Báo Công An Đà Nẵng

3 kịch bản cho Catalan

Thứ ba, 31/10/2017 09:47

Chính quyền vùng tự trị Catalan đã quyết định tuyên bố độc lập. Chính phủ Tây Ban Nha ra “hình phạt” bằng tuyên bố sa thải giới lãnh đạo chính quyền khu vực giàu có này, giải thể nghị viện và kêu gọi các cuộc bầu cử sớm ở đó. Mọi việc đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Tất cả đang nín thở chờ đợi động thái từ hai bên. Và cuộc chiến này có thể đi theo 3 con đường khác nhau.

Thứ nhất, căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang. Nhà lãnh đạo vùng Catalan Carles Puigdemont tiếp tục thách thức chính phủ bằng những động thái không lường trước được, trước khi khu vực này tổ chức bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 21-12 tới. Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, các đảng ủng hộ độc lập tại Catalan sẽ đánh mất lợi thế chiếm đa số tại cơ quan lập pháp của vùng này trong cuộc bầu cử sắp tới. Điều này sẽ tạo lợi thế rất nhiều cho chính phủ Tây Ban Nha trong nỗ lực nắm quyền kiểm soát khu vực và dập tắt tham vọng ly khai của khu vực này.

Thứ hai, các bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán. Sau ngày bầu cử, nếu nghị viện mới được bầu của Catalan bỏ cuộc trong cuộc chiến giành độc lập, Thủ tướng Rajoy có thể ngồi vào bàn đám phàn cùng với giới chức khu vực này để đưa ra một thỏa thuận mới cho Catalan, bao gồm một thỏa thuận thuế tốt hơn và tự chủ tài chính lớn hơn. Bộ trưởng Ngân sách Cristobal Montoro và Bộ trưởng Kinh tế Luis de Guindos đã gợi ý rằng, đây là điều có thể xảy ra nếu cơ chế độc lập bị hủy bỏ hoàn toàn.

Thứ ba là phải viện đến Tòa án. Nếu Catalan từ bỏ nỗ lực đòi độc lập nhưng cũng không thể ngồi đối thoại với chính phủ của Thủ tướng Rajoy vì mọi việc đã vượt xa khả năng thỏa hiệp, Madrid có thể đưa vấn đề này ra tòa án hiến pháp. Nhưng có thể, chính quyền Madrid phải cân nhắc rất nhiều trước khi hành động. Bởi lẽ, hành động pháp lý và tài chính chống lại các nhà lãnh đạo Catalan chắc chắn sẽ gây ra sự thù địch và có thể làm bùng nổ các cuộc biểu tình quy mô hơn nữa, đẩy các nhà lãnh đạo của cả hai bên vào các vị thế khó khăn rất nhiều.

THANH VĂN