Báo Công An Đà Nẵng

12 năm “bám bản, xóa mù” của cô Tiến

Thứ tư, 02/03/2022 15:49

12 năm qua, cô giáo Lê Thị Tiến, tổ trưởng chuyên môn khối lớp 2, 3, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phước Thành, thuộc xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, luôn nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để mang những điều tốt đẹp nhất đến cho học sinh tộc người vùng cao. 

Cô giáo Tiến trực tiếp hướng dẫn bài học cho các em học sinh ngoài giờ lên lớp.

Sinh năm 1987, dù sinh ra và lớn lên ở huyện đồng bằng, nhưng cô giáo Lê Thị Tiến không lựa chọn lập nghiệp tại vùng đồng bằng mà nuôi dưỡng ước mơ dạy học ở huyện miền núi vùng cao Phước Sơn.

Từ ngày mới bước chập chững vào nghề

Cô Tiến kể: "Năm 2010, khi mình mới tốt nghiệp sư phạm ra trường xung phong lên huyện vùng cao Phước Sơn nhận để công tác, được phân công về dạy tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phước Thành, mình thấy người dân còn khổ hơn bây giờ rất nhiều, nhưng bù lại con người nơi đây sống với nhau thật thà, chân chất, san sẻ cùng nhau". 

Cô giáo Lê Thị Tiến tâm sự, nhiều thầy cô giáo bám bản dạy học ở nơi khác đến. Vì xa nhà nên họ ở tập thể mặc dù những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn đều được chia sẻ, giúp đỡ. Những ngày đầu tiên trở thành giáo viên bám bản, cô Tiến gặp nhiều trở ngại, lúng túng khi giao tiếp vì chưa hiểu được ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Đối diện với khó khăn, cô giáo trẻ lại càng quyết tâm hơn, dạy tiếng phổ thông, mang con chữ đến với các em nhỏ ở các bản làng. 

"Giáo viên miền núi cách đây 12 năm khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. Không điện, không nước, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất. Mỗi giáo viên muốn nấu ăn phải tự đi ra suối lấy nước, kiếm củi về đun. Còn trường học thì mái lợp tôn hoặc tranh, vách gỗ dựng tạm, có nơi che mưa, che nắng qua ngày để dạy học. Thế nhưng mọi người vẫn luôn nỗ lực cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mình nghĩ chỉ có tình yêu thương mới có thể vượt qua tất cả những khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Bây giờ bà con dân bản đã hiểu được sự quan trọng của giáo dục và quyết tâm cho con em mình đi học. Đó chính là quả ngọt mà các giáo viên bám bản đã gặt hái sau nhiều năm cố gắng", cô Tiến tâm sự. 

Ánh mắt buồn rầu của những đứa trẻ mong ước được đi học nhưng không đủ sách vở, quần áo. Những bữa cơm lúc no, lúc đói, nhiều ngày phải ăn ngô... là những điều ám ảnh, nhưng lại tiếp thêm sức mạnh để cô Tiến tiếp tục hành trình dạy học gian nan nơi mảnh đất nghèo vùng cao nhưng lại ấm tình người. Là giáo viên, người sát cánh cùng các em trong từng bước đường đến với văn hóa, với từng con chữ, cô Lê Thị Tiến còn chủ động kết nối, kêu gọi các nhóm thiện nguyện dưới vùng xuôi để giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ câu chuyện cậu học trò được xin sách gọi cô bằng mẹ, đến cô nữ sinh đại học hôm nay nhớ mãi những chiếc quần áo mới mà hằng năm do cô Tiến đã liên hệ xin được để phấn đấu. Tất cả đã để lại dấu ấn không chỉ là một cô giáo dạy chữ mà đó là cả những bài học làm người, bài học về sự sẻ chia từ một người làm nghề giáo cắm bản trên huyện miền núi vùng cao Phước Sơn thân yêu này. 

Bữa cơm trưa của các em học sinh bán trú vùng cao Phước Thành.

Hành trình vượt khó, để cõng con chữ vào bản 

Cô Tiến chia sẻ: "Học sinh ở đây hầu hết ở xa trường, đường đến trường toàn đồi dốc, việc đi lại khó khăn. Bản thân mình mỗi lần đi vận động học sinh cũng phải đi hết quả đồi này đến ngọn núi khác. Cứ mỗi lần mình đi đến từng bản làng như thế mới thấm thía được sự khó khăn, vất vả của các em đi được đến trường là như thế nào. Có những em muốn đến trường phải lội qua nhiều con suối. Vào mùa nước cạn thì không sao nhưng mùa mưa lũ thì hầu hết các em phải nghỉ học. Những năm gần đây, một số học sinh xa quá thì được tạo điều kiện ăn ở lại trường nên cũng đỡ vất vả, khó khăn hơn. Những học sinh còn đi qua suối, qua sông thì nay được xã và nhà trường hỗ trợ tiền để ở học bán trú. Vì thế số học sinh đến trường ngày càng nhiều hơn, học sinh bỏ học, nghỉ học cũng ít hơn". 2 năm học vừa qua, tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến đôi lúc học sinh không thể đến trường nên phương án dạy học trực tuyến cũng được trường Tiểu học và Trung học cơ sở  Phước Thành triển khai. Dạy học trực tiếp vốn đã khó khăn thì phương án dạy học trực tuyến lại thêm nhiều trở ngại. 

"Trong đợt dịch vừa qua, mình đã chỉ đạo tổ viên tổ mình phải quán triệt tất cả mọi người thực hiện tốt nhiệm vụ được giao phó. Đối với học sinh vùng cao phải xác định nếu triển khai học trực tuyến thì tỉ lệ hiệu quả đạt rất thấp vì điều kiện trang thiết bị cho một buổi học của các em phần lớn không đảm bảo. Người có thiết bị thì không có đường truyền, người có đường truyền thì thiết bị không có… Tại địa phương xã vùng cao Phước Thành, hầu hết các em ở nhà với ông bà đã lớn tuổi, bố mẹ dù rất quan tâm nhưng phải đi làm kinh tế nên cũng không thể đồng hành cùng con trong các giờ học", cô Tiến cho hay. 

Để đảm bảo được kiến thức sau khi hết dịch có thể đi học lại bình thường, cô Lê Thị Tiến cùng các đồng nghiệp đã đi đến tận các thôn bản đưa bài, giao bài, thậm chí đối với một số học sinh chậm hiểu, cá biệt, giáo viên còn phải vào tận nơi để hướng dẫn, kèm cặp học sinh. "Ở trường mình nhiều học sinh ở xa, thời tiết ở đây thì lúc nắng, lúc mưa, học sinh nghỉ học 1,2 buổi sẽ hổng kiến thức mà chán học, không muốn đến trường. Vì thế mình luôn quan niệm giáo viên phải là người thấu hiểu để chia sẻ, kèm cặp, giúp đỡ học sinh, luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các em có thể tới trường, hứng thú đi học, được học. Học trực tuyến cũng như học trực tiếp, nếu hoàn cảnh khó khăn thì khắc phục hoàn cảnh để cố gắng đạt kết quả tốt nhất có thể. Chính vì thế, giáo viên vào bản không chỉ mang bài đến với học sinh mà là mang cả sự nhiệt huyết, tận tâm và cả tình yêu thương đến với các em học sinh", cô Tiến cho biết. 

Ngoài việc dạy học tại trường, những giáo viên miền núi như cô giáo Tiến còn nhận nhiệm vụ xóa mù chữ để dạy con chữ tại các bản làng. Đường đi ở đây vốn dĩ ngoằn nghoèo, dốc đá, nhưng những lớp học đó lại tranh thủ vào những lúc tối muộn vì chỉ có lúc đó bà con, đồng bào dân tộc mới nghỉ ngơi, có thời gian học được con chữ. "Không phải ai cũng sẵn sàng cho việc học chữ, biết chữ. Phần lớn những người đến lớp xóa mù chữ đã lớn tuổi. Ngoài việc họ không biết chữ thì vẫn còn ít nhiều những suy nghĩ lạc hậu, cổ hủ. Do đó, giáo viên vào bản dạy chữ buổi tối không chỉ làm công tác giáo dục mà còn làm công tác tư tưởng, mở ra cho bản thân họ những quan niệm của cuộc sống mới, làm thay đổi nhận thức về giáo dục ở cùng cao", cô Tiến chia sẻ như vậy! 

Đã có những học sinh trước đây học tập tại đây, sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng thành đạt và quay trở về Phước Sơn để giúp đỡ lớp trò nhỏ của quê hương mình đến trường. Đó cũng chính là hình ảnh đẹp và cũng là động lực để cho các thầy, cô giáo miền núi như mình cống hiến cho giáo dục vùng cao", cô giáo Lê Thị Tiến chia sẻ với chúng tôi như vậy! 

TRẦN CAO ANH