20 năm thành lập Làng trẻ em SOS Đà Nẵng: Mái nhà nhân ái
(Cadn.com.vn) - Mái trường ấy đã che chở và mở lối cho hàng trăm trẻ thơ bất hạnh có cuộc sống khác, tốt đẹp hơn và tươi sáng hơn. Ở đó, tiếng cười và tình thương yêu luôn tràn ngập...
Vào năm 1993, khi đang vui đùa với những đứa trẻ khác trong làng Cẩm Chánh (Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng), em Ngô Thanh Tuấn nhận được hung tin, cả cha và em đều chết khi đang đánh cá trên sông Cẩm Lệ. Bi kịch đó đã khiến hai anh em Tuấn suy sụp, nụ cười trẻ thơ vắng hẳn trên môi, hai thân trẻ bơ vơ có nguy cơ bỏ học. Khi biết câu chuyện của các em, các nhà hảo tâm đã quyên góp, giúp đỡ hai anh em Tuấn, nhưng điều đó không thể bù đắp hết mất mát, đau thương mà các em phải trải qua. "Em nhớ lúc đó có nhiều người giúp lắm, trong đó có Báo Công an Quảng Nam- Đà Nẵng- nay là Báo Công an TP Đà Nẵng đã mở cho hai anh em một sổ tiết kiệm. Nhưng lúc đó em mới 6 tuổi, còn em gái thì nhỏ hơn, chúng em không thể tự chăm sóc mình khi thiếu vắng cha mẹ. Sau đó, em được Làng trẻ em SOS Đà Nẵng nhận vào nuôi dưỡng, còn em gái thì sống với người thân".
Sống ở Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, các em được sống trong cơ sở vật chất đảm bảo và an toàn. |
Ngày mới bước vào Làng, Tuấn sợ sệt nấp sau lưng người thân, nhưng rồi khi được các mẹ chăm sóc dạy học tận tình, được vui đùa với những bạn trẻ cùng cảnh ngộ, em dần hòa nhập và nỗi buồn mất cha mẹ cũng phôi phai. Sau nhiều năm được nuôi dạy ở Làng trẻ SOS, Tuấn nỗ lực học tập để bây giờ em đã có một công việc ổn định và lập gia đình. "Được vào Làng sống là một điều may mắn đối với em, ở đó em được các mẹ yêu thương, dạy dỗ nên người, nếu như không được sống trong môi trường đó chắc hẳn tương lai của em sẽ không được như bây giờ. Làng trẻ SOS là mái nhà yêu thương đối với em", Tuấn bộc bạch.
Cũng thuộc số trẻ đầu tiên được nhận vào sống ở Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, em Nguyễn Thị Lài (H. Hiệp Đức, Quảng Nam) đến giờ đã học xong đại học và chuẩn bị nhận bằng thạc sĩ ngành tài chính ngân hàng. "Vào sống ở Làng trẻ em SOS Đà Nẵng có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc đời em, nó là điểm tựa vững chắc để em có thể theo học đến bây giờ", Lài tâm sự.
Cũng như Tuấn và Lài, 20 năm qua, từ mái nhà Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, rất nhiều trẻ em bất hạnh đã nuôi dưỡng và dạy dỗ, tự tin bước vào đời. Trải qua 20 năm, Làng đã nuôi dạy hàng nghìn trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa. Với 4 nguyên tắc sư phạm của tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế là bà mẹ, anh chị em, mái ấm gia đình và cộng đồng làng, Làng trẻ em SOS Đà Nẵng thật sự là mái ấm nhân ái đối với trẻ em bất hạnh ở nhiều tỉnh thành miền Trung. Hỏi chuyện những cái được của Làng SOS Đà Nẵng, bà Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Làng tâm sự: Trong 20 năm qua Làng đã nhận và nuôi dưỡng rất nhiều trẻ mồ côi của các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Quảng Ngãi, tất cả các cháu đều được học hành một cách tử tế, có 2 cháu học cao học, 24 cháu học đại học, còn lại đều học trung cấp, cao đẳng hay học nghề. Cái được lớn nhất của Làng sau 20 năm qua đó là không có cháu nào vướng vào các tệ nạn xã hội. Chúng tôi luôn lấy tình thương để nuôi dạy và hướng các cháu trở thành người có ích. Động viên các cháu học hành hoặc ít nhất phải có cái nghề để lo cho tương lai. Những cháu trưởng thành sau khi ra Làng, nếu còn tiếp tục học thì chúng tôi hỗ trợ 900 nghìn đồng/tháng. Đến nay, sau khi rời Làng đã có hơn 70 cháu lập gia đình và có cuộc sống ổn định".
Giờ phút vui chơi của con và mẹ trong Làng trẻ em SOS Đà Nẵng. |
Để nuôi dạy các trẻ mồ côi, không nơi nương tựa nên người là điều không dễ dàng, bởi khi gặp biến cố cuộc đời nhiều trẻ nhỏ dễ bước vào con đường lầm lỗi. Thế mới biết, hành trình 20 năm qua của Làng trẻ em SOS Đà Nẵng là rất đáng ghi nhận. Dù vậy, vẫn còn đó nhiều khó khăn. "Cái khó lớn nhất hiện nay là xin việc làm, sau khi học nghề xong nếu không được nhận vào làm thì các cháu rất dễ sa ngã. Còn việc tuyển các mẹ cho nhà trẻ cũng khó vì yêu cầu là phải các mẹ từ 30 đến 40 tuổi nhưng không có gia đình hay con ruột. Yêu cầu này đặt ra vì Làng muốn các mẹ dành sự quan tâm tuyệt đối cho các cháu mồ côi. Ngoài ra việc tuyển trẻ mồ côi vào Làng nuôi dạy giờ cũng khó khăn vì nhiều gia đình không muốn cho con mình vào ở đây. Có trường hợp, chúng tôi đến rất nhiều lần thuyết phục nhưng gia đình không cho cháu vào Làng, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, các cháu không được đi học. Dù thế chúng tôi vẫn kiên trì thuyết phục để các cháu được vào Làng nuôi dưỡng, học hành. Đó là tâm niệm mà Làng trẻ em SOS luôn hướng đến", vị Giám đốc Làng chia sẻ.
Minh Hà