3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để thúc đẩy tăng năng suất lao động
Dự diễn đàn có lãnh đạo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ LĐ-TB và XH, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đặc biệt có 450 đại biểu đại diện cho 11 triệu đoàn viên Công đoàn, hơn 18 triệu công nhân, người lao động toàn quốc.
Theo Tổng cục Thống kê, những năm qua, năng suất lao động Việt Nam liên tục tăng, đạt 4,8% vào năm 2022 và 3,65% vào năm 2023. Bình quân giai đoạn 2011-2020, mỗi năm, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đạt 5,29%, góp phần quan trọng tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù vậy, mức tăng này chưa đạt yêu cầu và vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, chuyên gia và công nhân, người lao động cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân, điểm nghẽn và đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động Việt Nam.
Sau 10 tham luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt câu hỏi và trao đổi với các công đoàn viên, công nhân, người lao động về 6 yếu tố mang tính quyết định năng suất lao động: Yêu lao động, yêu nghề; luôn luôn học hỏi, nâng cao kiến thức, tay nghề; tuân thủ kỷ luật, xây dựng môi trường lao động lành mạnh, bình đẳng, an toàn; luôn luôn đổi mới sáng tạo; người lao động được đãi ngộ thỏa đáng về tinh thần, vật chất; Chính phủ, Công đoàn và các chủ thể liên quan phải xây dựng hệ sinh thái lao động tốt. Xuyên suốt quá trình đó, lấy con người vừa là trung tâm, nguồn lực, động lực, mục tiêu của sự phát triển và tăng năng suất lao động; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Đánh giá cao báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.Thủ tướng cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến năng suất lao động và chú trọng những giải pháp tăng năng suất lao động. Tăng năng suất lao động xã hội là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong các Nghị quyết Đại hội của Đảng. Ngày 8-11-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1305 phê duyệt “Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Thủ tướng, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Phân tích tình hình, bối cảnh thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam, toàn thể các đoàn viên, người lao động, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay tập trung thực hiện: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Trong đó, “3 đẩy mạnh” bao gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng cho tăng năng suất lao động.
“3 tiên phong” là: Tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tiên phong trong các phong trào thi đua tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động.
Thủ tướng đề nghị thực hiện “3 bứt phá” gồm: Bứt phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi; bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tăng năng suất lao động, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng năng suất lao động, trong đó lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa; nâng cao tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hóa nông nghiệp.
Chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể với Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ LĐ- TB và XH,cộng đồng doanh nghiệp và công nhân, người lao động, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với tinh thần “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, tổ chức Công đoàn Việt Nam, toàn thể đoàn viên, người lao động cả nước sẽ chung tay, chung sức, đồng lòng cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao…
Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng thưởng 95 đoàn viên Công đoàn, công nhân, người lao động có năng suất lao động cao, có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất.
Phạm Tiếp