3 chị em & 60 năm lưu lạc
(Cadn.com.vn) - Bố mẹ mất sớm, chiến tranh loạn lạc, bà Đặng Thị Hữu (trú thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) được người bác họ gửi cho một người dân tộc Cơ Tu nuôi. Từ đó, bà lạc mất hai người chị gái. Mãi đến 60 năm sau, nhờ một sự tình cờ, ba chị em họ mới gặp và nhận ra nhau.
Hơn nửa thế kỷ lưu lạc
Ít ai có thể ngờ rằng, nếu tính từ nhà bà Đặng Thị Hữu và chồng- già làng Lê Văn Rời (87 tuổi)- tại thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) đến nhà người chị đầu bà Hữu là Đặng Thị Thái ở Hòa An (Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng),chỉ với chừng 20 km, mà chị em bà Hữu lạc mất nhau đến những 60 năm. Tiếp chúng tôi, anh Lê Đồ (57 tuổi) con trai bà Hữu nhớ lại: "Lúc mẹ tôi còn nhỏ, khoảng 4- 5 tuổi, mồ côi cha mẹ, ba chị em ở với người bác họ tại làng An Trạch. Người bác họ lúc bấy giờ làm nghề buôn bán, trao đổi hàng hóa với đồng bào Cơ Tu.
Khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ trước, lúc bấy giờ, giặc Pháp ra sức khủng bố, chiến tranh nổ ra khắp nơi, mùa màng thất bát, cả làng đều thiếu đói, ba chị em mẹ tôi cũng lâm vào tình cảnh ngặt nghèo. Thấy tình thế gay go, người bác họ bèn gồng gánh ba chị em mẹ tôi lên gửi cho một số đồng bào Cơ Tu khá giả. Nhưng vì không có điều kiện gửi cho một nơi nên phải gửi mỗi người một nhà. Mẹ tôi được ông bác gửi cho một người tên là Hai Banh tại một làng có tên Ô Rây, nay thuộc thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương (Hòa Vang, Đà Nẵng).
Qua bao nhiêu thay đổi do chiến tranh, ly tán, bản làng người Cơ Tu cũng "du cư" từ nơi này qua nơi khác. Mẹ tôi lúc lưu lạc còn nhỏ quá nên không nhớ tên, họ của mình. Hơn nữa trong suốt quá trình đó cũng không chỉ ở mỗi nhà ông Hai Banh mà luân chuyển từ nhà này qua nhà khác, từ làng này qua làng khác. Khi chiến tranh ác liệt có lúc thì ở trong hốc đá, rừng sâu... Khi lớn lên, mẹ tôi và cha tôi (người Cơ Tu) ưng nhau, lập gia đình sinh con đẻ cái. Hòa bình lập lại, chúng tôi về định cư ở Phú Túc.
Sau này mới biết, hai người em gái của mẹ tôi được người bác họ chuộc đưa về đồng bằng sau đó vài năm và có quan hệ mật thiết với nhau. Trong thời gian lưu lạc, mẹ tôi có nghe một cách mơ hồ về xuất xứ của mình, thi thoảng gặp người Kinh, bà lại giãi bày tâm sự. Tuy chưa hình dung được quê mình ngày xưa như thế nào nhưng mẹ tôi vẫn đau đáu có một ngày tìm về nơi chôn nhau cắt rốn. Và phải gần 60 năm sau mẹ tôi mới tìm lại được các chị của mình".
Hai chị em bà Thái (phải) và bà Hữu bên nhau vào tháng 9-2008. |
Tìm được nhau một cách tình cờ
Người có công phát hiện ra gốc tích của bà Hữu là chị Nhứt, ở tổ 3, P, Hòa An (Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Chị Nhứt là con dâu của bà Đặng Thị Thái. Hằng ngày chị Nhứt thường dùng xe máy chở rau quả, thực phẩm lên chợ Hòa Phú để bán. Khi chợ tan, chị lại chở các món tươi sống còn lại lên bán dạo cho bà con ở ven QL14G, trong đó có bà con dân tộc thôn Phú Túc, nơi bà Hữu đang sống. Qua nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện với bà Hữu, nghe bà kể về chuyện lưu lạc bấy lâu, chị Nhứt cứ nhập tâm câu chuyện.
Rồi một lần, chị Nhứt có nghe mẹ chồng của mình kể về chuyện có một người em gái lưu lạc cách đây gần 60 năm, không biết còn sống hay đã chết. Chị Nhứt cảm thấy bà Hữu có những nét rất giống mẹ chồng của mình nên mang sự nghi ngờ của mình kể cho gia đình chồng và dì ruột chồng là Đặng Thị Bằng (70 tuổi, em của bà Thái và là chị của bà Hữu) đang ở xã Điện Thắng, H. Điện Bàn (Quảng Nam) nghe.
Từ câu chuyện của chị Nhứt, đầu năm 2008, gia đình bà Thái tổ chức một cuộc họp gia đình, tộc họ và quyết định sẽ đưa bà Thái và bà Bằng lên gặp bà Hữu. Ngoài ra họ cũng "huy động" thêm một số bô lão trong tộc họ ở thôn An Trạch để lên nhìn mặt, trong đó có ông cậu họ là Đặng Đa (77 tuổi), lúc thiếu thời ở chung trong một xóm với gia đình ba chị em bà Hữu ở thôn An Trạch.
Già làng Lê Văn Rời (chồng bà Hữu) chuẩn bị thắp hương trên bàn thờ mừng ngày chị em đoàn tụ. |
Anh Lê Đồ, con trai bà kể: "Ngày gặp nhau, mọi người đều công nhận khuôn mặt của mẹ tôi có nhiều nét giống bà Thái và bà Bằng. Tuy nhiên bị thất lạc từ khi còn nhỏ, thời gian lại quá lâu, giấy tờ lại lộn xộn nên rất khó xác minh. Phải mất khá nhiều thời gian chuyện trò, gợi lại các chuyện xưa mẹ tôi và hai người dì mới nhận ra nhau".
Sau khi nhận ra nhau, ba chị em bà Hữu được con cháu chở đi thắp hương cho tổ tiên, ông bà... hàn huyên tâm sự. Khi xa nhau, ba mái đầu vẫn còn để chỏm, nay gặp lại đã "phơ phơ đầu bạc"! Điều khiến chị em bà Hữu cũng như con cháu cảm thấy một chút tiếc nuối là tuy lưu lạc nhưng cả ba chị em chỉ sống cách nhau trong một khu vực vài chục ki- lô- mét, nằm cận kề nhau, vậy mà suốt một đời người họ mới gặp lại được nhau. Hiện nay, bà Hữu và bà Bằng đã qua đời, chỉ bà Thái còn sống, song cuộc đoàn tụ ấy như món quà cuộc sống tặng cho họ, như một kết thúc có hậu.
Kể lại câu chuyện, anh Lê Đồ trầm ngâm: "Trong cuộc sống có những nỗi đau bất ngờ ập xuống nhưng cũng có những hạnh phúc bất chợt. Câu chuyện của mẹ tôi và những người dì có lẽ là một trong những kiểu hạnh phúc ấy".
Tùng Sơn