Báo Công An Đà Nẵng

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp (Kỳ 2: Biểu tượng về sự khoan dung của người Việt!)

Thứ hai, 27/08/2018 13:29

Cuộc chiến nào, dù bên nào thắng hay thua đều phải chịu tổn thất, nhất là về sinh mạng. 160 năm trước, những người lính lê dương liên quân Pháp - Tây Ban Nha, mặc dù được trang bị khí giới hiện đại nhưng vẫn phải bỏ mạng nơi xứ người bởi các loại vũ khí thô sơ, bởi sơn lam chướng khí, ốm đau, bệnh tật... Theo lẽ thường thì với "kẻ thù", sẽ rất khó có đặc ân được đối đãi tử tế, kể cả khi đã chết. Nhưng, khác với "quy luật" ấy, hàng chục năm nay, "đồi hài cốt", "nghĩa địa lính Tây" hay "nghĩa trang Y Pha Nho" -nơi những người lính lê dương năm xưa nằm lại đã được người dân và những người lính biên phòng Đà Nẵng chăm sóc chu đáo. Đây có lẽ là minh chứng sống động nhất cho tinh thần khoan dung của người Việt...

Nghĩa địa Y Pha Nho thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ nhờ tinh thần tự nguyện của các CBCS Trạm biên phòng cảng Tiên Sa. 

Ngoài các sự kiện được ghi lại trong sử sách và các bức ký họa do chính người Pháp thực hiện, thêm vào đó là các hiện vật còn được lưu giữ trong bảo tàng hay các di tích tồn tại cùng thời gian như Thành Điện Hải, nghĩa trủng Hòa Vang, nghĩa trủng Phước Ninh..., thì cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp- Tây Ban Nha giai đoạn 1858-1860 của quân và dân Đà Nẵng còn có một chứng tích đặc biệt được xem là độc nhất vô nhị trên thế giới, đó là nghĩa địa Y Pha Nho hay như nhiều tên gọi khác như đã nói ở trên.

Trở lại với cuộc chiến tại cửa biển Đà Nẵng 1858-1860. Sau nửa năm nổ súng xâm lược, trước sự kháng cự mãnh liệt của quân và dân ta, tinh thần của liên quân Pháp - Tây Ban Nha dần kiệt quệ. Trong phúc trình đề ngày 4-1-1859 viết tại bản doanh Đà Nẵng gửi cho Thượng thư Bộ Hải quân ở Paris, tướng Genouilly đã nói lên tất cả nỗi thất vọng ê chề của mình trong cuộc xâm lăng này: "Quả thật tôi cần và hết sức đau đớn xác nhận với ngài về tình trạng đáng phàn nàn về sức khỏe tổng quát. Thiếu tá Léveque, Đại úy hải quân Virot và phó kỹ sư Delautel đi Ma Cao để dưỡng bệnh và chắc chắn phải đưa về Pháp. Tôi không biết phải đối phó thế nào với các lỗ hổng đó. Mỗi ngày lại có nhiều người chết và thời tiết xấu... Dù thế nào đi nữa, thưa ngài Thượng thư, chúng ta cũng đang đi xuống dốc đến chỗ kiệt quệ, cho đến lúc phải bất động tại Đà Nẵng. Mọi phương tiện cải thiện tình hình bộ binh và hải quân đều hết sạch và vô hiệu"...

Ngày 15-1-1859, viên tướng này gửi tiếp một báo cáo nữa để nói rõ số lính chết vì bị bệnh kiết lị lên đến mức đáng sợ. Trong số 800 lính bộ binh, chỉ còn khoảng 500 người có thể cầm khí giới, nhưng không đủ sức để mở một cuộc hành quân...Cuối cùng chúng phải rút quân vào Gia Định ngày 23-3-1860, để lại trên bán đảo Sơn Trà một nghĩa trang tập thể với hàng ngàn hài cốt. 160 năm trôi qua, thời gian tưởng chừng như xóa sạch dấu tích, nhưng ngược lại, không những không bị bào mòn, chứng tích về "đồi hài cốt", "nghĩa địa lính Tây" ấy vẫn được chăm sóc sạch sẽ, ấm áp, yên tĩnh. Chính những người lính biên phòng Cửa khẩu cảng Tiên Sa đã chăm sóc khu "nghĩa địa lính Tây" này... Chúng tôi tạt vào quán nước ven đường nghỉ chân, nhân tiện hỏi chuyện về khu "nghĩa địa lính Tây", bà Thủy, chủ quán cho biết trước đây, nghĩa địa này gần như bỏ hoang, ít người qua lại nên âm u, hoang lạnh lắm. Thế nhưng, từ ngày các chú bộ đội biên phòng bắt tay vào chăm sóc, trông nom nên tươm tất, ấm cúng hẳn. Ý thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh, sự trang nghiêm cho khu nghĩa địa khi qua lại nơi đây từ đó cũng được nâng cao hơn. Riêng với Trạm biên phòng cửa khẩu cảng Tiên Sa, dù không được giao nhiệm vụ chính thức, nhưng anh em đơn vị bàn nhau cùng chung tay dọn dẹp, sửa soạn lại khu nghĩa địa. Suốt mấy chục năm qua, công việc này được nhiều thế hệ cán bộ chiến sỹ của trạm chung tay, với tinh thần tự nguyện. "Anh em đơn vị sắm hẳn máy cắt cỏ cùng dụng cụ để phục vụ việc dọn dẹp nghĩa địa. Biết cánh tài xế hay ra vào đây, anh em làm cổng sắt, gắn biển nhắc nhở để họ biết đây là khu tâm linh cần được tôn trọng. Mỗi dịp lễ, tết, anh em đơn vị và người dân xung quanh cũng hương hoa đều đặn theo đúng truyền thống của địa phương", Đại úy Hồ Văn Toán, Trạm phó Trạm biên phòng cửa khẩu Cảng Tiên Sa tiết lộ.

Từng nhiều năm công tác tại Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng, Thượng tá Nguyễn Thành Đính, Phó Tham mưu trưởng BĐBP TP Đà Nẵng chia sẻ, trước khi Sở LĐ-TBXH thành phố đặt vấn đề nhờ trạm chăm nom khu nghĩa địa cho đại sứ quán Pháp, anh em cũng đã tự ý thức được việc này. Ngoài việc tạo cảnh quan cho đơn vị, thì đây còn là vì lễ nghĩa theo truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam với người đã khuất, bất kể đó là ai. "Chăm nom khu nghĩa địa đã trở thành hoạt động truyền thống của trạm biên phòng cũng như người dân địa phương mấy chục năm qua. Quá khứ đã lùi xa, người cũng đã khuất. Anh em tin rằng những người lính viễn dương đã ngã xuống và thân nhân họ cũng sẽ cảm thấy ấm lòng vì được sự chăm nom chu đáo của anh em đơn vị trạm cửa khẩu", Thượng tá Đính nói.

Để giữ cho cảnh quan xung quanh nghĩa địa được sạch đẹp, Trạm biên phòng cảng Tiên Sa cắm biển để người dân, đặc biệt là tài xế xe tải chú ý giữ gìn vệ sinh chung.

Liên quan đến khu nghĩa địa Y Pha Nho, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng cho biết, Sở đang lập hồ sơ đề nghị Cục di sản (Bộ VH-TT) công nhận đây là di tích cấp thành phố. "Khi được công nhận là di tích cấp thành phố, Sở sẽ tham mưu kế hoạch để tôn tạo di tích này", ông Hùng nói. Đồng thời cho biết, nghĩa địa Y Pha Nho là di tích vật thể về cuộc chiến tranh và là minh chứng cụ thể cho cuộc chiến đã xảy ra. "Sự tồn tại của nghĩa địa thể hiện sự khoan dung của người Việt, bởi lẽ ra với thói thường người ta sẽ thù hằn kẻ đã xâm lược gây bao nỗi đau, mất mát. Người dân và đơn vị quân đội gần đó dù không ai giao nhiệm vụ cả nhưng vẫn tự nguyện dọn dẹp, chăm nom. Khi nhìn vào nghĩa địa này, bạn bè trên thế giới sẽ thấy, hiểu và kính nể sự khoan dung của người dân Việt Nam, của người dân Đà Nẵng. Hiếm nơi nào có được tinh thần này", ông Hùng khẳng định.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử thành phố, đây là một nghĩa địa hết sức đặc biệt. Hiện nay đang có hai luồng quan điểm khác nhau về việc công nhận di tích đối với nghĩa địa Y Pha Nho. Quan điểm thứ nhất, nghĩa trang này là một bằng chứng về tội ác chiến tranh của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha khi tấn công vào Đà Nẵng, giết hại người Việt Nam và họ đã phải đền nợ máu. Nhìn vào nghĩa địa đó sẽ thấy đó là bằng chứng của tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, quan điểm ngược lại có tính nhân văn hơn mà cá nhân ông và nhiều người khác trong giới nghiên cứu ủng hộ. Đó là nghĩa địa trên mảnh đất Đà Nẵng nơi họ đã gây tội ác cho dân Đà Nẵng, cho người Việt nhưng bây giờ vẫn được người Việt hương khói, thể hiện tấm lòng bao dung, tinh thần nhân văn của người Việt. Đây chính là biểu tượng của tinh thần đó. "Theo quan điểm của Hội khoa học lịch sử thành phố, khi nhắc đến những di tích ở Đà Nẵng liên quan đến cuộc kháng chiến 1858 - 1860 nên kể ý nghĩa nhân văn trong cách đối xử với nghĩa địa Y Pha Nho này vào", ông Tiếng chia sẻ.

Doãn Hùng

Kỳ cuối: Ứng xử đúng đắn hơn với di tích thành Điện Hải