Báo Công An Đà Nẵng

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁ NGỪ CÂU TAY:

"4 nhà" cùng vào cuộc

Thứ ba, 05/11/2013 10:42

(Cadn.com.vn) - "Bốn nhà" gồm: nhà nông (ngư dân), nhà khoa học, nhà quản lý và nhà sản xuất đã cùng ngồi lại với nhau trong chương trình tọa đàm "Bàn về một số giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tổn thất chất lượng cá ngừ của nghề câu tay kết hợp ánh sáng" do Hiệp hội cá ngừ Việt Nam vừa tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa. "Bốn nhà" cùng nhìn nhận thực trạng của nghề cá ngừ câu tay hiện nay; qua đó bàn giải pháp nâng cao chất lượng nhằm tăng giá trị cho nghề cá ngừ câu tay.

Lợi nhiều, hại cũng không ít

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Nha Trang, nghề cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng có nhiều ưu điểm, như: vận hành đơn giản, chi phí thấp, cần ít công lao động, sản lượng khai thác tăng gấp hai đến ba lần, thời gian mỗi chuyến đi biển được rút ngắn chỉ từ 15 đến 20 ngày…

Tuy nhiên, chất lượng cá ngừ câu tay lại thấp khiến giá cá giảm và làm ảnh hưởng đến xuất khẩu. Theo các chuyên gia thủy sản, việc câu ở độ sâu từ 70m đến 100m, ngư dân thường kéo cá lên nhanh, không đều khiến cá giẫy mạnh làm nhiệt độ bên trong cơ thể cá tăng từ 23 lên 34 độ C và bị "stress" dẫn đến cơ thịt của cá bị phá hủy.

Bên cạnh đó, việc xử lí cá khi đưa lên tàu chưa tốt ở các khâu cắt đuôi, vây, cá bị va chạm mạnh và nhất là việc làm lạnh để bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây cũng là những nguyên nhân chính khiến giá trị của cá ngừ câu tay sụt giảm trong thời gian vừa qua.

Khai thác cho sản lượng cao nên câu tay là phương pháp chủ yếu được ngư dân áp dụng để khai thác cá ngừ trong thời gian gần đây. Nhưng với cách làm mang tính truyền thống, thủ công, dựa vào kinh nghiệm là chính đã khiến ngư dân thường lâm vào cảnh "được mùa mất giá".

Ngư dân Trần Văn Mây - chủ tàu KH 90017, cho biết: mặc đã có hơn 10 năm làm nghề cá ngừ câu tay nhưng chúng tôi vẫn dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Nghề câu tay khai thác được nhiều cá ngừ hơn nhưng thương lái thường xuyên ép giá ngư dân với cái cớ, cá ngừ câu tay chất lượng không  được cao.

Tại buổi tọa đàm, lần đầu tiên, nhiều ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương ở vùng ven biển miền Trung được tiếp cận các phương pháp, kỹ thuật khai thác, bảo quản mới do các nhà khoa học phổ biến. Việc cùng trao đổi với doanh nghiệp, nhà quản lí cũng đã giúp ngư dân tiếp cận được nhiều cách làm mới để nâng cao chất lượng cá ngừ câu tay.

Nâng cao chất lượng cá ngừ sẽ giúp ngư dân bán được giá cao.

Cần sự đột phá trong khâu bảo quản

Theo ông Somboon - chuyên gia thủy sản đến từ Thái Lan, để chất lượng cá ngừ câu tay được nâng lên, cần tránh làm cho cá bị "stress" bằng cách cải thiện kỹ thuật câu; vận chuyển cá nhẹ nhàng từ biển vào và đưa cá lên tàu phải làm lạnh ngay.

Ông Somboon, cho rằng: mấu chốt nhất là phải cải thiện được kỹ thuật bảo quản cá; trong đó phải làm lạnh sao cho nhiệt độ ở bên trong lõi của thân cá xuống dưới 0 độ C càng sớm càng tốt và giữ được nhiệt độ đó cho tới khi đưa cá đến nơi bán. Ngư dân lưu ý, không thêm cá mới vào kho cá đã và đang được làm lạnh. Thời gian làm lạnh cá loại nhỏ dưới 40kg khoảng từ 6 đến 12giờ; cá to có thể lên đến 36giờ.

Khi sử dụng đá với nước biển để làm lạnh cá, đá phải tan hoàn toàn và trộn đều trong nước để tạo nhiệt độ ổn định, đồng đều. Nên vớt cá ra sau khi ngâm trong nước biển lạnh từ 24 đến 36 giờ nhằm giúp thịt cá tránh bị nhạt màu và mắt có màu trắng ảnh hưởng đến giá bán. Khi vận chuyển cá cần nhẹ nhàng và giữ được nhiệt độ thấp; không bẻ xoắn, uốn cong cá trong khi vận chuyển từ kho lạnh ra.

Nhiều chuyên gia đề xuất, cần sớm có chính sách hỗ trợ ngư dân ứng dụng kỹ thuật để nâng cao chất lượng cá ngừ câu tay.

Ông Nguyễn Công Bảy, Giám đốc chất lượng Công ty TNHH Hải Vương, nhấn mạnh: ngư dân cần sớm thực hiện ứng dụng kỹ thuật bảo quản tốt để nâng cao chất lượng cá ngừ. Khi chất lượng cá ngừ được nâng lên, ngư dân sẽ bán được cá với giá cao còn doanh nghiệp cũng dễ xuất khẩu các sản phẩm. Qua đó, sẽ tránh được lãng phí nguồn lợi cá ngừ như hiện nay khi sản lượng khai thác được nhiều nhưng giá trị mang lại không cao.

Tiến sĩ Chu Tiến Vĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, cho biết, ngoài áp dụng kỹ thuật bảo quản tốt, cần sớm sử dụng cần câu để câu cá ngừ nhằm giúp ngư dân điều khiển tốc độ câu đều hơn; qua đó góp phần nâng cao chất luợng cá ngừ.

Về lâu dài, cần điều tra, đánh giá nguồn lợi, ngư trường cá ngừ; quy định kích cỡ cá ngừ được khai thác; tổ chức liên kết khai thác, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ. Hiện nay, ngư dân thường phải vay tiền của thương lái để đi biển; khi trở về, ngư dân phải bán cá lại cho thương lái nên thường bị ép giá. Do vậy, Nhà nước cần cho ngư dân vay vốn ưu đãi.

Nguyên Văn