2 “thủ hạ” đắc lực đã giúp Trương Mỹ Lan lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng như thế nào?
Trong ngày thứ 2 diễn ra phiên tòa, HĐXX bước sang phần xét hỏi, làm rõ sai phạm của các bị cáo có liên quan trong việc thực hiện chủ trương của bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về việc phát hành các gói trái phiếu khống, lừa bán cho 35.824 trái chủ chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là 2 bị cáo: Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và bị cáo Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula- SPG).
Theo cáo trạng, bị cáo Hồ Bửu Phương đã tham gia cuộc họp bàn về chủ trương phát hành trái phiếu với bị cáo Trương Mỹ Lan, được giao làm đầu mối yêu cầu bộ phận kế toán các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuẩn bị hồ sơ pháp lý, báo cáo tài chính và lên phương án thực hiện các giao dịch chuyển tiền chạy dòng tiền khống. Bị cáo chỉ đạo cấp dưới phối hợp với nhân viên Công ty Chứng khoán TVSI để phát hành trái phiếu. Hành vi của Phương đã giúp sức tích cực cho bà Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 27.969 tỷ đồng của 33.393 bị hại.
Tại tòa, bị cáo Hồ Bửu Phương khai chủ trương phát hành trái phiếu là từ bà Lan, giữ vai trò đại diện cho tập đoàn cùng với sự tham gia của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB), Nguyễn Phương Hồng (Phó Giám đốc SCB, đã chết) và Nguyễn Tiến Thành (cựu Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt- TVSI, đã chết) thực hiện chủ trương đề ra. Bị cáo Phương thừa nhận là người đưa ra các tiêu chí để đảm bảo việc phát hành trái phiếu thành công; trong đó có việc lựa chọn những công ty có thương hiệu thuộc tập đoàn như: An Đông; Quang Thuận; Sunny World và Setra. Ngoài ra, bị cáo cũng là người lựa chọn các công ty mua sơ cấp, sắp xếp các đơn vị đang hoạt động, có tiền, có nhu cầu đầu tư để có báo cáo tài chính tốt hơn.
Để thực hiện việc phát hành, bị cáo đã chỉ đạo một số người thuộc tập đoàn cách chạy dòng tiền khống để đảm bảo đúng phương án phát hành. Phương thừa nhận, không có tài sản đảm bảo thì việc phát hành sẽ không thành công. Để lách các quy định, hợp thức hóa mục đích phát hành trái phiếu là dùng tiền vốn trái phiếu đầu tư vào các dự án sinh lời, bị cáo cùng một số người đã lên phương án lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống (mua bán cổ phần trái phiếu, vay tiền) giữa 4 công ty phát hành với 5 công ty trái chủ sơ cấp, công ty đối tác và các cá nhân được thuê ký khống.
Còn đối với bị cáo Nguyễn Phương Anh, cáo trạng xác định đã quản lý 600 công ty “ma” và tiếp nhận chỉ đạo mở công ty “ma” từ Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Giám đốc SCB), Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng Giám đốc SCB). Các công ty này không có hoạt động và thành lập nhằm mục đích để đi vay, tạo dòng tiền khống, tạo lập các gói trái phiếu.
Cụ thể, từ năm 2018, bị cáo Phương Anh được giao nhiệm vụ quản lý toàn bộ dòng tiền và quản lý, theo dõi các kế toán viên thực hiện các hoạt động tài chính, kế toán của các công ty "ma" thuộc nhóm Công ty SPG. Đối với trái phiếu Cty An Đông, Sunny World, Quang Thuận, bị cáo Phương Anh thực hiện chỉ đạo của Hồ Bửu Phương, đã sử dụng 94 cá nhân được thuê ký chứng từ nộp, rút khống. Bị cáo Phương Anh chỉ đạo cấp dưới lập 5 hợp đồng hợp tác về việc Công ty An Đông cho Công ty SGP vay tổng cộng 29.206 tỷ đồng, trực tiếp ký nháy 3/5 hợp đồng nêu trên. Đối với trái phiếu Công ty Setra,bị cáo Nguyễn Phương Anh sử dụng 8 cá nhân được thuê ký chứng từ nộp, rút khống và Công ty Vĩnh Tường Hưng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Setra. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Phương Anh cũng lên phương án hứa chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Vĩnh Tường Hưng chuyển tiền cho các cá nhân rút tiền, hoàn tất chuỗi các giao dịch chạy dòng tiền khống tạo lập trái phiếu.
Cáo trạng thể hiện, bị cáo Phương Anh đã giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu của 4 công ty: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra, chiếm đoạt số tiền 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại.
T.H