219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non
"219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non” là tựa đề tập sách của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh sưu tầm và biên soạn, do NXB Đà Nẵng vừa ấn hành. Sách dày 280 trang, khổ 16x24cm. Tranh bìa và minh họa: họa sĩ Lê Huy Hạnh. Đây cũng là tác phẩm được Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng trao tặng thưởng Giải A Văn học nghệ thuật năm 2021.
* Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh hiện là Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hiện công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng. Sân chơi mới "Dạy hát dân ca", "Vườn tuổi thơ"… trên sóng truyền hình cả nước và khu vực do nhạc sĩ đề xuất đã lần lượt được phát sóng và chính anh nhạc sĩ là người trực tiếp giảng dạy trên sóng DVTV, VTV2 và VTV4 trong 8 năm liền, tạo một sân chơi hằng tuần cho các em thiếu nhi trong cả nước. Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh |
Tập sách bao gồm 4 chương chính, ngoài lời giới thiệu hướng dẫn còn kèm theo các minh họa vui mắt, hấp dẫn. Cụ thể, Chương 1: Khái lược về trò chơi dân gian với trẻ mầm non; sự cần thiết của bố mẹ (và các bậc phụ huynh) chơi trò chơi dân gian với bé… Chương 2 : 50 trò chơi dân gian dành cho cha mẹ và bé. Chương 3: 99 trò chơi dân gian thiên về khéo léo. Chương 4: 70 trò chơi dân gian thiên về vận động. Phần phụ lục gồm 50 khúc nhạc phổ lời đồng dao của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh gần gũi với các trò chơi dân gian.
Theo nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh, khi công nghệ thông tin bùng nổ, trẻ em bị lôi cuốn bởi các trò chơi điện tử, trong đó có trò chơi bạo lực gây nhiều hậu quả về sức khỏe, tinh thần, việc cha mẹ, người thân chơi trò chơi dân gian với trẻ là hoạt động cần thiết để góp phần giáo dục các em phát triển toàn diện. Nhu cầu được vui chơi thông qua các trò chơi dân gian, đồng dao của các em ngày càng có tín hiệu tích cực. Vì vậy, việc sưu tầm, quảng bá, truyền dạy các trò chơi dân gian cho thế hệ sau là cần thiết, góp phần gìn giữ tinh hoa của cha ông để lại.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh nhấn mạnh: "Nội dung tập sách này không phải là tuyển tập, hay giáo trình trò chơi dân gian Việt Nam. Cũng chưa phải là trò chơi chọn lọc, không phải là trò chơi do các tác giả sáng tạo ra, mà đây là một kho tàng văn hóa dân gian rất quý báu của ông cha ta không biết có từ bao giờ. Mục đích chủ yếu của tập sách là đi sâu giới thiệu 219 trò chơi dân gian, đồng dao gần gũi, phù hợp với trẻ em tuổi mầm non Việt Nam".
Để có được công trình này, tác giả đã sưu tầm từ thực tế các vùng miền, từ tài liệu của các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, các thầy cô giáo, các trường mầm non biên soạn lại. Mỗi một trò chơi hầu hết đều có phần lưu ý của tác giả về địa điểm chơi, đối tượng chơi, những chuẩn bị cơ bản nhất, tránh rủi ro tai nạn và không để các trò chơi biến tướng thành cờ bạc… Đặc biệt, có 50 trò chơi dành cho cha mẹ, ông bà, cô dì, anh chị…cùng chơi với bé ở nhà, ở bất cứ không gian nào như trong phòng ăn, phòng ngủ, trên giường hay ngoài sân.
Bìa tập sách "219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non".
Cần nhắc lại, trước đó, vào năm 2020, Trịnh Tuấn Khanh cũng đã sưu tầm biên soạn và ra mắt tập sách "119 trò chơi đồng hành dành cho trẻ em (Nxb Đà Nẵng), do đó, với tập sách mới lần này, dường như tác giả đang cố tình tạo nên sự kết nối giữa hai cuốn sách cùng thấm đẫm hồn dân tộc và mang đậm dấu ấn trò chơi dân gian, mà sự khác biệt là: cuốn thứ nhất vừa chơi vừa hát, còn cuốn thứ hai lấy chơi làm chính.
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng nhận định, điều đáng trân trọng ở Trịnh Tuấn Khanh trong "219 trò chơi dân gian dành cho trẻ mầm non" là tác giả đã hướng đến "độc giả kép" của cuốn sách tưởng chừng như chỉ dành riêng cho trẻ. Bằng kinh nghiệm của một nhà sư phạm lâu năm trong nghề, Trịnh Tuấn Khanh hết sức đề cao vai trò đồng hành của người lớn trong thế giớ của trẻ mầm non, trước hết là những người làm cha làm mẹ…Thêm nữa, có thể thấy dân gian trong quan niệm của Trịnh Tuấn Khanh không có nghĩa là loại trừ hiện đại, là xa lạ với những gì mà hằng ngày trẻ mầm non ngày nay có thể mắt thấy tai nghe. Chẳng hạn, Trịnh Tuấn Khanh đã đưa vào những trò chơi liên quan đến ảo thuật, toán học (trò chơi ảo thuật - trò số 28 chương II, trò chơi toán học -trò số 30 chương II…). Tất cả những trò chơi ấy không hề làm giảm đi hồn dân tộc, chất dân gian trong thế giới trò chơi của trẻ mầm non!
TRẦN TRUNG SÁNG