Báo Công An Đà Nẵng

3 lần thoát chết nhờ con đom đóm

Thứ bảy, 02/09/2017 12:13

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng đối với người lính trinh sát Nguyễn Quốc Thành (1954, trú xã Tam Lộc, H. Phú Ninh, Quảng Nam) cuộc chiến như mới hôm qua. Bởi đau thương quá khốc liệt, cha, mẹ, anh trai đều bị giặc sát hại. Cuộc chiến tàn phá, bao phủ cả gia đình, khắp làng quê, thôn xóm. Với quyết tâm giết giặc trả thù cho quê hương, gia đình, 12 tuổi, cậu bé Thành theo các cô, chú, các bác làm giao liên, du kích, bắn tỉa... Với lối đánh du kích của cậu và đồng đội khiến Mỹ - ngụy kinh hồn bạt vía, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch...

Ông Nguyễn Quốc Thành trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Chức, nguyên Xã đội phó kiêm Y tế cơ sở xã Phước Cẩm từng tham gia cứu ông Thành tại suối La Gà năm 1971.

Ký ức hào hùng

Tâm sự với chúng tôi về những năm tháng bi thương nhưng không kém hào hùng ấy, ông Nguyễn Quốc Thành kể: Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ -ngụy tăng cường mở các trận phục kích, truy quét lên vùng cách mạng khiến bộ đội ta hy sinh rất nhiều. Từ năm 1969 đến 1971, chúng nhiều lần rải chất độc hóa học, thiết lập vành đai trắng cô lập cách mạng trên các vùng đồi núi cánh Tây Tam Kỳ... Đó là thời kỳ vô cùng khó khăn gian khổ, ngày rúc hầm, đêm mới dám ra, đói rét không có gì ăn ngoài củ chuối, củ khoai. Trong hầm bị rận bu bám đầy người, sốt rét khiến nhiều người phải bỏ mạng. Tuy nhiên, các chiến sĩ vẫn quyết tâm bám đất, bám dân, đào hầm trú ẩn để đánh địch.

Trong gần 10 năm chiến đấu, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông Thành là trận phục kích địch trên suối Ông Toàn, gần căn cứ đồi Trà Vu vào ngày 25-5-1970. Đây là căn cứ quan trọng nhất ở phía Tây Tam Kỳ. Tại đây có tiểu đoàn 113 với 80 tên địch đang đóng giữ. Nhận được thông tin địch sẽ xuống gốc Ba Rạng lấy lương thực và vũ khí, đơn vị đã phân công đồng chí Lê Văn Sửu - Xã đội trưởng và đồng chí Thành thực hiện nhiệm vụ bám sát theo dõi địch. Qua trinh sát cho thấy, cứ mỗi lần đi lấy lương thực, đạn dược về thì bọn địch thường ghé xuống cầu Bằng Lăng trên dòng suối Ông Toàn để tắm rửa trước khi lên đồn. Nắm được quy luật đó, Thành và Sửu gài 2 quả mìn DH10 dưới cầu sắt, xung quanh đặt nhiều mìn cói, lựu đạn. Khi đã dàn xong trận địa, Thành trèo lên cây chờ địch.

Đến 12 giờ trưa cùng ngày, khi địch rơi vào trận địa mìn, Thành liền bắn một phát súng ra hiệu cho đồng chí Sửu bấm mìn. Tiếng nổ phát lên khiến giặc chạy tán loạn, đạp phải mìn và lựu đạn đặt xung quanh chết rất nhiều. Trước tình thế đó, chúng phải gọi trực thăng từ đồn Tuần Dưỡng lên yểm trợ. Tuy nhiên, do bị ta phục kích nên đến 5 giờ chiều địch mới thu gom hết xác lính đem về. Trận đó, chúng ta thắng lợi với việc tiêu diệt được 44 tên địch, nhiều tên bị thương và thu được nhiều lương thực, vũ khí...

3 lần thoát chết nhờ con đom đóm

Sau nhiều năm hoạt động du kích, đến cuối năm 1970, cấp trên tin tưởng nên giao cho Nguyễn Quốc Thành làm Xã đội trưởng xã Kỳ Phước, lãnh đạo đơn vị chiến đấu ngoan cường. Trong những năm tháng đó, ông không thể nào quên những lần mình thoát chết trước họng súng của kẻ thù khi dẫn bộ đội, cán bộ đi hành quân, công tác. Ông Thành kể về ba lần thoát chết nhờ con đom đóm. Theo ông Thành, đây là chuyện rất hi hữu nhưng là sự thật. Trong chiến tranh, có những điều kỳ diệu xảy ra khiến người nghe ai cũng bất ngờ...

Ông Thành kể: "Tôi còn nhớ rất rõ, đêm 28 Tết năm 1971, tôi cùng 3 đồng chí Lê Cẩm - Trưởng CA xã Kỳ Phước, Trương Hường và Lê Quyền là cán bộ dân quân xã từ trên núi về làng lấy lương thực, vật dụng. Đang đi thì đột nhiên có một con đom đóm bay vào mặt. Theo phản xạ, tôi dừng lại vuốt mặt đuổi nó đi. Lúc này các đồng chí trên vượt qua tôi đi lên trước. Khi đi cách tôi khoảng 15 mét bất ngờ đồng chí Trương Hường đạp phải mìn nổ bay cái chân, đồng chí Lê Cẩm bay nửa bộ sườn hy sinh tại chỗ, còn đồng chí Lê Quyền bị trúng mảnh đạn bị thương ở đùi. Nghe mìn nổ, du kích địa phương chạy đến cùng tôi băng bó vết thương cho các chiến sĩ rồi đưa về bệnh viện Bắc Tam Kỳ trong núi chữa trị.

Lần thứ 2 tối ngày 28-4-1971, đơn vị phân công tôi và đồng chí Phạm Quang xuống đồng bằng mua lương thực. Từ Kỳ Phước về xã Kỳ Thịnh chúng tôi mua được 2 bao gạo và 2 cặp đường. Trên đường về, tôi đi trước, đồng chí Quang đi sau, đột nhiên tôi nhìn thấy con đom đóm chớp trên mũ sắt tên lính ngụy đang nằm phục kích phía trước. Thấy vậy tôi liền ngồi xuống, đồng chí Quang lướt qua ghé vào tai tôi nói "không có chi mô" rồi tiến lên khoảng 5 bước. Lúc này một loạt đạn AK vang lên, tôi nghe đồng chí Quang ré lên một tiếng rồi ngã xuống đất. Tôi cầm súng giơ lên thì bị bắn gẫy nòng súng, tôi hoảng loạn chạy lọt vào giữa đội hình giặc và bị bắn ở khuỷu tay rơi xuống suối La Gà gần đó. Do chúng chưa chuẩn bị đội hình nên đã bắn nhầm lẫn nhau và đã có nhiều tên bị thương, do vậy chúng không truy đuổi. Tôi may mắn thoát chết, được du kích Phước Cẩm đi ngang qua phát hiện băng bó vết thương. Sáng hôm sau tôi dẫn du kích Phước Cẩm lên an táng cho đồng chí Phạm Quang.

Lần thứ 3 là đêm 15-8-1970, bộ đội ta về dưới dân để bắt liên lạc, tôi có nhiệm vụ dẫn đường, đồng chí Vũ Đức Như, Võ Đương đi sau. Lúc này trời đang mưa, trong lúc đi chợt có một con đom đóm chui vào áo mưa bay vo ve. Tôi dừng lại bắt nó ra thì 2 đồng chí tiến lên đi trước. Vừa trèo lên bờ ruộng thì đồng chí Vũ Đức Như đạp phải mìn, mảnh đạn bay vào ngực hy sinh tại chỗ, đồng chí Võ Đương bị thương nên tôi đưa trở lại hầm băng bó... Chuyện nghe rất hoang đường, tuy nhiên đó là sự thật. Thời chiến nay sống mai chết lúc nào không hay, tính mạng con người ngàn cân treo sợi tóc. Tôi cũng không ngờ mình có thể sống sót qua những năm tháng ấy. Sau này, mỗi lần nhìn thấy con đom đóm trong lòng tôi lại dâng trào một cảm xúc da diết, một hồi niệm khó tả về những kí ức của thời chiến tranh"- ông Thành bày tỏ.

Nỗ lực tìm kiếm liệt sĩ

Năm 1972, Nguyễn Quốc Thành được huyện điều động về làm Trung đội trưởng Trinh sát H. Bắc Tam Kỳ. Năm 1973 được điều về Đặc công Quân khu 5, sau đó làm Trung đội trưởng Đặc công đơn vị V12 H. Bắc Trà My. Đến ngày 24-3-1975, ông Thành tham gia giải phóng vùng Đông Tam Kỳ. Sau ngày giải phóng, năm 1977, ông Thành theo học trường Lâm nghiệp Trung ương 2 tại Bình Dương, sau đó về làm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Trà My, đến năm 1987 thì về hưu. Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng ông Thành vẫn luôn canh cánh trong lòng nỗi buồn vì nhiều đồng đội đang ngày đêm nằm lạnh lẽo dưới những nấm mồ không tên, không hương khói. Với suy nghĩ đó đã thôi thúc ông phải có trách nhiệm tìm mộ cho các đồng chí đã hi sinh. Qua nhiều năm tham gia công tác tìm mộ liệt sĩ, đến nay ông Nguyễn Quốc Thành đã tham gia tìm được hơn 30 hài cốt đồng đội đem về an táng tại nghĩa trang các địa phương. "Khi có người đến địa phương liên hệ tìm mộ liệt sĩ tôi đều có mặt để tham gia. Tôi may mắn sống đến ngày hôm nay cũng vì những đồng đội, đồng chí anh dũng, không ngại hiểm nguy xông pha tuyến đầu. Việc làm của tôi tuy nhỏ nhưng giúp tôi phần nào vơi đi nỗi nhớ đồng đội"- ông Thành nói.

T.TÂN - LÊ VƯƠNG