Báo Công An Đà Nẵng

10 năm tới đô thị Đà Nẵng sẽ thay đổi rất lớn

Thứ năm, 27/08/2020 07:40

Ngày 26-8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với Đà Nẵng và tư vấn Singapore để thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 lần cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.

Chia Đà Nẵng thành 12 phân khu

Theo đồ án quy hoạch, 10 năm tới Đà Nẵng đạt dân số khoảng 1,97 triệu người, qui mô đất xây dựng đô thị hơn 34,2 ngàn ha chiếm hơn 35,5 % diện tích đất liền. TP sẽ có 3 vùng đô thị đặc trưng, 2 vành đai kinh tế (phía Bắc là vành đai công nghiệp công nghệ cao và cảng biển-logistics, phía Nam là vành đai đổi mới sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao). Tư vấn Singapore cũng định hướng phát triển toàn TP chia làm 12 phân khu đô thị. Nổi bật như phân khu Ven sông Hàn và bờ Đông diện tích hơn 6,5 ngàn ha, dân số khoảng 484 ngàn người, là đô thị hiện trạng được cải tạo và tái thiết hình thành đô thị nén tại trung tâm TP. Phân khu cảng Liên Chiểu diện tích 1.258 ha, dân số khoảng 19 ngàn người, phát triển cảng Liên Chiểu, cụm logistics, Khu đô thị cảng biển. Phân khu Công nghệ cao diện tích khoảng 5.679 ha, dân số dự kiến khoảng 314 ngàn người, phát triển công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghệ thông tin cùng với bến xe phía Bắc, các khu đô thị đã và đang hình thành tại Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Hiệp Nam. Phân khu Trung tâm lõi xanh diện tích khoảng 4.740ha dân số khoảng 61 ngàn người, là khu vực đặc trưng bởi các dãy Phước Tường - An Ngãi nhiều cây xanh, tuyến đường cao tốc Bắc Nam, tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao và ga đường sắt mới. Phân khu Đổi mới sáng tạo diện tích khoảng 3,9 ngàn ha dân số khoảng 233 ngàn người, phát triển dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế, thể dục thể thao chất lượng cao. Trọng tâm của phân khu này là làng Đại học, công viên phần mềm cùng với các bệnh viện quốc tế, Khu liên hiệp thể thao Hòa Xuân, bến xe phía Nam. Phân khu Sân bay diện tích khoảng 1,3 ngàn ha dân số khoảng 104 ngàn người, trọng tâm là sân bay Đà Nẵng và cụm logistics hiện đại mới.

Khu vực trung tâm TP hiện hữu được phát triển thành đô thị nén. 

Mở nhiều đại lộ kết nối Đông - Tây

Các chuyên gia cho rằng Đà Nẵng muốn phát triển phải mở rộng về phía Tây, đây là hướng duy nhất. Muốn vậy, phải sớm xây dựng các trục giao thông kết nối Đông –Tây, các đường vành đai. Khi mở về phía Tây thì núi Phước Tường sẽ như một công viên lớn nằm giữa TP.

Trên quan điểm ấy, hàng loạt trục giao thông mới được xây dựng kết nối Đông - Tây. Cụ thể như kéo dài đường vành đai phía Tây đi qua Khu CNC tại điểm nối cao tốc La SơnTúy Loan và đường tránh Nam Hải Vân. Quy hoạch tuyến đường cao tốc phía Tây nối từ đường Nguyễn Tất Thành (nối dài) qua QL 14B gần Trung tâm hành chính Hòa Vang và kéo dài đến biển. Xây dựng trục giao thông xuyên qua sân bay kết nối Đông - Tây, nối đường Nguyễn Sinh Sắc thẳng tới đường Hoàng Văn Thái (nối dài), quy hoạch đường Hoàng Văn Thái thông thẳng ra Nguyễn Tất Thành (xuyên qua khu vực ga đường sắt hiện tại) để tạo thành tuyến trục liên thông từ Nguyễn Hữu Thọ-Lê Đình Lý-Hoàng Hoa Thám-Nguyễn Tất Thành. Đặc biệt, xây dựng hầm qua sông Hàn nối đường Đống Đa với Vân Đồn, xây cầu đường bộ nối đường 29-3 (Hòa Xuân) sang đường Bùi Tá Hán Q. Ngũ Hành Sơn, xây dựng bến xe phía Bắc tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh, bến xe phía Tây tại nhà máy xi-măng Hòa Khương, chuyển bến xe trung tâm phục vụ giao thông công cộng.

Ngoài ra, quy hoạch đề cập tới việc mở rộng công suất sân bay Đà Nẵng lên 30 triệu khách/năm, tiến tới xây dựng 2 đường băng, hình thành trung tâm logistics chuyên dụng. Ga hành khách đường sắt mới được xây dựng tại khu vực gần nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc, gắn với hình thành một trung tâm thương mại dịch vụ, động lực phát triển khu vực phía Tây. Ga hàng hóa tại Kim Liên được gắn liền với cảng Liên Chiểu để hàng hóa chỉ 1 lần trung chuyển. Cảng Liên Chiểu được xây dựng với công suất 46 triệu tấn, diện tích 450 ha, hậu cần cảng 195 ha, đồng thời chuyển Tiên Sa thành cảng du lịch.

Động lực từ cảng Liên Chiểu

Phản biện về đồ án, một số chuyên gia cho rằng dự báo tăng dân số trong 10 năm tới cho Đà Nẵng tới gần 2 triệu người là cao, khó đạt được và cần chuẩn bị một nền tảng hạ tầng cơ sở rất lớn. Bên cạnh đó, đồ án cũng phải quy hoạch quĩ đất dành cho giao thông nhiều hơn, tránh lặp lại bài học của Hà Nội, khi quá tải, ùn tắc giao thông công có quĩ đất để xử lý. Theo Chủ tịch Hội Qui hoạch kiến trúc Việt Nam, ông Trần Ngọc Chính, cảng Tiên Sa giờ không còn phù hợp, muốn chuyển hàng hóa qua ga đường sắt, đường bộ phải xuyên qua trung tâm TP. Vì thế, cần chuyển ngay sang cảng du thuyền, địa thế rất đẹp, chẳng khác gì cảng Monaco của Pháp. Đà Nẵng là TP du lịch, mà du lịch đẳng cấp phải có bến du thuyền. Song song với đó, phải cấp bách xây cảng Liên Chiểu, điều kiện thuận lợi, có mũi Hải Vân che chắn. “Phải lấy vài trăm héc-ta mặt biển làm cảng, mở rộng thêm khu vực dân cư gần sông Cu Đê hình thành một trung tâm đô thị lớn ở đây” - ông Chính nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam nói: Tôi cứ trăn trở mãi, động lực nào cho Đà Nẵng phát triển. Trước đây ở Hải Phòng cũng vậy, khi làm cảng Lạch Huyện cũng tranh cãi. Nhưng rồi, chính cảng Lạch Huyện là động lực làm thay đổi Hải Phòng, phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Tôi nghĩ cảng Liên Chiểu cũng có xứ mệnh, tác động với Đà Nẵng như vậy. Ông Vạn nói, cần phải ưu tiên, tập trung nguồn lực xây dựng khẩn trương cảng Liên Chiểu. Không thể chấp nhận với một vị trí trung tâm vùng, cửa ngõ hướng biển quốc tế mà vận tải cảng biển Đà Nẵng đứng thứ 10 cả nước, thua cả cảng Dung Quất thì không chấp nhận được. Ông Vạn nhấn mạnh: “Phải dùng cú hích đầu tư công để xây cảng Liên Chiểu thật nhanh. Đây là động lực phát triển, hình thành trung tâm logistics lớn, khu đô thị trung tâm phía Bắc của Đà Nẵng”.

Bộ 3 công cụ quan trọng

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, cảng Liên Chiểu nếu được quan tâm xây dựng như nêu trong Nghị quyết 33 thì giờ đã là động lực, đóng góp quan trọng cho Đà Nẵng. Bởi lẽ đi từ Bắc vào Nam, cảng Liên Chiểu có lợi thế lớn hơn cả Lạch Huyện hay Cái Mép-Thị Vải. Không chỉ là cảng nước sâu, được che chắn gió tốt mà còn có cả khu vực hậu cần công nghiệp, giao thông đường sắt, đường bộ Bắc – Nam ngay sau lưng. Ngoài ra, theo ông Nghĩa, quan điểm phát triển không gian đô thị Đà Nẵng là một vùng đô thị kéo dài từ Lăng Cô tới Hội An, vì thế tính kết nối, đặc biệt giao thông được đặc biệt trú trọng. Ngoài tuyến giao thông đường thủy dọc sông Cổ Cò nối Đà Nẵng – Hội An còn có tuyến tàu điện nhanh, các tuyến giao thông nhẹ...

Ông Nghĩa nói, Chính phủ đã thông qua thiết kế Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng tới năm 2030, Quốc hội đã thông qua mô hình Chính quyền đô thị và một số cơ chế đặc thù, hiện nay Đà Nẵng chỉ còn chờ Chính phủ thông qua Đồ án điều chỉnh qui hoạch chung tới năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây là bộ 3 công cụ quan trọng để Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết 43 bài bản, đảm bảo phát triển TP lâu dài, đúng vai trò, vị trí và kỳ vọng.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Đồ án đề nghị bổ sung thêm một số nội dung vào đồ án trước khi trình Thủ tướng. Cụ thể, các phương án kịch bản phát triển kinh tế phải tuân thủ đúng theo NQ 43. Một số chỉ tiêu quy hoạch, tiêu chuẩn sử dụng đất nhất là về giáo dục, y tế, nhà ở, công trình công cộng, cây xanh... phải cập nhật các qui chuẩn quốc gia. Ví dụ đất dành cho giao thông hiện thấp hơn qui chuẩn quốc gia. “Đã là TP đáng sống, TP du lịch thì các chỉ tiêu đô thị phải vượt chuẩn quốc gia. Chứ đô thị chật chội, lộn xộn thì không thể nói là đáng sống được”- ông Hà nói. Về dự báo qui mô dân số tăng quá cao, ông Hà nói không đáng lo. Qua phân tích, Đà Nẵng có tốc độ tăng dân đô thị cao nhất 5 TP trực thuộc Trung ương, tốc độ tăng 2,94%, trong khi Cần Thơ có 0,9%, Hà Nội, Hải Phòng cũng hơn 1%. Những năm 1992, 1995 Đà Nẵng đón nhận làn sóng tăng dân lớn. Theo chu kỳ, bối cảnh, có thể sắp tới Đà Nẵng sẽ đón làn sóng phát triển thứ 2. Đà Nẵng có thể đạt qui mô 3 triệu dân không? Việc tăng dân số phụ thuộc yếu tố kinh tế, việc làm, điều kiện sống... “Nếu đô thị không đạt tới qui mô dân số 2,5-3 triệu dân rất khó trở thành đô thị động lực, trung tâm hay cực tăng trưởng của vùng, các vấn đề đáng sống nói sau”- ông Hà nhấn mạnh.

Việc bổ sung một số nội dung vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng tới năm 2030, tầm nhìn 2045 nếu xong sớm thì Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 9-2020.

HẢI QUỲNH

Bảo tàng sống 

Tư vấn Surbana Jurong quy hoạch 2 điểm nhấn lớn cho đô thị Đà Nẵng. Đó là Khu bảo tàng sống, là khu vực đô thị truyền thống với các con đường có quy mô phù hợp các kiệt, hẻm và Đình làng Hải Châu để giới thiệu về lịch sử và lối sống đô thị tại Đà Nẵng. Khu Trung tâm kinh doanh thương mại (CBD) diện tích khoảng 62 ha (tại KCN An Đồn hiện nay) được thiết kế để trở thành trung tâm kinh tế mới của TP