13 cán bộ, công chức Hà Tĩnh “xộ khám” vì móc ngoặc làm nhanh sổ đỏ
Ngày 8-2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, đã khởi tố, bắt giữ 7 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai. Các đối tượng này đã móc nối với nhau để nhận tiền “lót tay” làm nhanh GCNQSDĐ. Cụ thể, 7 đối tượng bị Công an huyện Kỳ Anh khởi tố, bắt giữ gồm: Đặng Quốc Anh (1987), Trần Bá Cường (1990), Nguyễn Ngọc Hợp (1989) và Nguyễn Võ Thanh Hiền (1998)- đều thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh huyện Kỳ Anh, và Lê Viết Hoàng (1987, công chức địa chính xã Kỳ Sơn, H. Kỳ Anh), Trần Thị Cẩm Anh (1989, công chức địa chính xã Kỳ Hải, H. Kỳ Anh) và Hoàng Xuân Phùng (cán bộ Chi cục Thuế khu vực Kỳ Anh).
Cùng ngày, Đại úy Trần Xuân Hùng- Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về kinh tế - ma túy (Công an huyện Thạch Hà) cũng cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện đã khởi tố, bắt giữ 6 cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai và công chức địa chính trên địa bàn. Các đối tượng bị bắt giữ, gồm: Trần Thị Thu Thảo (1989), Hồ Thị Thanh Huyền (1982) và Hồ Thị Dung (1993)- đều thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh huyện Thạch Hà; Vương Tuấn Thịnh (1977, cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hà Tĩnh); Trần Văn Huấn (công chức địa chính xã Tân Lâm Hương) và 1 nữ cán bộ Chi cục Thuế khu vực Thạch Hà - Lộc Hà.
Quá trình điều tra cho thấy, từ tháng 6-2021 đến tháng 11-2022, lợi dụng hiện tượng sốt đất tại Hà Tĩnh, các “cò đất” đã móc nối với các cán bộ nói trên để làm nhanh thủ tục cấp GCNQSDĐ. Trung bình, “cò đất” phải “lót tay” từ 3,5 - 5 triệu đồng cho mỗi bộ hồ sơ để được làm nhanh thủ tục cấp GCNQSDĐ; cán bộ địa chính xã được nhận từ 1 - 1,5 triệu đồng, văn phòng đăng ký đất đai nhận từ 2,5 - 3 triệu đồng (tùy hồ sơ) và trích cho cán bộ thuế 500.000 đồng/bộ.
Phân tích góc độ pháp luật trong vụ việc này, Luật sư Trần Thị Hương- Công ty Luật TNHH Hà Châu (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh) cho rằng, các cán bộ địa chính và cán bộ văn phòng đăng ký đất đai là những người có chức vụ, quyền hạn trong việc làm GCNQSDĐ, song, đã trực tiếp hoặc thông qua trung gian để nhận các khoản tiền nhằm hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai. Hành vi trái pháp luật này có dấu hiệu cấu thành tội: “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự và tùy thuộc vào số tiền nhận có giá trị bao nhiêu sẽ đối diện với mức hình phạt tương ứng. Cũng theo Luật sư Trần Thị Hương, pháp luật cũng quy định xử lý đối với hành vi đưa tiền để làm nhanh hồ sơ. Tùy thuộc tính chất, mức độ, hành vi, những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “Đưa hối lộ” được quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.
H.T