu gom nước thải TP khu vực này không đảm bảo đã dẫn đến tình trạng nước thải chảy ra các cửa xả ven biển. Để giải quyết tình trạng này, năm 2019, TP sẽ bố trí vốn 927 tỷ đồng cho dự án thu gom nước thải từ núi Sơn Trà đến đường Phạm Văn Đồng. Khu vực biển Mỹ An- Mỹ Khê sẽ được xử lý theo Dự án phát triển bền vững bằng nguồn vốn ODA hơn 750 tỷ đồng trong năm 2018. Ngoài ra, TP sẽ đầu tư Tuyến ống thu gom nước thải, nước mưa dọc đường Trường Sa từ đường Hồ Xuân Hương đến Huyền Trân Công Chúa.

Các cửa xả ra biển phía Đông TP đang gây áp lực lớn lên ngành du lịch TP.

Với một số điểm nóng môi trường khác, việc xử lý khó khăn, kéo dài được lý giải do cần nguồn kinh phí lớn, công tác dự báo, quy hoạch, bố trí quy hoạch trước đây chưa đảm bảo các quy định, nhất là khoảng cách ly an toàn. Nhiều khu, cụm công nghiệp ở TP cho đến nay vẫn đang thiếu các vùng đệm an toàn hoặc trồng cây xanh cách ly. Khoảng cách ly an toàn môi trường từ khu công nghiệp đến khu dân cư chưa đảm bảo theo quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường ở khu dân cư, làm phát sinh những điểm nóng khiếu kiện về môi trường. Mặt khác, việc triển khai các công trình bảo vệ môi trường phải qua nhiều thủ tục, thời gian kéo dài, chưa kể nhiều trường hợp gặp vướng mắc kéo dài về công tác giải tỏa đền bù. Đơn cử như tại khu vực tuyến cống Khe Cạn, Kênh và cống thoát nước từ KCN Hòa Khánh đến sông Cu Đê. Trong khi đó, không ít cơ sở kinh doanh vì lợi ích kinh tế vẫn còn đối phó trong việc đầu tư, vận hành công trình bảo vệ môi trường.

Đà Nẵng cần khẩn trương xây dựng Khu liên hợp xử lý rác thải rắn tiến tới đóng cửa bãi rác Khánh Sơn.

Giải quyết thế nào?

Xác định môi trường là yếu tố sống còn với sự phát triển bền vững, vì thế trong những năm qua TP đã đầu tư lớn cho công tác này. Cụ thể đã đầu tư, đưa vào vận hành Trạm xử lý nước thải Sơn Trà 25 ngàn m3/ngày, Trạm XLNT KCN Liên Chiểu 2 ngàn m3/ngày, xây mới Trạm XLNT Hòa Xuân 20 ngàn m3/ngày (GĐ2 40 ngàn m3/ngày), nâng cấp trạm XLNT Phú Lộc gian đoạn 1 lên 40 ngàn m3/ngày... Tuy nhiên, với những điểm nóng ô nhiễm, gây bức xúc dai dẳng, TP phải có giải pháp quyết liệt để xử lý triệt để. Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, với bãi rác Khánh Sơn, trước mắt yêu cầu đơn vị quản lý thực hiện chôn lấp theo đúng quy trình, điều chỉnh lại vùng đổ rác có diện tích tối đa 2 ngàn m2 để có thể kiểm soát được mùi hôi, triển khai trồng cây xanh cách ly khu vực chôn lấp. Về nước rỉ bãi rác, dứt điểm phải đưa hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 700m3/ngày/đêm vào sử dụng trong tháng 10-2018. Về lâu dài, TP cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn với công nghệ tiên tiến, có thể tái chế rác thải hữu ích, tiến tới đóng cửa bãi rác Khánh Sơn.

Với điểm nóng Âu thuyền Thọ Quang, nguồn thải chính là từ tàu thuyền neo đậu, vì thế bên cạnh triển khai dự án nạo vét âu thuyền cần quản lý chặt việc phát thải của các tàu thuyền. Tại điểm nóng cửa sông Phú Lộc, TP cần đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải tại khu vực hạ lưu tuyến cống Khe Cạn; xây dựng tuyến ông thu gom nước thải dọc kênh Đa Cô. Với KCN Hòa Khánh, chậm nhất quý II-2019 phải hoàn thành đưa vào vận hành dự án nâng cấp hệ thống thu gom nước thải đường số 2, 3, 7, 8, 9, 10. Riêng dự án kênh và cống thoát nước từ KCN Hòa Khánh đến sông Cu Đê, hiện TP đã hoàn thành thi công chiều dài 400m, song còn vướng giải tỏa hơn 160 hồ sơ, do vậy tới tháng 8-2019 mới có thể hoàn thành, đưa vào vận hành (chậm 10 tháng).

Xây dựng TP môi trường là quá trình dài, bên cạnh việc đầu tư có chiều sâu của TP cho các công trình, dự án bảo vệ môi trường, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, như vậy mục tiêu của đề án mới có thể thành công.

HẢI QUỲNH