Báo Công An Đà Nẵng

3 năm "chìm nổi" của cựu Thủ tướng Yingluck

Thứ bảy, 10/05/2014 11:22

(Cadn.com.vn) - Ắt hẳn người dân Thái vẫn còn nhớ như in cái ngày đất nước có nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử. Cái tên Yingluck Shinawatra được tung hô trên khắp đường phố ngay từ khi đảng Peau Thai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 5-2011, trong đó đảng này đề cử bà Yingluck làm Thủ tướng.

Niềm vui hòa cùng niềm tự hào khi bà Yingluck được Quốc hội Thái Lan nhất trí bầu chọn làm Thủ tướng trong cuộc họp vào ngày 5-8-2011 và được Nhà vua Bhumibol tổ chức lễ phê chuẩn quyết định ngay sau đó.

Trở thành vị Thủ tướng 28 của Thái Lan, bà Yingluck lúc đó mang trên vai trọng trách nặng nề: hàn gắn dân tộc đang bị chia rẽ sâu sắc sau 5 năm bất ổn chính trị bắt nguồn từ vụ đảo chính quân sự lật đổ anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin năm 2006.

Bà Yingluck Shinawatra Ảnh: Reuters

Có thể nói, bà Yingluck đã thành công trong nỗ lực tìm được sự cân bằng tinh tế giữa quân đội và chính phủ. Đó là lý do vì sao quân đội quyền lực của Thái Lan vẫn kiên quyết đứng trung lập (chứ không ủng hộ phe Áo vàng - gồm thành phần thượng lưu, trung lưu và bảo hoàng - như thường thấy) khi cuộc xung đột chính trị nghiêm trọng lại bùng nổ từ cuối năm 2013.

Gần 3 năm nắm quyền, trước khi bị Tòa án Hiến pháp phế truất vì bị kết tội lạm dụng quyền lực, bà Yingluck có những thành tựu được người dân hoan nghênh trước khi đi nước cờ quá mạo hiểm: ra dự luật ân xá mà phe đối lập cáo buộc là nhằm mở đường cho ông Thaksin trở về nước an toàn.

* Cảnh sát Thái Lan ngày 9-5 bắn hơi cay vào người biểu tình chống chính phủ - phe Áo vàng - khi họ xuống đường kiên quyết lật đổ chính phủ lâm thời vừa mới thành lập. Ít nhất 1 người đã bị thương. Người biểu tình yêu cầu chính phủ tạm quyền trì hoãn cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 20-7 tới và tiến hành cải cách. 

Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban kêu gọi những người ủng hộ chiếm giữ Tòa nhà Quốc hội, Văn phòng Thủ tướng và 5 đài truyền hình lớn, khiến giao thông bị tắc nghẽn.

Bà Yingluck có bước nhượng bộ khi từ bỏ dự luật gây tranh cãi này, quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử vào ngày 2-2. Tuy nhiên, việc đảng Dân chủ đối lập tuyên bố tẩy chay bầu cử lại đẩy mọi việc vào con đường bế tắc hơn.

Việc Tòa án Hiến pháp sau đó ra quyết định không công nhận kết quả bầu cử ngày 2-2, trong đó đảng của bà Yingluck giành chiến thắng, tiếp tục phủ bóng đen lên nhiệm kỳ thủ tướng khá chông gai của nữ chính trị gia xinh đẹp này.

Giờ đây, cơ hội duy nhất còn lại của bà Yingluck là hy vọng không bị Thượng viện luận tội "lơ là trách nhiệm" liên quan đến chính sách trợ giá lúa gạo tốn kém. Và hy vọng hơn nữa là một cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 20-7 tới sẽ mở ra con đường mới cho cựu Thủ tướng Yingluck một khi bà và đảng Peau Thai vẫn nắm giữ được lòng dân.

Dẫu rằng, hy vọng này khá mong manh.

Thanh Văn