20 năm giữ báu vật của làng
(Cadn.com.vn) - Mỗi lần có dịp về thăm đình làng Mỹ Khê (P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), người tôi tìm gặp đầu tiên là ông Ngô Văn Xuân, Trưởng ban Khánh tiết làng Mỹ Khê. 20 năm qua, ông là người bảo quản, gìn giữ 16 sắc phong từ đời vua Minh Mạng đến Duy Tân đã ban cho đình làng Mỹ Khê.
Gặp ông những ngày đầu Xuân mới 2010 trong căn nhà nhỏ ở P. Phước Mỹ, câu chuyện đầu tiên ông nhắc đến chính là gốc tích của đình làng Mỹ Khê. Đình làng đã ghi dấu vào lịch sử Đà Nẵng trong kháng chiến chống Pháp: Ngày 22-8-1945, Mặt trận xã Mỹ Khê (nay là P. Phước Mỹ) đã vận động nhân dân nổi dậy khởi nghĩa cướp chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của TP Đà Nẵng.
Theo tài liệu về các di tích lịch sử trên địa bàn Đà Nẵng, đình làng Mỹ Khê xưa thuộc H. Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, có diện tích 444 công mẫu Bắc Bộ, phía Đông làng giáp với biển Đông, phía Tây giáp với làng An Hải, phía Bắc giáp với làng Phước Trường và phía Nam giáp với làng Phước Mỹ. Sau khi lập làng, điều kiện kinh tế phát triển, dân số của làng ngày càng đông, nhân dân trong làng lúc bấy giờ cần có nơi hội họp, thờ cúng, chăm lo việc nghĩa nên đã tự nguyện đóng góp tiền của, công sức xây dựng đình làng Mỹ Khê.
Đình làng Mỹ Khê ban đầu xây dựng gần bờ biển, bằng tranh tre. Đến năm Duy Tân thứ 6 (1913), đình Mỹ Khê được dịch chuyển về xây dựng tại trung tâm của làng (địa điểm hiện nay) bằng vật liệu chắc chắn hơn như xi-măng, gạch, ngói và kiến trúc gồm có hậu tẩm, tiền đường. Dù đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa nhưng hiện tại đình làng vẫn giữ được nguyên kiến trúc ngày xưa. Đình làng Mỹ Khê là một trong số ít những đình làng ở Đà Nẵng còn giữ được nguyên vẹn 16 sắc phong của vua ban dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân.
Những bản sắc phong ngoài giá trị về lịch sử, nó còn mang nặng đời sống tâm linh. Trong 16 bản sắc phong vua ban cho đình Mỹ Khê mà ông Xuân đang giữ, có sắc tặng vị thần Thiên Y A Na diễn phi chúa ngọc ngày 11 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7; Sắc phong vị thần Cao Các Quảng Độ tôn thần ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7; Sắc phong vị thần Thành Hoàng xã Mỹ Khê ngày 11 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7...
Ông Ngô Văn Xuân với bộ sắc phong của đình làng Mỹ Khê.
Với trách nhiệm của một người trông coi đình làng, lại là người am hiểu sâu sắc về những giá trị của các sắc phong, ông Xuân đã cho sao chép và in các sắc phong này treo ở ngoài đình làng Mỹ Khê, còn trọn bộ 16 sắc phong gốc được ông trông nom, bảo quản cẩn thận tại nhà để tránh thất lạc, hư hại. Trong tài liệu về lịch sử của đình làng Mỹ Khê ghi rõ mỗi sắc phong trên có chiều dài 135cm và chiều rộng khoảng 50cm, chất liệu là một loại giấy dó tốt, có màu vàng nghệ.
Hai mặt của sắc phong được vẽ trang trí hình rồng và mây lượn. Mặt chính được trang trí hoa văn công phu tượng trưng cho sự trù phú của làng. Bên trái sắc ghi tên làng và tên các vị thần được thờ. Bên phải ghi niên hiệu của vua, ngày-tháng-năm ban sắc và đóng dấu triện vuông, màu đỏ. Chữ viết trên sắc phong là chữ Hán-Nôm, được viết theo kiểu chữ “Chân” và do các nhà Nho uyên bác viết nên chữ rất đều và đẹp. Ông Xuân tự hào nói: "Đây là linh hồn của người dân làng này, là báu vật mà không phải nơi đâu cũng có. Con cháu hôm nay và mai sau của làng có quyền tự hào về lịch sử của làng mình, nơi mình sinh ra và lớn lên".
20 năm gắn bó với công việc của một người làm quản lý, gìn giữ các hiện vật của đình làng với một tình yêu không thay đổi đối với các giá trị văn hóa truyền thống, ông đã kết nối được nhiều tình cảm của bà con nơi đây. Với ông Xuân, việc bảo quản các sắc phong của đình làng như việc làm từ tâm, như một cách nhắc nhở con cháu hôm nay biết quý trọng công lao của cha anh lớp trước.
Không ngừng phấn đấu để dựng xây quê hương, giữ gìn những nét văn hóa bao đời nay của đình làng. Ông Ngô Văn Xuân nói rằng đối với những người ở tuổi “tri thiên mệnh” như ông, thì đây là những báu vật mà thế hệ ông đang cố gắng duy trì và truyền nối lại cho lớp con cháu. Cẩn trọng lần giở từng sắc phong cho tôi xem, ông Xuân nói rằng: “Một mai này khi đã lớn tuổi, tôi sẽ tìm người kế nghiệp để giữ gìn những sắc phong này và rất mong Nhà nước có một quy chế để quản lý bảo tồn lưu giữ mãi những báu vật này cho mai sau”.
Bài, ảnh: Nguyên Giao