18 tác phẩm đoạt giải báo chí viết về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM cho biết: So với các lĩnh vực thông tin về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội khác, mảng thông tin về kinh tế nông nghiệp là phân khúc nghiệp vụ khó khăn, vất vả. Những người làm báo trong lĩnh vực nông nghiệp phải đi sâu vào thực tiễn, trèo đèo lội suối tới những vùng đất xa xôi… Bên cạnh những bài viết, thước phim đậm chất nông nghiệp, các phóng viên mảng nông nghiệp cũng tham gia chống tiêu cực, phê phán những điều xấu, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển.
Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM chia sẻ: Theo thời gian, giải ngày càng được nâng cao chất lượng về bài viết, số lượng bài gửi về dự thi cũng tăng lên theo từng năm và tới giải lần thứ V, số bài viết gửi về dự thi lên đến 100 bài. Đây là con số đáng mừng, cho thấy sự lan toả giải thưởng đã tới từng phóng viên, toà soạn, tạo động lực cho người cầm bút viết về mảng nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt ở lần tổ chức này đã có sự tham gia của Bộ NN&PTNT. Đây chính là nguồn động viên to lớn đối với những người làm báo trong lĩnh vực khó khăn, vất vả này.
Dịp này, Ban Tổ chức giải đã lựa chọn trao 18 giải trong 100 tác phẩm dự thi. Theo đó, giải nhất thuộc về loạt bài: Cánh đồng chưa “bay” của nhóm tác giả thuộc Báo Sài Gòn Giải Phóng, 2 giải nhì thuộc về tác phẩm: Níu giữ ruộng lúa, vườn rau trong lòng phố thị của Báo Phụ nữ TPHCM và Nâng cao chất lượng nông sản Việt của Báo Tuổi Trẻ… Riêng Chuyên đề Công an TPHCM được trao giải khuyến khích với loạt bài 3 kỳ: Tận diệt chim trời của tác giả Nguyễn Nhân (Nguyễn Văn Nhân).
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, giải báo chí lần thứ V được trao lần này nhằm tiếp tục động viên, khích lệ các phóng viên, nhà báo trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục là những chiến sĩ, với cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén, góp phần xây dựng và phát triển nông nghiệp nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.
Theo CAO