3 kịch bản cho quan hệ Mỹ – Iran
(Cadn.com.vn) - Mỹ-Iran không thiết lập quan hệ ngoại giao trong 38 năm qua. Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) được ký năm 2015 giữa Iran và P5 + 1 là thỏa thuận chính thức đầu tiên giữa Washington và Tehran kể từ năm 1979. Nhiều người hy vọng, JCPOA sẽ tạo bầu không khí tích cực trong quan hệ hai nước, song cho đến nay, không có sự thay đổi đáng kể nào. Và nhiều người dự đoán 3 kịch bản tương lai mối quan hệ này.
Khôi phục quan hệ ngoại giao
Năm 2009, Tổng thống Barack Obama trực tiếp kêu gọi giới lãnh đạo Iran tổ chức đối thoại giữa hai nước. Tuy nhiên, thiện ý này nhanh chóng bị Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei bác bỏ. Ông Khamenei khẳng định không muốn mở rộng quan hệ, ngoại trừ các cuộc đàm phán hạt nhân.
Có nhiều lý do có thể giải thích sự miễn cưỡng của ông Khamenei. Vị lãnh tụ này không muốn chịu trách nhiệm cho sự tái lập quan hệ với "Quỷ Satan" mà muốn đẩy vấn đề này cho người kế nhiệm. Ngoài ra, ông Khamenei tin rằng, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang sử dụng quyền lực mềm để lật đổ chế độ tại Iran. Bình thường hóa quan hệ với Mỹ sẽ mở đường cho nền văn hóa "độc" của phương Tây xâm nhập và làm suy yếu các cuộc cách mạng. Hơn nữa, theo quan điểm của ông Khamenei, nếu Iran gây áp lực lên Mỹ về bất kỳ vấn đề gì, Washington sẽ tạo ra một "cái cớ" để gây áp lực, làm suy yếu chế độ, và cuối cùng biến Tehran thành một chính quyền trực thuộc. Cuối cùng, hòa dịu với Washington sẽ tạo ra sự bất đồng giữa phe ủng hộ và phản đối quan hệ Ngoại giao với Mỹ. Những người bảo thủ, đang kiểm soát của bộ máy an ninh của Iran, có thể lợi dụng tình hình đe dọa vị trí Lãnh tụ tối cao của ông Khamenei.
Vì vậy, một khi ông Khamenei còn nắm quyền lực, một sự thay đổi đáng kể trong quan hệ Mỹ-Iran khó xảy ra.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Javad Zarif gặp nhau tại Thụy Sĩ năm 2015. Ảnh: Diplomat |
Duy trì quan hệ hiện nay
Iran nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì quan hệ như hiện nay với Mỹ, chỉ hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm. Đánh bại Tổ chức Hồi giáo IS là ưu tiên lớn cho cả hai. Dù cả hai nước cho biết không có bất kỳ sự phối hợp nào, nhiều báo cáo cho thấy Iran phối hợp với Mỹ trong nhiều hoạt động tại Iraq. Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thậm chí còn nói rằng, các hoạt động chống IS của Iran tại Iraq là hữu ích. Cả hai nước đều cho rằng, cần lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa các quan chức cấp cao. Hiện, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và ông Kerry thường xuyên liên lạc qua email.
JCPOA sụp đổ và quan hệ căng thẳng
Theo kịch bản này, JCPOA sẽ sụp đổ, mối quan hệ sẽ căng thẳng. Tình hình sẽ trầm trọng hơn nếu Iran và Mỹ cùng hành động trả đũa. Iran từ bỏ nghĩa vụ của mình trong JCPOA và tiếp tục các hoạt động hạt nhân. Mỹ khôi phục các biện pháp trừng phạt. Tóm lại, mọi thứ sẽ trở lại thời điểm trước khi ký kết thỏa thuận hạt nhân.
Hiện, thỏa thuận hạt nhân đang gặp nhiều trở ngại. Tại Iran, phe bảo thủ cáo buộc ông Rouhani từ bỏ những thành tựu hạt nhân để đổi lấy những điều không mang lại lợi ích thực tế. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, sự ủng hộ thỏa thuận đã giảm xuống 62% (so với 75% trong năm 2015). Còn tại Mỹ, Hạ viện thông qua luật cấm bán máy bay thương mại Boeing cho Iran như trong thỏa thuận.
Trước những áp lực như vậy, cả hai nước buộc phải tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ trong thỏa thuận hạt nhân. Và trên hết, hai nước nên tận dụng lợi thế của JCPOA và tìm kiếm cơ hội mở rộng đối thoại.
An Bình
(Theo Diplomat)