Ðộc đáo nghệ thuật vẽ mặt trong tuồng
Dù là nghệ sĩ ở đoàn tuồng chuyên nghiệp hay nghệ nhân ở đoàn tuồng không chuyên, trước khi bước ra sân khấu biểu diễn, họ đều phải dành thời gian vẽ mặt để phù hợp với nhân vật. Theo các nhà nghiên cứu, vẽ mặt nhân vật là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành nên nghệ thuật hóa trang đặc sắc trong tuồng.
Các kiểu vẽ mặt được quy ước để biểu hiện tính cách nhân vật, với màu sắc dùng phải thật đậm, thể hiện rõ đường nét và mang tính tượng trưng, cách điệu cao. Các kiểu vẽ mặt đặc trưng như: Tướng võ, tướng phiên, tướng gộc, lão văn, lão võ, đào bi, đào chiến, kép rằn, kép võ, kép xéo đỏ, kép xéo xanh, kép núi, nịnh lớn, yêu đạo... Đối với khán giả sành tuồng, ngay khi diễn viên bước ra sân khấu, nhìn cách hóa trang gương mặt là có thể nhận biết ngay nhiều đặc điểm về nhân vật, như tính cách, địa vị xã hội...
Từ hướng dẫn của những người đi trước và học hỏi, tích lũy qua năm tháng “hóa thân” thành nhiều nhân vật trên sân khấu, các nghệ sĩ, nghệ nhân thường tự vẽ mặt trên nền tảng, chuẩn mực chung.
Theo NSND Xuân Hợi (nguyên diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh), cái khó ở chỗ phải tự vẽ trên mặt mình để đáp ứng yêu cầu khắc họa nhân vật; họa tiết, đường nét vẽ hai bên mặt phải thật rõ ràng và cân đối, không để lệch lạc. Các nghệ sĩ, nghệ nhân cần trau dồi kỹ năng vẽ mặt nhân vật để giữ gìn, phát huy nét đặc sắc và góp phần đem đến thành công cho vai diễn.
Sau khi được đào tạo bài bản, được các thầy chỉ dạy cách vẽ mặt các dạng vai khác nhau, nghệ sĩ Thanh Trực (diễn viên Đoàn tuồng Đào Tấn) tham gia biểu diễn nhiều nên dần “lên tay” hơn. Theo anh Trực, để vẽ được gương mặt hoàn chỉnh của nhân vật, đòi hỏi diễn viên phải hiểu tính cách nhân vật, thực hiện thứ tự từng bước vẽ thật tỉ mỉ.
Theo baobinhdinh.vn