Báo Công An Đà Nẵng

20 năm, mơ ước một mái trường

Thứ ba, 22/01/2019 11:43

Nằm lưng chừng giữa ngọn đồi nhỏ tại thôn 3 (xã Trà Giang, H. Bắc Trà My, Quảng Nam), hằng ngày Trường Tiểu học Lê Văn Tám (cơ sở 2) vẫn vang vọng những bài giảng, tiếng cười đùa rôm rả của các em học sinh đồng bào dân tộc Cor. Thế nhưng, ẩn sâu trong những nụ cười đó là nỗi niềm mong mỏi, mơ ước có được một ngôi trường “đúng nghĩa” của các bậc phụ huynh, thầy cô đã gần 20 năm qua vẫn chưa thành hiện thực.

Trường Tiểu học Lê Văn Tám (cơ sở 2) tại thôn 3 xuống cấp nghiêm trọng.

Già làng Hồ Trường Sinh đưa chúng tôi đến ngôi trường Tiểu học Lê Văn Tám (cơ sở 2), tiếng cười đùa, tung tăng chơi bóng của các em học sinh náo nhiệt cả sân trường giờ ra chơi. Nói là ngôi trường, nhưng thực chất đây chỉ là một lớp học nhỏ chưa đầy 40m2 đã xuống cấp nghiêm trọng. Già làng Sinh than thở: “Hôm nay trời không mưa nên nhìn khô ráo vậy, chớ hễ trời mưa xuống là sân trường lầy lội, trẻ con đi học lấm lem quần áo thấy xót lắm”.

Trong lớp học nhỏ, thầy giáo Bùi Đình Siêng (54 tuổi) loay hoay lui tới 2 bục giảng vì trong lớp có 20 học sinh hai khối lớp 2 và lớp 3 học ghép. Thầy Siêng tâm sự: “Dạy hai lớp 2 trình độ khác nhau nên vất vả lắm, nhưng được cái vui vì học sinh ở vùng núi này rất ngoan. Lớp học này được xây dựng đã lâu nên đã xuống cấp nghiêm trọng, tường có thể dùng tay bong tróc ra, đóng đinh treo đồ dùng học tập cũng không được, cửa sổ thì hư hỏng phải dùng gỗ đóng tạm cho kín gió. Nhà vệ sinh hư hỏng đã rất lâu không sử dụng được, những lúc bức bí thì thầy trò dắt nhau qua nhà dân xin đi tạm, nói chung bất tiện đủ thứ. Ngôi trường nằm ở vị trí thấp nên những lúc mưa sân lầy lội, học sinh đến lớp bùn đất lấm đầy quần áo, nhìn thấy thương lắm”.

Cách ngôi trường chừng 20m, một lớp học khác vọng ra tiếng đánh vần ê a từ trong nhà văn hóa thôn 3. Chăm chút từng nét chữ cho các em học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Lệ Hải (50 tuổi) tâm sự: “Học sinh nhiều nhưng trường nhỏ nên không có lớp để dạy. Suốt 4 năm qua, tôi đã mượn tạm phòng kho của Hội trường thôn 3 để giảng dạy cho 12 học sinh lớp 1. Phòng nhỏ, chỉ đủ đặt bàn ghế cho học sinh ngồi và để bảng viết. Lớp học cũng không có điện, những lúc trời tối cô trò dắt nhau ra ngoài hiên để giảng bài, do đó việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn. Học sinh ở đây đều là người dân tộc Cor, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên các đồ dùng học tập của học sinh tôi đều mua cho để phụ huynh đỡ phần lo lắng, yên tâm cho các con đến lớp”.

Không có lớp học nên hai khối lớp 2 và 3 phải học ghép.

Qua quan sát cho thấy, ngoài cơ sở hạ tầng xuống cấp thì các thiết bị, đồ dùng học tập của các em học sinh tại đây cũng không được đảm bảo. Nếu hiện tượng trên duy trì trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các em. Chúng tôi hỏi em Hồ Thị Tố Tâm (lớp 3) rằng: Con có muốn học trường mới không? Em Tâm phấn khởi nói: “Dạ con muốn lắm. Chiếc bàn này thấp quá con ngồi đau lưng, mỏi chân lắm. Còn tấm bảng lại quá gần, con ngước cổ nhìn lên miết rất khó chịu”.

Trưởng thôn 3 Huỳnh Thế Chi cho biết, ngôi trường này được xây dựng từ năm 2000, lúc thi công vật liệu xây dựng không tốt nên trường nhanh chóng xuống cấp. Người dân nơi đây đã nhiều lần ý kiến lên xã, huyện về việc xây ngôi trường mới rộng hơn để con em được học tập nhưng đến nay ước mơ đó vẫn chưa thành hiện thực. Qua đây, tôi cũng mong các cấp, các ngành quan tâm đến việc xây dựng ngôi trường để việc giáo dục trẻ em đồng bào dân tộc được tốt hơn.

Lớp 1 được dạy tại nhà kho của Hội trường thôn 3, chật hẹp, tăm tối.

Cùng chung nỗi niềm trăn trở về ngôi trường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám Phạm Thị Lệ Thủy tâm sự: “Nhiều lúc ghé xuống trường thấy học sinh học tập trong ngôi trường đã xuống cấp, thiếu thốn nhiều tôi xót lắm. Sau nhiều lần kiến nghị lên Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND H. Bắc Trà My, cấp trên đã có chủ trương xây dựng ngôi trường Lê Văn Tám cơ sở 2 tại thôn 3 và sửa chữa, nâng cấp thêm trường chính dự kiến trong năm 2019 sẽ triển khai. Tôi cũng mong ngôi trường sớm được xây dựng để các em học sinh có điều kiện học tốt hơn, các bậc phụ huynh cũng an tâm gửi con đến trường để tập trung vào công việc”.

LÊ VƯƠNG