Báo Công An Đà Nẵng

1001 chiêu lừa đảo của tội phạm công nghệ cao

Thứ bảy, 29/11/2014 14:47

(Cadn.com.vn) - Thay nhau gọi điện thoại tự xưng là nhân viên bưu điện đòi nợ cước thuê bao với số tiền lớn, khi chủ thuê bao thắc mắc thì các đối tượng yêu cầu bấm số 0 hoặc 9 để gặp “cơ quan CA”. Thực hiện thao tác bấm số, người nghe lập tức bị đối tượng giả danh thông báo hiện có liên quan đến các hoạt động buôn lậu, trốn thuế hoặc mua bán ma túy... và đang bị điều tra. Đoán định người nghe có dấu hiệu sợ hãi, chúng yêu cầu khai báo số dư tài khoản, đồng thời chuyển tiền vào tài khoản của “cơ quan CA” để tạm giữ, chứng minh sự vô tội và sẽ được hoàn trả sau 24 giờ... Đây là một trong những hình thức lừa đảo do tội phạm công nghệ cao thực hiện thời gian gần đây tại Đà Nẵng.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn - Phó Trưởng phòng CSĐTTPVTTQLKT&CV CATP Đà Nẵng.

Mạo danh cơ quan CA để lừa đảo

Ngày 5-11, điện thoại bàn đổ chuông, chị Võ Thị Nh.Ng (1984, trú đường Núi Thành, Đà Nẵng) nhấc máy thì lập tức đầu dây bên kia thông báo thuê bao điện thoại nhà chị đang nợ tổng đài VNPT 8,93 triệu đồng. Chị Ng. thắc mắc, người đầu dây bên kia bảo “muốn kiểm tra thông tin thì bấm phím 0”. Làm theo lời chỉ dẫn, chị Ng. tá hỏa khi nghe một giọng nữ thông báo số tiền cước còn nợ như trên, đồng thời nói nếu có thắc mắc gì thì gọi tổng đài “081080” để hỏi. Tiếp tục thực hiện thao tác bấm số “tổng đài” và trao đổi với “nhân viên nhà mạng” về số tiền cước, cô “nhân viên” này báo “vụ việc của chị sẽ được chuyển qua cho CATPHCM” và kết nối điện thoại với cơ quan CA. Sau một tiếng “bíp”, trao đổi với chị Ng. là một giọng nam, tự xưng là người của cơ quan CA và cho biết, để làm rõ sự việc, chị Ng. phải thành thật khai báo số tài khoản và số tiền mặt hiện đang giữ. Ngoài ra, người này còn yêu cầu chị giữ bí mật tuyệt đối cuộc đối thoại, vì nếu để lộ ra ngoài thì người thân của chị sẽ gặp nguy hiểm, tài khoản sẽ bị đóng băng. Vì tin đó là người của cơ quan CA đang vào cuộc điều tra nên chị Ng. răm rắp làm theo hướng dẫn của người đàn ông này.

8 giờ 45 ngày 6-11, chị Ng. tiếp tục nhận được điện thoại của “cơ quan CA” và gặp người tự xưng tên Phong, “trung tá CATPHCM”. Ông này giới thiệu mình là người chuyên điều tra về lĩnh vực ngân hàng, hiện đang theo dõi một số cán bộ ngân hàng có dính đến đường dây làm giả CMND, trong đó có chị Ng. là nạn nhân. Liên tục trong ngày 6-11, “trung tá Phong” đã dùng số điện thoại cố định được mã hóa thành số của cơ quan CA gọi hơn 20 cuộc, yêu cầu chị Ng. muốn minh oan về số tiền nợ nói trên thì phải chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản của “CA” để đảm bảo an toàn, sau khi làm rõ sẽ trả lại toàn bộ số tiền cho chị. Và kết cục chỉ sau đó ít phút, toàn bộ số tiền 50 triệu đồng đã mất dấu…

Chị Trương Thị L. (1961, trú P. Bình Hiên, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) cũng là nạn nhân của loại tội phạm này. Tuy nhiên, may mắn hơn chị Ng. là chị L. còn giữ lại được tài sản nhờ phát hiện kịp thời. Số là 8 giờ ngày 11-10, chị được “nhân viên tổng đài” thông báo thuê bao điện thoại nhà chị đang nợ 8,93 triệu đồng tiền cước, nếu không thanh toán sẽ cắt liên lạc. Cũng với chiêu thức tương tự, các đối tượng giả danh cơ quan CA bảo chị có liên quan đến một đối tượng mua bán ma túy cộm cán, hiện CA đang điều tra và yêu cầu chị phải chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan CA để… giữ hộ, sau 24 giờ sẽ trả lại. Muốn để cho cuộc điều tra sớm bắt được tên tội phạm nào đó, đồng thời để chứng minh số tiền mình có được là nhờ mồ hôi, công sức bỏ ra, chị L. đến ngân hàng và nhập lệnh chuyển 160 triệu đồng vào số tài khoản của “cơ quan CA”. Sau khi làm thủ tục gửi tiền vào tài khoản, linh tính mách bảo có gì đó không ổn, chị L. lập tức nhờ nhân viên ngân hàng khóa số tiền vừa gửi, đồng thời đến cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng trình báo sự việc.

Cần nâng cao cảnh giác

Tháng 9-2014, Phòng CSĐTTPVTTQLKT&CV CATP đã khám phá chuyên án lừa đảo qua điện thoại và mạng Internet, bắt giữ 3 đối tượng có liên quan, đồng thời ra quyết định truy nã đối tượng chủ chốt trong đường dây. Điều đáng nói, sau khi bắt giữ nhóm đối tượng, cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo nhiều nhưng đến nay, chỉ riêng tại địa bàn Đà Nẵng, số nạn nhân của hành vi lừa đảo này do các nhóm đối tượng khác gây ra vẫn không ngừng tăng, số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 2 tỷ đồng.

Lâm Nguyễn Thị Bích Thảo (trái) và Trần Trà My thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng Internet và điện thoại bị Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng bắt giữ.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn - Phó Trưởng phòng CSĐTTPVTTQLKT&CV CATP Đà Nẵng cho rằng, sở dĩ nạn nhân dễ mắc phải bẫy lừa của bọn tội phạm là do các đối tượng đã sử dụng công nghệ cao để mã hóa số điện thoại cố định thành số điện thoại của cơ quan CA. Nguyên nhân nữa là do trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn thấp. Theo Thượng tá Sơn, khi người dân gọi vào số điện thoại thì thấy đúng là đầu số của cơ quan CA. Khi đàm thoại, do các đối tượng đưa ra nhiều thông tin liên quan đến tội phạm nên người dân sẽ mất tinh thần, rơi vào trạng thái hoảng loạn, không làm chủ được hành vi và sẽ thực hiện theo yêu cầu bọn chúng đưa ra. Cụ thể ở đây là đến ngân hàng nộp tiền vào tài khoản của “CA” (tài khoản ATM này do các đối tượng mở bằng các hình thức mua gom, thuê các đối tượng bất kì nào đó mở tài khoản, có đăng ký dịch vụ thanh toán internetbanking). Sau khi tiền vào tài khoản, đối tượng nhanh chóng ra lệnh chuyển tiền bằng online (thanh toán điện tử) và rút tiền chiếm đoạt ở bất kỳ điểm đặt máy ATM nào trên cả nước.

Một hình thức lừa đảo khác khá phổ biến hiện nay là các đối tượng gửi tin nhắn trúng thưởng đến thành viên tham gia các trang mạng xã hội như twoo, beetalk, facebook… để họ truy cập vào các trang web lừa đảo do đối tượng lập ra như “vòng quay trúng thưởng”, “tri ân khách hàng”… có địa chỉ trên đường Võ Văn Tần (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng). Sau khi có người vào web thì đối tượng đưa ra các thông tin lừa đảo về việc đã trúng các phần thưởng có giá trị như xe máy, tivi, điện thoại…, đồng thời yêu cầu “khách hàng may mắn” nộp các khoản như lệ phí nhận thưởng, tiền vận chuyển phần thưởng… bằng nhiều hình thức khác nhau như nộp tiền (thẻ cào) vào điện thoại hoặc nộp tiền vào tài khoản của đối tượng.

Để ngăn chặn hành vi phạm tội, phòng tránh những trường hợp bị lừa đảo tương tự, Thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn cho rằng, trước hết phải tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân về loại tội phạm này. “Về phía cơ quan CA, chúng tôi đã đề xuất Giám đốc CATP chỉ đạo CA các xã, phường, CSKV phối hợp với chính quyền địa phương, thông qua các cuộc họp tổ dân phố lồng ghép, phổ biến, tuyên truyền đến từng hộ, từng người dân về phương thức, thủ đoạn lừa đảo mà bọn tội phạm đã và đang thực hiện. Người dân không tiếp tay cho tội phạm qua việc mở tài khoản ATM hộ hoặc mua bán các loại thẻ ATM này” - Thượng tá Nguyễn Mạnh Sơn nhấn mạnh, đồng thời khuyến cáo, khi có nghi vấn hoặc phát hiện đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội với phương thức, thủ đoạn như trên thì nhanh chóng báo tin đến Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng, số điện thoại 05113.860264 và 0919333456, hoặc báo cho cơ quan CA nơi gần nhất.

Doãn Hùng