30 năm gắn bó với núi rừng
(Cadn.com.vn) - Mùa đông năm 1982, 20 sinh viên vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng lội bộ lên Tây Giang (Quảng Nam) trong đợt tăng cường giáo viên miền núi. Một năm sau, chỉ còn hai người bám trụ. Trong hai người đó, chỉ còn thầy giáo Trần Văn Minh-Phó Hiệu trưởng Trường PTCS xã Giang là còn... bám rễ cho đến giờ.
Người dân Tây Giang thường gọi thầy Minh là "con ma rừng" bởi thầy đã giảng dạy gần hết các trường ở Tây Giang, am hiểu tường tận đời sống, tập tục văn hóa Cơ Tu. "Hồi đó, mình nghĩ chỉ lên đây vài năm thì về xuôi, ai ngờ gắn bó đến đến tận bây chừ"-thầy Minh nhớ về kỷ niệm chuyến lên núi đầu tiên nhận công tác. Thầy kể, quê thầy ở xã Bình An, Thăng Bình (Quảng Nam), năm đó, vừa ra trường, thân hình gầy nhom, chưa quen gian khổ đã phải lội bộ từ Túy Loan (Đà Nẵng), băng rừng băng suối lên tới Tây Giang.
Đường đâu có dễ đi như bây chừ, len lách từng khe suối, đêm vô nhà dân ngủ, ngày đi tiếp. Đi bộ một tuần, nhiều người nửa đường đã phải bỏ về vì không chịu nổi. Nơi đầu tiên thầy nhận công tác là Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Hiên. "Vừa lên núi, đầu tiên là sốt rét rừng đến vàng da, vàng mắt, tưởng đã bỏ cuộc. Nhưng cái hăng hái của tuổi trẻ đã khiến mình quyết tâm ở lại"-thầy Minh nói.
Thầy Trần Văn Minh và các em học sinh Cơ Tu. |
Ở vùng biên giới khu 7 (4 xã Tr'Hy-A Xan - Ch'Ơm - Ga Ri), nơi khó khăn nhất của Tây Giang, trắng điện, không đường, không trường, không trạm, dân cư thưa thớt, nhìn quanh chỉ thấy cây rừng, duy nhất thầy đứng điểm ở cả hai trường tiểu học trên này. Từ xã Lăng đi bộ ròng rã, tự vạch đường băng rừng một ngày đường mới tới khu 7. Tới nơi, lại bị sốt rét rừng, nằm thui thủi một mình trong cái chòi, tưởng không qua nổi. Dạy học thì, ngày ni dạy ở A Xan, mới tờ mờ sáng hôm sau lại phải băng rừng qua Ch'Ơm, lại một mình đi vận động học sinh, một mình dạy học. Nhà ở tự dựng, cơm nhờ dân, lớp học chỉ 3-4 học sinh... Đó là những kỷ niệm "thấm thía" nhất trong cuộc đời làm thầy giáo .
"Bà con Cơ Tu sống chân chất mà tình cảm. Học sinh ngoan hiền. Mình được bao bọc trong cái tình cảm đó. Chính vì thế mới có động lực để vượt qua khó khăn"-thầy bộc bạch. Có lần trên đường đi dạy thì bị trượt hố, nước cuốn trôi đến gần 100 mét, đá ngầm lởm chởm, suýt chết, cũng may bám được thân cây. "Sự gian khổ mà thầy Minh đã trải qua để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đã làm cho lớp giáo viên trẻ như mình khâm phục, càng thấy yêu nghề, muốn cống hiến hơn"-anh Lê Văn Chinh, Tổng phụ trách Đội Trường PTDT Bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc, tự hào khi nói về thầy Minh.
Năm 2004, thầy Minh được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường PTCS xã Giang. Sinh năm 1965, lên rừng năm 17 tuổi mà đến năm 42 tuổi thầy mới lập gia đình với một cô giáo cũng từ miền xuôi lên dạy học. Mùa xuân này, thầy tròn 33 năm công tác ở núi rừng. Tâm huyết của thầy vẫn là tấm gương cho lớp giáo viên trẻ, khi lên non công tác, càng muốn cống hiến cho sự học của từng bản làng.
Mai Thành Dũng