Báo Công An Đà Nẵng

2 ngày cuối tuần người dân không nên lơ là chủ quan

Thứ sáu, 21/08/2020 21:10

Ngày 21/8, trong văn bản gởi các sở, ban ngành, UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu trong 2 ngày cuối tuần (22,23/8), người dân không chủ quan, lơ là, có trách nhiệm cùng địa phương trong công tác phòng chống dịch, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong phòng chống dịch.

Tính từ ngày 24/7 đến 18h ngày 21/8, Bộ Y tế công bố tại Đà Nẵng ghi nhận 369 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 243 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, 21 trường hợp đã tử vong và 98 trường hợp đã chữa khỏi COVID-19. 11.106 các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh xác định) và 13.867 các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định) đã được xác định. Tổng cộng đã cách ly 24.973 trường hợp, số người được lấy mẫu xét nghiệm là 169.770 người.

Trong 243 bệnh nhân đang được điều trị, 172 trường hợp không có triệu chứng (70,8%), 32 trường hợp có biểu hiện lâm sàng nhẹ (13,2%). 120 bệnh nhân ổn định (49,4%), 92 bệnh nhân tiến triển tốt (37,9%), 31 bệnh nhân có tiên lượng nặng, rất nặng và nguy kịch (12,8%).

 

Hiện, trên toàn địa bàn thành phố đã thành lập 2.257 Tổ COVID-19 cộng đồng. Tổ COVID-19 cộng đồng tại khu vực phát hiện ca dương tính: 169 tổ. Trong đó, số hộ được đo thân nhiệt: 3.420 hộ/3.545 hộ được quản lý, số nhân khẩu được đo thân nhiệt: 13.356 người/14.052 người được quản lý (số liệu giảm do một số khu vực hết phong tỏa và hết theo dõi tại khu vực ca bệnh dương tính). Kết quả chưa phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh (khu vực ca dương tính).

Đối với công tác điều tra và lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 15/7 đến 26/7, TP đã rà soát được 17.479 trường hợp (4.653 bệnh nhân, 12.826 người nhà), cách ly tại cơ sở y tế 40 trường hợp, cách ly tập trung 65 trường hợp, còn lại hướng dẫn cách ly theo dõi tại nhà. Đã lấy mẫu 17.479 /17.479 trường hợp rà soát được. Kết quả phát hiện 23 trường hợp dương tính.

Tại thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 21/8, tổng lượt cài đặt ứng dụng Bluezone tại Đà Nẵng là gần 460 ngàn lượt, chiếm 40,5% dân số.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng nỗ lực vượt khó trong đại dịch

Tại buổi kiểm tra thực tế và làm việc với các đơn vị về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã đánh giá cao những nỗ lực của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý) và các DN đã nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chủ trương, biện pháp về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, Phó Bí thư thường trực yêu cầu trong thời gian đến Ban Quản lý cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, Ban Quản lý cần thực hiện tốt vai trò cơ quan quản lý, giám sát và tổng hợp đề xuất của các DN đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, Ban quản lý cần tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh, phối hợp với Sở Y tế để rà soát, tính toán và triển khai việc khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng đối với những khu vực, người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao trong các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Ban Quản lý phải theo dõi, hướng dẫn, nhắc nhở việc triển khai phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các DN trong Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, hạn chế thấp nhất tình trạng lây nhiễm trong DN, thực hiện nghiêm túc các tiêu chí an toàn phòng chống dịch và quy định về giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn trong các dây chuyền sản xuất, sinh hoạt của công nhân, người lao động.

Đặc biệt, Ban Quản lý cần phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc, kết hợp với kiểm tra chuyên sâu và kiểm tra trên diện rộng đối với hoạt động của các DN, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo các điều kiện về an toàn, sức khỏe cho người lao động. Từ đó, Ban Quản lý báo cáo, phản ánh đầy đủ, khách quan về tình hình thực tế đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và cấp thẩm quyền để có biện pháp xử lý nghiêm, chấn chỉnh kịp thời, cần thiết tạm đình chỉ hoạt động các DN không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch và đảm bảo điều kiện làm việc, như là dịp đánh giá điều kiện làm việc và văn hóa, ý thức trách nhiệm của chủ DN đối với người lao động.

Liên quan đến các kiến nghị, đề xuất việc thực hiện các chế độ, chính sách cho công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Ban Quản lý và các sở, ban, ngành thành phố rà soát lại và sớm nghiên cứu đề xuất điều chỉnh các văn bản hướng dẫn, quy định chưa hoặc không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, báo cáo cho UBNDTP, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Minh bạch trong sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện

Để thực hiện quản lý nguồn ủng hộ, đóng góp tự nguyện (bao gồm tiền và hiện vật) của các tổ chức, cá nhân, kết hợp với việc sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, công khai, minh bạch và chặt chẽ, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc quản lý và sử dụng các nguồn hàng hóa, kinh phí để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc: tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền, hàng ủng hộ thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý tài sản công và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Việc phân bổ, quản lý, sử dụng tiền, hàng ủng hộ phòng, chống dịch phải công khai minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích và phù hợp với yêu cầu của cơ quan, đơn vị tiếp nhận phục vụ tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Đảm bảo không trùng lắp trong việc thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch giữa nguồn ủng hộ, đóng góp tự nguyện với nguồn ngân sách nhà nước.  Nguồn kinh phí thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 được sử dụng theo thứ tự ưu tiên như sau: Nguồn ủng hộ, đóng góp tự nguyện (hiện vật, tiền), nguồn ngân sách nhà nước.

 

Bố trí đưa công dân Quảng Ngãi về nơi cư trú

UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi, phối hợp, triển khai thực hiện việc đưa công dân của tỉnh Quảng Ngãi về nơi cư trú, dự kiến khoảng 730 người, về thời gian và địa điểm tiếp nhận, bàn giao tại Đà Nẵng: bắt đầu lúc 08 giờ 00 ngày 22/8 (Thứ 7), tại địa chỉ Quảng trường đường 2 tháng 9 thành phố Đà Nẵng.

Các sở, ban, ngành phối hợp để đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong quá trình thực hiện, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi tiếp nhận, bàn giao, Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi để thuê thêm 16 xe đảm bảo vận chuyển người theo số lượng dự kiến trên và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Các phương tiện phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên xe ô tô (khử khuẩn xe, yêu cầu mọi người trên xe đeo khẩu trang, ngồi giãn cách). Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các xe ô tô trong danh sách thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, để hỗ trợ tốt cho những lao động khác, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị người dân chưa đăng ký thông tin thì thực hiện đăng ký thông qua một trong các kênh sau: Tổng đài 1022, website: https://forms.gle/k3Kwd5HndTUjzXxu5,  https://ldtbxh.danang.gov.vn mục “Đăng ký hỗ trợ công dân đang ở thành phố Đà Nẵng về các tỉnh, thành phố”.

LAT