Ðồng hành cùng doanh nghiệp phát triển
Trong năm 2023, Thừa Thiên-Huế đã thực hiện hỗ trợ chữ ký số, hóa đơn điện tử cho hơn 500 DN với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 01 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí kế toán cho 36 DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh với tổng kinh phí 170 triệu đồng. Ngoài ra địa phương đã hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ DN doanh nhân cho hơn 1.000 lượt người tham gia các khóa đào tạo; tổ chức 6/6 khóa đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên đề về thương mại điện tử với sự tham gia của gần 300 lượt DN tham dự: Kỹ năng bán hàng online, Làm chủ CHAT GPT, "Thương mại điện tử về Tiếp thị Kỹ thuật số", "Thương mại điện tử về Tiếp thị Kỹ thuật số".
Theo ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện tỉnh đang kiến nghị với Chính phủ thúc đẩy các chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo tăng cường kết nối DN và ngân hàng thường xuyên nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho DN. Trong đó đề nghị điều chỉnh các tiêu chí có tính định tính sang các tiêu chí có tính định lượng tại các quy định để các Ngân hàng thương mại và DN có cơ sở rõ ràng để thực hiện, tránh những rủi ro phát sinh sau thực hiện. Đây cũng là mấu chốt khiến cho hầu hết các ngân hàng thương mại lâu nay chưa dám triển khai Gói hỗ trợ này trên thực tế.
Bên cạnh đó sẽ tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng thương mại nhà nước tháo gỡ bằng cách đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỷ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp, thí điểm cho vay tín chấp,... Cần có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời tiếp tục chính sách gia hạn nợ vay 01 năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn một năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm. Có biện pháp điều hành và kiểm soát lãi suất huy động và cho vay hài hòa nhằm hỗ trợ các DN tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng phù hợp và hiệu quả; trong đó chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước tập trung khơi thông để hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
"Tỉnh sẽ tiếp tục thường xuyên tăng cường thực hiện các công tác đối thoại, tiếp xúc DN thông qua hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến nhằm kịp thời tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng đang xây dựng Hệ thống giải pháp quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của DN tại địa phương nhằm xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật", ông Phan Quý Phương nhấn mạnh.
Hầu Tỷ