Báo Công An Đà Nẵng

12 cán bộ xã trở thành “tuyên truyền viên đa cấp” thế nào?

Thứ năm, 05/05/2016 10:27

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, trên cả nước, “cơn bão” mang tên đa cấp đã “càn quét” khiến hàng trăm, hàng chục ngàn người lâm cảnh lao đao vì nhẹ dạ cả tin, sập bẫy “không làm nhưng vẫn có tiền” mà các Cty đa cấp hô hào. Càng đau đớn hơn khi tại xã Thanh Sơn, H. Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có đến 12 cán bộ xã chẳng hiểu vô tình hay hữu ý mà trở thành “tuyên truyền viên” cho Cty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam (AVIINET), từ đó lôi kéo và đẩy gần 100 gia đình lâm cảnh khốn đốn.

Trụ sở Cty AVIINET tại TP Vinh, Nghệ An.

Phó Chủ tịch UBND là “người lĩnh xướng”

Ông Vy Trọng Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, người được coi là “lĩnh xướng” trong việc đưa đa cấp của Cty AVIINET về xã. Theo đó, năm 2013, thông qua Phạm Thị Lý - Phó Giám đốc Cty AVIINET, ông Thủy mua 1 gói sản phẩm “Trà giải độc gan” của Cty với giá 5,8 triệu đồng về dùng. Khi mua gói sản phẩm này, ông Thủy được chia sẻ về các chính sách ưu đãi như: Trở thành “cộng tác viên” của Cty, được nhận tiền “hoa hồng” và tiền “tri ân” nếu ông chia sẻ thông tin về sản phẩm cho người khác và vận động được thêm nhiều người mua sản phẩm của Cty. Là cán bộ xã, đáng ra phải tỉnh táo suy xét thì ông Thủy lại vội vàng chia sẻ thông tin cho ông Vy Thành Viên - Phó Chủ tịch HĐND xã Thanh Sơn và ông Vy Văn Thâm - Văn phòng UBND xã cùng nhiều người dân nơi ông Thủy đang cư trú và làm việc.

Tất nhiên, với uy tín của những cán bộ chủ chốt thì việc vận động người dân tham gia chẳng có gì là khó. Vậy nên, đến tháng 3-2015, trên địa bàn xã Thanh Sơn thực sự rầm rộ với phong trào “người người vô đa cấp, nhà nhà vô đa cấp” khi mua hàng của Cty AVIINET với các gói sản phẩm chủ yếu là tân dược, các loại thực phẩm chức năng, phân bón vi sinh. Để lôi kéo khách hàng, Cty AVIINET đã vẽ ra “chiếc bánh vẽ” siêu lợi nhuận khi quảng bá rằng, khách hàng mua một sản phẩm của Cty, sau 3 - 5 năm, số tiền 8,45 triệu đồng (một gói sản phẩm) sẽ sinh lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng và 1 xe máy nhãn hiệu Honda SH. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình hoạt động của Cty, sẽ có những lần “tri ân” nhất định cho người tham gia. Về phía những người sau khi mua sản phẩm, sẽ được Cty lập “hợp đồng hợp tác bán hàng” để trở thành “cộng tác viên” của Cty; được lập tài khoản riêng trên website của Cty, nếu họ vận động được nhiều người khác tham gia mua gói sản phẩm của Cty sẽ được hưởng tiền “hoa hồng” và được cộng thêm vào tài khoản của mình số gói của người đã mua. Cụ thể, nếu khách hàng vận động thêm 1 người tham gia sẽ được hưởng 600 ngàn đồng, vận động mua thêm một gói sản phẩm sẽ được hưởng 50 ngàn đồng và vận động được 100 gói sản phẩm sẽ được “đặc cách” lên trưởng nhóm.

Một nạn nhân tại xã Thanh Sơn với lô hàng đã mua của Cty AVIINET.

“Lấy mỡ nó rán nó”

Thực chất, vụ việc tại xã Thanh Sơn thì Cty AVIINET đã lợi dụng số cán bộ xã mua hàng đa cấp, qua đó để họ vận động người dân mua hàng của Cty nhằm thu lợi bất chính. Bù lại, Cty chỉ việc dùng chính số tiền mà người dân đã bỏ ra mua hàng để trả cho cán bộ xã, gọi là tiền “tri ân” làm mồi nhử. Từ đó, những cán bộ xã này đã chia sẻ rộng rãi về “siêu lợi nhuận” mà họ nhận được để người dân tin, mua càng nhiều hàng của Cty càng tốt. Cụ thể, từ khi tham gia đa cấp vào năm 2013 đến cuối năm 2015, ông Vy Trọng Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn đã mua 8 gói sản phẩm trị giá gần 80 triệu đồng, được Cty AVIINET trả số tiền “tri ân” hơn 150 triệu đồng. Ông Vy Thành Viên đã mua 2 gói sản phẩm, trị giá 14,3 triệu đồng, được “tri ân” khoảng 50 triệu đồng và ông Vy Văn Thâm đã mua 10 gói sản phẩm, trị giá 85 triệu đồng, được “tri ân” hơn 100 triệu đồng.

Ngược lại, người dân đã mua nhiều gói sản phẩm, thậm chí có người đã mua tới hơn 20 gói nhưng hầu hết chưa nhận được lợi nhuận gì từ Cty như lời chia sẻ trước đó. Đơn cử như trường hợp của anh H.N.Q. Năm 2014, từ lời giới thiệu của ông Vy Trọng Thủy, anh Q. lặn lội xuống TP Vinh tìm hiểu và mua một gói sản phẩm (8,45 triệu đồng) của Cty AVIINET, chi nhánh tại Nghệ An, địa chỉ 21-23-Lê Nin, TP Vinh. Tuy nhiên, sau khi đưa về nhà, thấy nhiều người trong bản cũng mua sản phẩm này khuyến cáo không nên dùng nên anh Q. đã không sử dụng mà để vậy để chờ đến ngày “tri ân” từ Cty như lời hứa lúc mua hàng. Hơn 2 năm qua, anh Q. chỉ được “tri ân” một lần là 1,6 triệu đồng.

Tiếp đến là trường hợp bà T. Ngày 8-3-2015, bà ông Vy Trọng Thủy giới thiệu về việc mua một gói sản phẩm của Cty AVIINET, sau 3 năm sẽ nhận được 300 triệu đồng cộng với chiếc xe máy Honda SH, mỗi năm sẽ được nhận tiền “tri ân” 3 lần. Không phải làm gì mà có tiền, bà T. lấy 17 triệu đồng đi mua 2 gói sản phẩm của Cty AVIINET. Sau đó, bà giới thiệu cho con rể và con ruột đi mua. Đến nay, bà T. được “tri ân” một lần với số tiền rất ít.

Theo lãnh đạo CAH Thanh Chương, hoạt động của Cty AVIINET là lợi dụng kinh doanh đa cấp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi, hoạt động này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng trên địa bàn xã Thanh Sơn, hoạt động này đã diễn ra trong thời gian dài, có sự tham gia của 12 cán bộ xã là những người uy tín, vận động số lượng người tham gia nhiều, giá trị tài sản lớn không có khả năng thu hồi đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân trên địa bàn. Ngay sau khi sự việc bị phát giác, CAH Thanh Chương đã phân công cán bộ đến các bản trên địa bàn, khảo sát nắm tình hình và lập danh sách cụ thể, thu thập các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp của Cty AVIINET tại xã Thanh Sơn để điều tra.

Thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã Thanh Sơn có 74 hộ dân tham gia hoạt động mua bán hàng đa cấp của Cty AVIINET, với 216 mã hàng, tương đương hơn 1,825 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê của những người hợp tác khi lực lượng chức năng làm việc, thực tế còn rất nhiều người đã và đang trở thành “cộng tác viên” của các Cty đa cấp, vì nhiều lý do khác nhau mà không khai báo.

P.V