Báo Công An Đà Nẵng

10 sự kiện giáo dục năm 2017

Thứ hai, 01/01/2018 10:00

1. Câu chuyện lương nhà giáo: Năm 2017, vấn đề về chế độ, đời sống giáo viên được đề cập nhiều trên các diễn đàn, trang báo. Cụ thể, giữa tháng 5-2017, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng "có vào - có ra", có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình.

Các chính sách của ngành giáo dục luôn nhận được sự quan tâm từ xã hội (ảnh minh họa). Ảnh: P.THỦY

Câu chuyện cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh sau 37 năm dạy học đã bật khóc khi cầm quyết định nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng, khiến cả tập thể giáo viên khóc theo cũng là vấn đề khiến xã hội quan tâm…

Cuối năm 2017, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành với thay đổi đáng chú ý là lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp.

2. Điểm đầu vào ngành Sư phạm thấp kỷ lục: Sau khi có 100.000 thí sinh trúng tuyển từ chối vào ĐH thì kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đánh dấu sự thất bại của các trường Sư phạm khi thí sinh chỉ cần 9 điểm là đỗ CĐ, 15 điểm là có thể học trình độ ĐH. Cũng liên quan đến điểm thi, Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có hơn 4.000 điểm 10 khiến dư luận hoài nghi là do đề thi dễ hay là do đề thi còn lỏng lẻo. Tình trạng thí sinh đạt 28, 29 và 30 điểm vẫn chưa cầm chắc "tấm vé" đỗ ĐH cũng phải khiến những người làm công tác giáo dục suy ngẫm.

3. Dự kiến bỏ "lệnh cấm" thi tuyển vào lớp 6: Bên cạnh việc đề xuất miễn học phí cấp THCS như trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thì trong năm 2017, Bộ GD-ĐT còn công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18-4-2014.

Một điều đáng chú ý là dự thảo bổ sung: "Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh".

4. Thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Cuối tháng 7-2017, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã chính thức thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Chương trình được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

5. Lùi thời gian thực hiện sách giáo khoa mới: Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Theo đó, thời hạn áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu sẽ được thực hiện chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022 - 2023 đối với cấp THPT. Trước đó, chương trình này dự kiến bắt đầu áp dụng từ năm học 2018 - 2019.

6. 12.000 tỷ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ: Đầu tháng 11-2017, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo nâng cao năng lực 9.000 giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có trình độ tiến sĩ với tổng kinh phí là 12.000 tỷ đồng đã khiến dư luận băn khoăn. Cả nước đã đào tạo hơn 24.000 tiến sĩ nhưng trong lĩnh vực giáo dục ĐH thì số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện là 16.541, mới chỉ đạt 22,68% tổng số giảng viên, vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.  Như vậy, có khoảng 9.000 tiến sĩ đang hoạt động, làm việc ở các đơn vị ngoài ngành Giáo dục và đây liệu có phải là sự lãng phí quá lớn khi họ không tham gia trực tiếp vào công tác giảng dạy? Ngoài ra, dư luận cũng băn khoăn về hiệu quả của việc Bộ GD-ĐT cấp kinh phí cho các trường ĐH đào tạo 9.000 tiến sĩ.

7. Sẽ không phân biệt bằng đại học chính quy và tại chức?: Đó là một trong những điểm mới được đề cập tại khoản 2, Điều 6 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Tuy nhiên, người dân đã bày tỏ việc không phân biệt bằng ĐH chính quy và tại chức sẽ khó nhận biết được năng lực thực sự của người học. Bởi hiện nay, việc đào tạo tại chức chưa thực sự hiệu quả, nhiều người đi học vì tấm bằng để thăng tiến trong công việc, chứ không phải là bổ sung thêm kiến thức.

8. Nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc: Năm 2017, bạo lực học đường vẫn là vấn đề nhức nhối. Điển hình là việc đánh hội đồng bạn ngay trên bục giảng của các học sinh nữ Trường THCS Trường Yên (H. Chương Mỹ, Hà Nội). Bức xúc hơn nữa là tình trạng bạo hành trẻ của các giáo viên mầm non. Tại thủ đô Hà Nội, giáo viên mầm non nhóm lớp tư thục Sen Vàng (P. Minh Khai, Q. Hai Bà Trưng) đã dùng dép đánh vào đầu và thúc đầu gối vào bụng trẻ. Tại thành phố Hồ Chí Minh, bảo mẫu của cơ sở Mầm Xanh dùng tay chân, can nhựa, chổi lau nhà, thậm chí cả dao, hành hạ trẻ mầm non. Vụ việc gây phẫn nộ cả nước. 

9. Học sinh "cõng" hơn 30 khoản thu tự nguyện: Tình trạng lạm thu tiếp tục là một chủ đề "nóng" của giáo dục trong năm 2017. Khắp nơi, từ Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp… phụ huynh đều kêu cứu vì bị nhà trường lạm thu. Thanh tra Bộ GD-ĐT đã vào cuộc và phát hiện ở nhiều trường có danh sách các khoản đóng góp dài dằng dặc như tờ sớ. Theo quy định, học sinh chỉ phải đóng góp khoản bắt buộc duy nhất là học phí, nhưng trên thực tế, các em phải "cõng" thêm đến hơn 30 khoản tiền khác.

. Giành 4 HCV Olympic Toán quốc tế: Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam giành 4 HCV Olympic Toán học quốc tế và có kết quả cao nhất trong lịch sử 43 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế. Ngoài ra, trong năm, học sinh Việt Nam còn giành được 3 HCV Olympic Vật lý quốc tế, 4 HCV Olympic Hóa học quốc tế cùng nhiều huy chương bạc, đồng khác.

Tổng hợp