Báo Công An Đà Nẵng

1,3km đường mòn Hồ Chí Minh hoang tàn sau khi phục dựng

Thứ ba, 30/04/2019 12:07

Dự án khôi phục 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh (đoạn qua thôn Pà Dồn, xã Cà Dy, H. Nam Giang, Quảng Nam), với tổng kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng với các hạng mục như nhà trưng bày, nhà đón tiếp, giao thông hào, hầm chữ A... Dự án hoàn thành với mục tiêu nhằm bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử trong công cuộc chống Mỹ cứu nước; đồng thời là điểm du lịch về nguồn góp phần mở rộng biên độ du lịch, đẩy mạnh các hoạt động du lịch ở khu vực phía Tây của Quảng Nam và tạo việc làm cho đồng bào thiểu số nơi đây. Thế nhưng chưa được 4 năm đi vào hoạt động, đến nay dự án này hoang phế, điêu tàn...





Cảnh hoang phế ở dự án 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh.

Dự án khôi phục 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện từ tháng 9-2013 do BQL Các dự án Đầu tư xây dựng công trình văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam (thuộc Sở VH-TT&DL tỉnh) làm chủ đầu tư. Dự án gồm các hạng mục: Khôi phục lại các đoạn nền, mặt đường bị hỏng; làm cống; cầu tạm; nhà trưng bày; nhà ăn, bếp Hoàng Cầm; hầm bò, hầm chữ A, giao thông hào; lán nghỉ chân; nhà vệ sinh; xe trưng bày ngoài trời có nhà xe bằng khung thép; phục dựng rừng cây cháy do bom Napan... với tổng kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng. Đây là công trình nhằm bảo tồn giá trị lịch sử đồng thời góp phần tạo sản phẩm phát triển du lịch tại địa phương.

Được biết trước đó, qua khảo sát các ngành chức năng nhận định, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại đoạn qua Quảng Nam còn lưu lại 6 điểm di tích. Nhưng chỉ có đoạn Pà Dồn là thích hợp cho việc khai thác, thỏa mãn được mục tiêu đầu tư kết hợp hài hòa giữa việc trùng tu di tích và tạo sản phẩm du lịch. Các điểm khác tuy còn nguyên trạng, phản ánh đầy đủ thực tế lịch sử, thuận lợi cho việc trùng tu di tích, nhưng giao thông chia cắt và không gian đơn điệu.

Để hoàn thiện dự án trên, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng đã hỗ trợ các phương tiện, di tích trong thời kỳ chiến tranh để trưng bày, nhằm giới thiệu cho du khách hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Dự án với ý nghĩa lịch sử đặc biệt của một con đường huyền thoại, du khách sẽ được sống trong khung cảnh hoang sơ của những khu rừng nguyên sinh xen lẫn những thác nước, di tích lịch sử và được trải nghiệm, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng sinh sống ở khu vực này...

Dự án mang ý nghĩa là vậy, thế nhưng mới đây có dịp trở lại, chúng tôi vô cùng sửng sốt khi chứng kiến cảnh hoang tàn, tiêu điều của dự án này. Những chiếc cầu gỗ nằm trên tuyến đường bị hư hỏng, mục nát; giao thông hào, hầm chữ A, bếp Hoàng Cầm... xuống cấp nghiêm trọng; những chiếc xe gắn với thời chiến một thời như Zin 3 cầu, xe U-oát... mà Quân khu 5 hỗ trợ trước đây bị bỏ ngoài trời hư hỏng, hoen rỉ. Chị Zơ râm H. (người dân địa phương) cho biết, những năm qua dự án này bỏ hoang, không có ai trông coi cũng chẳng thấy có đoàn khách nào đến tham quan. Nhìn những công trình tiền tỷ hoang phế như vậy chúng tôi không khỏi xót xa.

Trao đổi với P.V về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi dự án trên hoàn thành, tháng 8-2015 BQL Các dự án Đầu tư xây dựng công trình văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam đã bàn giao cho H. Nam Giang quản lý, khai thác. Nói về sự “thất bại” của dự án trên, ông Hồng cho rằng: “Thứ nhất địa điểm xây dựng dự án nằm ở nơi không được thuận lợi, mùa mưa lũ nước từ thủy điện đổ về sông Đắk Mi tràn lên ảnh hưởng đến công trình; thứ hai khu vực này nằm cạnh một nghĩa địa của người Cơ Tu, mà người dân địa phương rất kỵ điều đó nên sợ không dám đến. Sắp đến, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai xây dựng công trình Tượng đài Huyền thoại Trường Sơn tại TT Thạnh Mỹ. Khi công trình trên hoàn thành sẽ cùng với dự án 1,3km đường Hồ Chí Minh được đưa vào quản lý, khai thác hiệu quả hơn. Về trước mắt, chúng tôi cũng vừa kiến nghị với UBND H. Nam Giang có biện pháp bảo vệ những hiện vật xe cộ từ thời chiến để khỏi hư hỏng, uổng phí”.

BÃO BÌNH