Báo Công An Đà Nẵng

2015, cơ hội của các doanh nghiệp xuất khẩu

Thứ bảy, 03/01/2015 10:19

(Cadn.com.vn) - Các doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện tiếp cận với các thị trường lớn, đặc biệt là với những ngành hàng xuất khẩu hàng đầu khi tới đây, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, một trong những hiệp định nằm trong chiến lược phát triển, hội nhập của Việt Nam được ký kết. Đặc biệt là với những ngành hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam hiện nay như may mặc, da giày và thủy sản.

Dệt may đang rất kỳ vọng

Dệt may là một trong những ngành kinh tế lớn nhất Việt Nam với 4.000 doanh nghiệp, doanh thu đạt 20 tỷ USD/năm, chiếm 15% GDP, giúp Việt Nam nằm trong top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, dệt may Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế, có tiềm năng được hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại. Đây cũng là lý do mà dệt may là ngành ưu tiên hàng đầu trong đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương.

Với hiệp định này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu, nhất là ở thị trường Hoa Kỳ. Hiện, xuất khẩu vào thị trường này, hàng dệt may Việt Nam phải chịu thuế suất từ 17-18%, khi Hiệp định được ký kết, thuế suất sẽ giảm xuống 0%.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ tăng gấp ba lần, tức từ mức 8,6 tỷ USD năm 2013 lên khoảng hơn 20 tỷ USD trước năm 2020. Thế nên ngành dệt may đang rất kỳ vọng vào Hiệp định thương mại sắp tới.

 “Khách hàng và đối tác của ngành dệt may khi vào Việt Nam luôn nhìn vào tương lai nhưng người ta sẽ không đợi Hiệp định được ký kết có hiệu lực, chỉ cần biết triển vọng ký hiệp định, các đối tác, khách hàng đã tăng cường đặt hàng ở Việt Nam”, một lãnh đạo tập đoàn Việt Nam cho hay.

Ngành Dệt may được kỳ vọng nhiều khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký.

Da giày đã sẵn sàng đón đầu

Không chỉ riêng ngành dệt may, ngành da giày trong những năm tới sẽ có những thay đổi bước ngoặt khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được ký kết. Hiện, cả nước có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất da giày, thu hút hơn 600.000 lao động, là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP của đất nước và là ngành quan trọng trong đàm phán của phía Việt Nam tại TPP.

Theo Hiệp hội Da-giày- Túi xách Việt Nam, khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, lợi thế trước tiên là xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 3,5% - 57.4% để hưởng ưu đãi các dòng sản phẩm da giày về mức 0%, từ đó giúp doanh nghiệp ngành da giày tăng trưởng xuất khẩu. Khi ngành Da giày Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu với lợi thế về nguồn nhân lực sẽ tạo điều kiện làm tốt các khâu sử dụng nhiều lao động, giảm gian lận thương mại và bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu lớn.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, đến thời điểm này, các doanh nghiệp trong ngành da giày đã sẵn sàng đón đầu Hiệp định toàn cầu. “Hiệp hội đã có những thông tin rất đầy đủ cho các doanh nghiệp để việc chuẩn bị được tốt. Theo khảo sát sơ bộ, hiệp hội nhận thấy rằng, với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chuyển dịch dần sản xuất nguyên phụ liệu vào trong nước cũng như là các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng thêm sản xuất và đón nhận thêm những đơn hàng lớn từ các thị trường xuất khẩu chính. Các bước chuẩn bị này cũng là một bước chuẩn bị sẽ tạo ra cú hích lớn cho tăng trưởng của ngành da giày trong giai đoạn tới. Đây cũng là một tín hiệu tích cực từ phía doanh nghiệp khi Việt Nam chuẩn bị đón nhận TPP có hiệu lực”.

Thủy sản phải nắm rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật

Cũng như hai ngành dệt may và da giày, ngành thủy sản Việt Nam cũng đã chuẩn bị đón nhận cơ hội lớn từ các Hiệp định thương mại tự do. Hiện nay, hai thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt 6,2 tỷ USD, năm 2013 đạt 6,8 tỷ USD và năm 2014 có thể đạt 7,9 tỷ USD.

Khi gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, thủy sản xuất khẩu sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan là 0%. Hiện tại, ở Hoa Kỳ mức thuế áp dụng với thủy sản nhập khẩu trung bình là 0,3% với thủy sản sống và 4,7% với thủy sản chế biến.

Tại thị trường Nhật Bản, mức thuế áp dụng với thủy sản xuất khẩu Việt Nam đang khá cao: 3,5% với thủy sản sống và 7,3% với thủy sản chế biến. Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu tại hai thị trường lớn này, đồng thời làm tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy sản trên thương trường quốc tế.

***

Tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế - quốc tế. Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh cơ hội thì doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức, nếu không nỗ lực hết mình thì rất có thể doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương bắt đầu có hiệu lực. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp để tìm được hướng đi phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình.

Chung Thủy