Ðấu tranh quyết liệt với “tín dụng đen”
Tinh vi, phức tạp
Một đường dây “tín dụng đen” nổi cộm mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông mới triệt phá thời gian gần đây phải kể đến nhóm của Phạm Thị Huyền (1986, trú H. Đắk Glong, Đắk Nông). Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2020, Phạm Thị Huyền bắt đầu hoạt động cho vay tiền với lãi suất cao từ 4.000 đến 6.000đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương lãi suất từ 144% đến 216%/năm). Đối tượng vay hầu hết là người dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết và khó khăn về nguồn vốn nhưng lại có nhiều đất canh tác. Khách đến vay tiền trực tiếp, Huyền thường viết giấy vay mượn tiền hoặc yêu cầu người vay viết giấy bán đất cho Huyền và thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đến hạn nhưng không trả được thì người vay phải làm thủ tục sang nhượng đất cho Huyền. Với những phương thức, thủ đoạn đó, từ đầu năm 2020 đến khi bị bắt, các đối tượng đã cho người dân vay trên 300 lượt với số tiền cho vay hơn 30 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng trên 3 tỷ đồng.
Qua điều tra, trung tuần tháng 3-2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Huyền và 2 bị can khác cùng trú H. Đắk Glong để điều tra về hành vi: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Theo lực lượng Công an, thủ đoạn hoạt động của chúng ngày càng tinh vi; phương thức ngày càng đa dạng, phức tạp. Nhiều người với vai trò trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao, vừa là nạn nhân, vừa là đối tượng tham gia thực hiện hành vi phạm tội. Để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng, các đối tượng yêu cầu người vay ghi giấy nợ, giấy thế chấp tài sản... với lãi suất thấp đúng bằng với quy định của Nhà nước, hoặc không thể hiện lãi suất nhưng trên thực tế người vay phải trả lãi suất rất cao.
Chủ động quản lý, răn đe
Theo Công an tỉnh Đắk Nông, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây có xu hướng diễn biến phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân hoạt động "tín dụng đen" bùng phát là do một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng được các điền kiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng, nên đã vay tiền theo kênh "tín dụng đen". Mặt khác, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, lối sống, tham gia các tệ nạn xã hội hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. Ngược lại, nhiều người cũng sử dụng tiền nhàn rỗi để cho vay dưới dạng “tín dụng đen”.
Để đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”, lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản; rà soát, lập danh sách băng, nhóm đối tượng nghi hoạt động cho vay lãi nặng trên địa bàn mình quản lý. Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, xác lập chuyên án, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với tội phạm cho vay lãi nặng để chủ động quản lý, răn đe, ngăn chặn hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, lực lượng Công an các cấp chủ động phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn và hệ lụy của hoạt động vay, mượn tiền liên quan đến “tín dụng đen”.
Đại tá Nguyễn Trường Vũ- Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Lực lượng Công an tỉnh liên tục tấn công, trấn áp mạnh mẽ, quyết liệt không khoan nhượng, từng bước kiềm chế các loại tội phạm “tín dụng đen”, đòi nợ thuê trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tội phạm “tín dụng đen” vẫn tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng đến ANTT. Do đó, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an thì mỗi người dân cần hết sức cảnh giác, thận trọng trong các hoạt động tín dụng, nhất là với các cá nhân".
Đ.N