3 cú bạc bịp táo tợn nhất thế giới
(Cadn.com.vn) - Khoa học phát triển, giới tội phạm nhanh chân tận dụng những thành tựu này để trục lợi. 3 vụ lừa dưới đây được xem là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai trót có máu đỏ đen.
Cú lừa 30 triệu USD
Cú lừa được xếp đầu bảng trong danh sách “10 vụ bạc bịp láu cá nhất trong lịch sử nhân loại”, xảy ra tại sòng bạc Crown Casino ở Melbourne, Australia năm 2004.
Theo đó, một người đàn ông vô danh lừa được đến 33 triệu AUD (30 triệu USD). Đây là cú lừa thông minh, công nghệ cao, từng được đề cập trong bộ phim tấn của Hollywood, tựa đề Ocean’s Eleven (11 tên cướp thế kỷ) của đạo diễn Steven Soderbergh năm 2001. Bộ phim mô tả kế hoạch đầy tham vọng của tên trộm siêu hạng Danny Ocean, tấn công sòng bài lớn nhất tại Las Vegas do Terry Benedict làm chủ.
Để thực hiện được phi vụ này, Danny Ocean chiêu mộ 11 quái kiệt giang hồ. Phần thưởng cho tất cả lên đến 150 triệu USD tiền mặt nhưng thách thức cũng không hề nhỏ, đó là hệ thống an ninh cực kỳ hiện đại và nghiêm ngặt của sòng bạc.
Nhưng trên thực tế, đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm vụ lừa Crown Casino. Theo Barron Stringfellow, chuyên gia tư vấn cao cấp về an ninh đến từ kinh đô casino Las Vegas, kẻ cầm đầu mang theo tai nghe, vào chơi tại bàn VIP, trong khi đó các đồng nghiệp giám sát từ một vị trí an toàn bên trong hoặc xung quanh bàn chơi bài, chuyển tiếp những thông tin đến để đồng bọn đặt cược.
Còn theo nguồn tin của tờ Herald-Sun, kẻ lừa truy cập vào hệ thống camera, vốn được sử dụng để giám sát người chơi và nhân viên chia bài. Hình ảnh từ camera được lợi dụng, giống như thủ đoạn trong bộ phim nói trên.
Thủ phạm vụ lừa ở Crown Casino được cho là đã truy cập vào hệ thống camera, để giám sát người chơi và nhân viên chia bài. |
Cú lừa Ritz Roulette
Năm 2004, nhóm 3 người Siberia và Hungary do một nữ quái xinh đẹp đứng đầu thực hiện trót lọt cú lừa tại sòng bài Ritz Roulette, London, Anh, nơi các ông hoàng bà chúa giàu có thường tụ tập để sát phạt.
Chỉ trong 2 ngày, bộ ba lừa nói trên đã lấy đi hơn 1,3 triệu bảng Anh (tương đương 2,1 triệu USD) nhờ công nghệ laser. Chính xác hơn, là sử dụng điện thoại di động, laser và máy tính nhằm xác định chính xác hành trình của viên bi trên bàn quay.
Một trong những tiêu chí quan trọng của công đoạn lừa này là tốc độ, tất cả chỉ diễn ra trong thời gian 2-3 giây. Nếu đạt được tiêu chí này, cơ hội thắng bạc sẽ rất cao mà đối phương không hề hay biết, thậm chí còn che mắt được cả các thiết bị an ninh tối tân nhất có trong sòng bài.
Theo thông báo của Sở Cảnh sát Scotland Yard, cuối tháng 3-2004, bộ ba này bị bắt ngay tại khách sạn và bị tịch thu các thiết bị hành nghề, Scotland Yard thừa nhận đây là vụ án “cực kỳ phức tạp”. 9 tháng điều tra, tháng 12-2004, Scotland Yard ra thông báo, theo luật cờ bạc có hiệu lực từ giữa thế kỷ XIX của Anh, việc làm của 3 người này không bất hợp pháp, không tác động đến vòng quay của bàn quay cũng như của viên bi và như vậy không phạm pháp.
Vụ “kính áp tròng”
Vụ lừa bằng kính áp tròng đầy bất ngờ diễn ra năm 2011 tại sòng bạc Princes Casino ở thành phố Cannes, Pháp. 3 người Italia và một người Pháp thực hiện trót lọt cú lừa, lấy 64.000 EUR (khoảng 84.000 USD) bằng cách, đánh dấu ký hiệu trên quân bài bằng mực tàng hình, còn người chơi lại dùng kính áp tròng đặc biệt để giải mã các dấu hiệu này.
Vụ lừa diễn ra hồi tháng 8-2011, với chiếc kính áp tròng hồng ngoại có thể nhìn thấy mực vô hình đánh dấu trên quân bài. Stefano Ampollini, 56 tuổi, người Italia, được nhân viên người Pháp làm việc tại sòng bạc nói trên tiếp tay, dùng mực tàng hình đánh dấu lên các quân bài trước khi trò chơi bắt đầu. Sau hai lần bị thua bạc, Princes Casino nghi ngờ. Theo luật sư Marc Concas làm việc cho Tập đoàn Groupe Lucien Barriere, Cty mẹ của Princes Casino, đây là kiểu lừa đầu tiên diễn ra tại Châu Âu.
Sau cú lừa đầu thành công, hai tháng sau, Ampollini trở lại và vét thêm 21.000 EUR từ những chiêu bài cũ, nhưng lần này y không gặp may, bị bắt ngay sau khi rời sòng bạc. Vụ án kết thúc, bộ ba lừa người Italia bị tuyên phạt 10 năm tù giam, mỗi người bị phạt từ 50.000-100.000 EUR.
Kim Hùng
(Theo LC/BBC/Guardian)