4 năm..., vẫn 1 HCV
(Cadn.com.vn) - Đoàn thể thao Việt Nam kết thúc Asiad 17 (Incheon, Hàn Quốc) với thành tích 1 HCV, 10 HCB và 25 HCĐ, đứng thứ 21/38 đoàn tham dự, không hoàn thành mục tiêu. Như vậy, sau 4 năm chuẩn bị, thể thao Việt Nam vẫn không thể cải thiện được thành tích của mình trên đấu trường Á vận hội.
4 năm trước, tại Asiad 16 diễn ra ở Quảng Châu (Trung Quốc), Đoàn thể thao Việt Nam giành được duy nhất 1 HCV của Lê Bích Phương (karate), 17 HCB và 15 HCĐ, đứng thứ 24 trên tổng số 35 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. 4 năm sau tại Incheon (Hàn Quốc), Đoàn thể thao Việt Nam cũng chỉ giành được 1 HCV của Dương Thúy Vi (wushu). Còn HCB – thành tích mà dân chuyên môn thể thao hay nói là “tiệm cận” với HCV thậm chí ít hơn Asiad 16 (10 so với 17).
Dương Thúy Vi với tấm HCV duy nhất cho Đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 17. |
Nếu đem số lượng HCV và HCB để so sánh thì Asiad 17, thành tích của thể thao Việt Nam đã bị tụt hậu thấy rõ so với Asiad 16. Như đã biết, dự kỳ ASIAD lần này, Đoàn thể thao Việt Nam có 200 VĐV thuộc 22 đội tuyển, đặt mục tiêu giành tối thiểu 2-3 HCV, tuy nhiên chỉ có võ sĩ wushu Dương Thúy Vi giành được HCV. Điều đáng nói, tấm HCV của Dương Thúy Vi không nằm trong diện đánh giá cao bởi môn wushu chấm điểm theo cảm tính. Trong khi đó, loạt VĐV mũi nhọn mà ngành thể thao nhắm đến cho mục tiêu HCV như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Nguyễn Hoàng Ngân (karate) đều không đạt được kỳ vọng.
Đây là lần thứ hai liên tiếp, thể thao Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu ở Asiad dù con số đề ra rất khiêm tốn: 2-3 HCV. Trước đó, tại ASIAD 16, thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu 4 HCV và cũng chỉ giành 1 HCV từ một VĐV không nằm trong diện được đánh giá cao: Lê Bích Phương (karate). Điều này một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng công tác chuẩn bị, đánh giá thực lực VĐV, tìm hiểu đối thủ của giới quản lý thể thao có vấn đề.
Tuy nhiên, thể thao Việt Nam cũng có những điểm sáng đến từ những tấm huy chương đầu tiên tại đấu trường Asiad: Dương Thúy Vi (HCV wushu), Phan Thị Hà Thanh (HCB và HCĐ môn TDDC), Lừu Thị Duyên (HCĐ boxing), Nguyễn Thị Ánh Viên (2 HCĐ bơi), Nguyễn Thị Thật (HCB xe đạp), Quách Thị Lan (HCB 400m, điền kinh), Bùi Thị Thu Thảo (HCB nhảy xa, điền kinh).
Nói theo các lãnh đạo ngành thể thao nước nhà, Asiad 17 chưa hẳn là một kỳ đại hội thất bại của Việt Nam nếu nhìn vào bảng thành tích, bởi chúng ta đã ghi được dấu ấn ở những môn Olympic. Những tấm HCB, HCĐ ở bơi lội, cử tạ, điền kinh, đua thuyền, đấu kiếm, boxing... được ví quý chẳng khác nào vàng. Nếu mang những tấm huy chương này để so với kỳ Asiad 4 năm trước, rõ ràng các môn cơ bản nằm trong hệ thống thi đấu Olympic của Việt Nam đã có sự đi lên nhất định.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao cho rằng, khác biệt lớn nhất của Đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 17 chính là sự vươn lên mạnh mẽ của các môn thi đấu trong hệ thống Olympic. Ông Minh phân tích, những tấm huy chương của bơi lội, điền kinh, boxing, đấu kiếm, TDDC, cử tạ đều mang tính lịch sử. Điều đó cho thấy thể thao Việt Nam đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ xu hướng chạy theo thành tích trước mắt, cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á sang xu hướng đầu tư lâu dài theo các môn trong hệ thống Olympic để hướng đến sân chơi tầm châu lục và thế giới.
Tuy nhiên, việc 2 kỳ Asiad liên tiếp mà thể thao Việt Nam không hoàn thành mục tiêu thì thật đáng phải suy ngẫm. 4 năm trước, chúng ta đã đặt ra câu hỏi “làm gì để cải thiện thành tích ở Incheon 2014”. Và bây giờ, chúng ta vẫn đặt câu hỏi ấy, “phải làm gì để cải thiện thành tích tại Indonesia 4 năm sau?”.
Câu hỏi trên đặt ra nhiều vấn đề cho thể thao Việt Nam, đặc biệt là khâu tuyển chọn và đào tạo trẻ - mang tính sống còn với mỗi nền thể thao; chính sách đầu tư cho các môn trọng điểm.
Quang Hải