Báo Công An Đà Nẵng

40 năm Bảo tàng Quân khu 5: Địa chỉ đỏ trong lòng dân

Thứ bảy, 10/09/2016 10:25

(Cadn.com.vn) - Sinh thời, mặc dù bận trăm công nghìn việc, trong khi cùng Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Bác Hồ vẫn dành tình cảm đặc biệt với đồng bào miền Nam nói chung, với Khu 5 nói riêng. Chính vì tình cảm đặc biệt đó mà ngày 12-9-1976, Thượng tướng Chu Huy Mân (sau này là Đại tướng)-UVTƯ Đảng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Khu nhà sàn Bác Hồ tại thành phố Đà Nẵng, đáp ứng được phần nào sự mong mỏi của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ cả nước.

Các già làng trưởng thôn tiêu biểu của Quân khu 5 thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh,
chi nhánh Quân khu 5.

Đại tá Nguyễn Đình Ngật, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 kể:  "Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Thường vụ Khu ủy, Quân khu 5 đã có chủ trương xây dựng Khu tưởng niệm của Bác Hồ ở vùng căn cứ Nước Oa - Bắc Trà My - Quảng Nam, nhưng chưa làm được. Năm 1970, đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu vào công tác với Sư đoàn 3 Sao Vàng lúc này đang chiến đấu ở Bình Định. Tư lệnh nói với anh em trong đoàn cùng đi: "Quân khu 5 phải có một bảo tàng trưng bày cuộc đời hoạt động của Bác Hồ để đồng bào Kinh-Thượng trên địa bàn có điều kiện chiêm ngưỡng". Đêm 18-8-1972, khi pháo 130mm của ta bắn vào căn cứ Cấm Dơi, đồng chí Chu Huy Mân bảo tôi viết điện ngay cho cụm tăng pháo hỗn hợp 72 với nội dung Quân khu biểu dương pháo 130 lần đầu tiên xuất hiện ở đồng bằng bắn trúng đích và phải giữ lại 2 liều đạn bắn loạt đầu nộp lên Cục Chính trị để trưng bày Bảo tàng".

Như vậy, lãnh đạo Quân khu 5 đã sớm có chủ trương xây dựng Bảo tàng Quân khu 5 khi còn đang chiến đấu. Sau Xuân 1975, mặc dù nhiều nhiệm vụ khẩn cấp phải làm nhưng Bộ Tư lệnh quyết tâm xây dựng Bảo tàng. Đây là công trình có ý nghĩa chính trị vô giá và mang tầm chiến lược, không chỉ với đồng bào miền Trung mà đồng bào cả nước và khách quốc tế  đến tham quan. Khu nhà sàn Bác Hồ ngày đầu xây dựng cùng với khu trưng bày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 5 sau nhiều lần đổi tên, nay được gọi là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5, nằm trong hai hệ thống các Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng toàn quân, được  xếp hạng II nằm trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam...

40 năm qua, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Bảo tàng qua các thời kỳ đã không quản ngại khó, ngại khổ đi khắp các địa bàn Quân khu 5 và cả nước để sưu tầm những hiện vật. Hưởng ứng cuộc vận động sưu tầm kỷ vật kháng chiến do Tổng cục Chính trị tổ chức, Bảo tàng đã sưu tầm và tiếp nhận hơn 1.000 hiện vật có giá trị lịch sử  góp phần to lớn trong công tác mở rộng, nâng cấp, bổ sung trưng bày Bảo tàng. Tính đến tháng 6-2016, Bảo tàng đang quản lý 20.126 hiện vật các loại, trong đó có 15.587 hiện vật gốc Bảo tàng.  Bảo quản khối lượng hiện vật lớn có nhiều chất liệu khác nhau trong điều kiện thời tiết khí hậu, môi trường và độ nhiễm mặn của không khí nước biển ảnh hưởng trực tiếp là một thách thức. Mặt khác, diện tích kho còn hạn chế, trang thiết bị ở Bảo tàng còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đơn vị đã duy trì nghiêm các chế độ bảo quản, áp dụng khoa học, sử dụng phương tiện hiện có một cách phù hợp đã có tác dụng thiết thực giữ được hiện vật (cả hiện vật trong kho và hiện vật đang trung bày) không để hư hỏng, mất mát, hạn chế tốc độ xuống cấp, phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học, trưng bày và giới thiệu khách tham quan.  Từ năm 2010 đến nay, việc đầu tư nhân lực, kinh phí cho công tác bảo quản hiện vật ngày càng nâng cao...

 Đối với Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5, sau khi khánh thành (năm 1977), Bộ Tư lệnh Quân khu đã mở rộng nâng cấp phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để phục vụ cho lễ dâng hương, hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của LLVTQK và các cơ quan, ban ngành trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên. Đối với Bảo tàng Khu 5, từ khi đưa vào sử dụng đến nay đã có 7 lần chỉnh lý, bổ sung nội dung và giải pháp trưng bày, với hơn 6.000 ngàn hiện vật, tư liệu, hình ảnh. Ngoài trưng bày tại chỗ, cán bộ, nhân viên Bảo tàng còn tổ chức nhiều đợt triển lãm lưu động cho các địa phương, đơn vị trên địa bàn Quân khu và toàn quân, tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu phục dựng, bảo tồn, tôn tạo Căn cứ Nước Oa của Bộ Tư lệnh trong kháng chiến chống Mỹ tại Bắc Trà My - Quảng Nam, Di tích lịch sử nơi thành lập đội Du kích Ba Tơ... Đặc biệt giúp Lào xây dựng các Phòng, Nhà truyền thống, Nhà trưng bày bổ sung di tích tại Khu tưởng niệm liên minh Lào - Việt và Sư đoàn 5.

40 năm qua Bảo tàng đã đón được gần 7 triệu lượt khách, trong đó có hơn 40 vạn lượt khách nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Bảo tàng còn tổ chức và phối hợp tổ chức: Thi kể chuyện về Bác Hồ, về Bộ đội Cụ Hồ thông qua những tư liệu hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng, tổ chức "giờ học lịch sử tại Bảo tàng" cho các em học sinh, phối hợp thực hiện cuộc vận động nhà trường thân thiện, học sinh tích cực do Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động... Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5 vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng nhiều Bằng khen và nhiều năm liền Bảo tàng luôn đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Bảo tàng Quân khu 5 đã thực sự là một công trình mang tính giáo dục lịch sử truyền thống hiệu quả như một cuốn sử sống, là địa chỉ đỏ trong lòng dân Quân khu 5 suốt nhiều thế hệ.

Bài, ảnh: Hồng Vân