Báo Công An Đà Nẵng

37 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài 0%

Thứ ba, 15/06/2021 06:38

Theo số liệu của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tình hình thực hiện kế hoạch vốn 2021 tại các địa phương tính đến 31-5 chỉ đạt 1.100 tỷ đồng và bằng 1,73% dự toán, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương là 616 tỷ đồng (bằng 1,77% kế hoạch) và vốn cho các địa phương vay lại là 484,4 tỷ đồng (bằng 1,68% kế hoạch). Cả nước mới có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3% và 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân chỉ là 0%.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về “Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài 5 tháng”, ngày 14-6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn giao năm 2021 là rất thấp, thấp hơn hẳn so với 5 tháng của năm 2020 (với vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương là 7,19%). Bên cạnh đó, nếu tính đến số vốn được giải ngân theo kế hoạch năm 2020 được kéo dài và chuyển nguồn trong 5 tháng của năm 2021, thì tỷ lệ giải ngân này cũng vẫn thấp so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo ông Trương Hùng Long-Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính, là do có nhiều vướng mắc mà đặc biệt là sự tác động của dịch bệnh COVID-19. “Trên thực tế, đại dịch COVID-19 tác động đến các dự án sử dụng vốn nước ngoài trong 5 tháng qua còn rất nặng nề, do nhiều dự án gắn với yếu tố nước ngoài (từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát)”, ông Long nói. Thêm vào đó, nhà tài trợ chậm xem xét và cho ý kiến “không phản đối” về hồ sơ mời thầu và kết quả đấu thầu...

Về nguyên nhân chủ quan khác được ông Long cho hay đến từ việc giao, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn (như việc giao chậm, giao thiếu kế hoạch đầu tư công trung hạn, giao vượt nhu cầu sử dụng đã đăng ký, địa phương chậm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn). Cụ thể, tính đến ngày 31-5, cả nước vẫn còn 10 địa phương chưa giao kế hoạch vốn vay lại. Thêm vào đó, nhiều địa phương vẫn mắc phải tình trạng chậm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư (như giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật và chậm thiết kế thi công...).

Nhằm thúc đẩy hoạt động giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong các tháng tiếp theo của năm, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo (lần 3) Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại để trình Chính phủ ban hành, trong đó có quy định tháo gỡ về trị giá tài sản thế chấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập vay lại và giảm tỷ lệ vay lại của một số địa phương khó khăn về cân đối ngân sách địa phương.

Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng chia sẻ Bộ Tài chính sẽ triển khai thí điểm áp dụng từ tháng 7-2021 và tiến tới áp dụng chính thức trong năm 2021 cơ chế thông báo nhận nợ định kỳ với các địa phương thông qua Sở Tài chính nhằm đảm bảo cơ chế thông tin thống nhất giữa Bộ Tài chính và các địa phương, hỗ trợ các tỉnh chủ động và kịp thời bố trí trả nợ cho Chính phủ.

“Các địa phương cũng cần rà soát việc phân bổ lại dự toán phù hợp với tiến độ triển khai các dự án. Trong thẩm quyền được giao, các địa phương chủ động điều chỉnh dự toán và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong trường hợp giảm dự toán được giao. Các địa phương cũng cần phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay, không để việc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

THU THỦY – TTXVN