Báo Công An Đà Nẵng

10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2020

Thứ bảy, 26/12/2020 06:22

Theo bình chọn của TTXVN, 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2020 bao gồm:

1. Tổ chức thành công đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương; hoàn tất các văn kiện, nhất trí nhân sự trình Đại hội XIII của Đảng: Thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị, toàn bộ 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, sớm hơn so với ba nhiệm kỳ gần đây, bảo đảm đúng quy định, chất lượng trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão, lũ...

2. Việt Nam là điểm sáng của thế giới trong kiểm soát đại dịch Covid19: Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 (tính đến sáng 25-12 đã có 1.433 ca mắc, đã chữa khỏi 1.281 ca trong bối cảnh thế giới ghi nhận khoảng 80 triệu ca mắc và trên 1,7 triệu ca tử vong).

3. Ngoại giao đa phương Việt Nam có nhiều dấu ấn quan trọng: Việt Nam đảm nhận thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 41) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương.

4. GDP tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng: Năm 2020, kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) từ 2-3%. Kinh tế Việt Nam cũng ghi nhận những điểm sáng như: xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 20 tỷ USD; thu hút 2.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt gần 15 tỷ USD. Khoảng 180 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 0,9% so với năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2011-2020, đạt hơn 90%...

5. Mưa bão, ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng ở miền Trung, làm 249 người chết, mất tích: Trong tháng 10 - 11-2020, 7 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào khu vực miền Trung gây ra mưa lớn chưa từng có về cường độ và thời gian, gây ngập lụt trên diện rộng, làm 249 người chết, mất tích; khoảng 50.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; hơn 4,5 triệu con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 149.000 ha rừng bị ảnh hưởng; nhiều cơ sở hạ tầng và công trình dân sinh bị hư hỏng. Đặc biệt, lũ dữ, sạt lở kinh hoàng tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế); Nam Trà My và Phước Sơn (Quảng Nam), Hướng Hóa (Quảng Trị) khiến nhiều người chết, mất tích, gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương này.

6. Tiếp tục xử lý, kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao có sai phạm: Năm 2020, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý (trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 5 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng) do có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

7. Bước đột phá trong chương trình chuyển đổi số quốc gia: “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Hiện thực hóa mục tiêu phát triển Chính phủ số, trong năm 2020, Cổng Dịch vụ Công quốc gia đã tích hợp và cung cấp hơn 2.650 dịch vụ công trực tuyến, trên 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền.

8. Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một khung chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 năm học 2020-2021, Việt Nam, lần đầu tiên, có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau theo cùng một khung chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK và xóa bỏ sự độc quyền trong công tác xuất bản, phát hành SGK. Tuy nhiên, vấn đề giá SGK cao, việc sử dụng, lựa chọn ngữ liệu trong một số cuốn sách mới chưa phù hợp đã gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu và điều chỉnh một số nội dung.

9. Kỳ tích ghép bàn tay từ người hiến sống đầu tiên trên thế giới: Ngày 24-2-2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công bố thực hiện thành công ca ghép bàn tay từ người hiến sống. Đây là ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, cũng là ca ghép đầu tiên trên thế giới được nhận chi hiến từ người cho sống. Trong năm qua, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công ca tách dính hai bé song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi, giúp hai bé có thể độc lập đi trên đôi chân của mình.

10. Công viên Đắk Nông gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO: Với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m, các miệng núi lửa, thác nước…, Công viên địa chất Đắk Nông là nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, cùng với nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.

TTXVN