Báo Công An Đà Nẵng

40 năm nghĩa nặng, tình sâu

Thứ sáu, 24/04/2015 11:13

* BÀI 1: Trên vùng đất nghĩa tình

(Cadn.com.vn) - Những ngày tháng 4 lịch sử, cả nước đang hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tiến tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng CAND Việt Nam, 10 năm ngày hội toàn dân BVANTQ..., các bác, các chú-những cán bộ an ninh ưu tú của Hải Phòng, Thanh Hóa tăng cường cho chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng trước năm 1975 lại có dịp đoàn tụ, cùng ôn lại những kỷ niệm một thời hoa lửa.

Buổi chiều giữa tháng 4-2015, chỉ sau chốc lát dừng chân tại TP Thanh Hóa, đoàn công tác CATP Đà Nẵng và CA tỉnh Quảng Nam do Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Đà Nẵng; Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam dẫn đầu vội vàng vượt gần 100km đến xã miền núi xa xôi Thạch Bình, H. Thạch Thành. Bà Lưu Thị Chân (95 tuổi)-vợ liệt sĩ Lưu Văn Sở, hy sinh tại chiến trường Tiên Phước (Quảng Nam) năm 1972 cùng người thân trong gia đình đón đoàn trong nghẹn ngào, xúc động. Người đồng đội cũ-bác Nguyễn Hạnh Kiểm, nguyên Giám đốc CA Quảng Nam-Đà Nẵng thắp nén nhang thành kính, đứng lặng trước bàn thờ liệt sĩ Sở, nước mắt rưng rưng. Cũng tại ngôi nhà này, tôi còn nhớ cách đây 10 năm khi đến thăm, Đại tá Nguyễn Rã, nguyên Giám đốc CA Quảng Nam-Đà Nẵng đã khóc rất nhiều trước di ảnh người đồng chí từng bao năm vào sinh ra tử, cùng chung nhau củ sắn, rau rừng trên chiến trường mưa bom, bão đạn.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn và Đại tá Nguyễn Viết Lợi thăm hỏi sức khỏe các đồng chí
trong lực lượng an ninh Thanh Hóa tăng cường cho chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.

Thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống của người thân gia đình liệt sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn và Đại tá Nguyễn Viết Lợi khẳng định: Sự hy sinh của liệt sĩ Sở trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng năm xưa, các thế hệ hôm nay và mai sau mãi luôn ngưỡng mộ, trân trọng. Học tập, noi theo tấm gương "vì nước, quên mình" của đồng chí, thế hệ CBCS CATP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Thanh Hóa đã và đang tiếp bước, đóng góp mọi trí lực cho sự nghiệp bảo vệ ANQG, gìn giữ TTATXH, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, xứng đáng là công cụ chuyên chính của Đảng và Nhà nước.

Chia tay gia đình liệt sĩ Lưu Văn Sở, đoàn xe lăn bánh đến quê hương của liệt sĩ Nguyễn Khắc Tưởng (1932), xã Thiệu Nguyện, H. Thiệu Hóa. Nhận sự điều động của cấp trên, năm 1968, Nguyễn Khắc Tưởng chia tay vợ và 4 con nhỏ lên đường vào chiến trường Quảng Đà. Vào một đêm đi tổ chức họp dân, vận động quần chúng tại địa bàn Quế Kỳ (Quế Sơn) năm 1972, đồng chí bị địch bắn chết. Bà Nguyễn Thị Đáng-vợ liệt sĩ Tưởng bùi ngùi: "Từ khi ông ấy nhận  nhiệm vụ lên đường, tôi không một lần được gặp lại chồng cho đến ngày hay tin ông hy sinh. Sau 3 lần vào Đà Nẵng thăm mộ ông ấy, năm 1996, với sự giúp đỡ tận tình của những người đồng đội cũ, tôi đã đưa được hài cốt ông ấy về quê tiện việc chăm nom, hương khói. Chắc rằng, những chuyến thăm, gặp mặt gia đình với nghĩa cử đáng trân trọng của lãnh đạo CATP Đà Nẵng, CA tỉnh Quảng Nam duy trì mấy chục năm qua sẽ khiến ông ấy ấm lòng nơi chín suối". Trong số những cán bộ tăng cường cho chiến trường Quảng Đà trước năm 1975, có lẽ sự hy sinh của liệt sĩ Bùi Văn Dừa là khiến người thân còn đang canh cánh trong lòng nhất. Từ khi đồng chí hy sinh, đến nay gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Bà Nguyễn Thị San (vợ liệt sĩ Dừa) cho hay, có một lần vào Hội An, Quảng Nam, bà được nghe chuyện chồng mình hy sinh cùng những đồng đội khác trong cùng một trận đánh, cùng băng đạn và có gia đình đồng đội với liệt sĩ đã bao năm hương khói cho chồng, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được gia đình này. Bà mong rằng với thông tin ít ỏi ấy, thời gian tới, CA Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ giúp bà cùng gia đình tìm thấy hài cốt chồng, để vơi bớt sự mong mỏi bấy lâu.

Trên đường tới thăm hỏi, động viên thân nhân các liệt sĩ, hôm ấy dù đã 7 giờ tối, nhưng khi nghe cán bộ chính sách CA tỉnh Thanh Hóa nói bác Nguyễn Ngọc Miên, một cán bộ tăng cường-mới qua đời, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn và Đại tá Nguyễn Viết Lợi quyết định tìm ngay đến nhà thắp nhang tưởng nhớ. Không thể đi ô-tô, phải trung chuyển bằng xe máy nhiều ki-lô-mét qua những con đường đất nhỏ hẹp, gập ghềnh, chuyến thăm của đơàn đã khiến nhiều người thân của bác Miên cảm động... Cùng với Thanh Hóa, những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Hải Phòng và Hà Nội cũng là các địa phương từng tiếp sức cho chiến trường Quảng Đà biết bao người con ưu tú, ngoan cường. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo CA 2 địa phương dâng lên những bó hoa, thắp nén nhang tri ân các anh hùng liệt sĩ Vũ Đức, Hoàng Văn Nghỉ, Phạm Đình Sau..., chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của gia đình và thân nhân liệt sĩ, nhất là niềm mong mỏi của bao gia đình chưa tìm thấy mộ liệt sĩ đưa về quê an táng. Chị Hoàng Thị Xoan, em gái liệt sĩ Hoàng Văn Nghỉ tâm sự: "Năm 2002, TP Đà Nẵng đã xây dựng cho tôi căn nhà để có chỗ thờ phụng, hương khói cho anh. Có điều, hài cốt của anh đến nay vẫn chưa tìm được. Tôi chỉ mong với sự giúp đỡ của địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, một ngày gần nhất tôi sẽ tìm thấy mộ anh đưa về quê để chị em bớt đi phần hiu quạnh"...

Như bao lần trước, năm nay CATP Đà Nẵng và CA tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức buổi gặp mặt thân mật, tri ân cán bộ an ninh Thanh Hóa và Hải Phòng từng tăng cường cho chiến trường Quảng Đà năm xưa khi đến mỗi địa phương. Ai cũng ngoài tuổi 80, 90, sức khỏe hạn chế nhưng các chú, các bác vẫn đón xe vượt cả trăm cây số từ miền núi xa xôi về dự lễ gặp mặt khi nhận được giấy mời. Bác Lê Bình Quyên, Hải Phòng phấn khởi: "Không gì vui bằng khi được gặp lại đồng đội cũ, những người từng bên nhau nhường cơm sẻ áo, cùng nhau chia lửa cho chiến trường. Kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vài năm một lần chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau, nhưng đông đủ như hôm nay thật hiếm có. Hy vọng rằng về sau, CATP Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ liên tục tổ chức được những buổi gặp mặt như thế để đồng chí, đồng đội chúng tôi được sống lại với kỷ niệm buồn vui. Ngày nào còn sống, còn đi được, nhất định chúng tôi sẽ đến với nhau". Buổi gặp mặt ngắn ngủi nhưng ấm cúng. Họ lưu luyến chia tay ra về cùng những địa chỉ liên lạc, số điện thoại trao nhau để động viên, chia sẻ, an ủi nhau trong những lúc khó khăn của cuộc sống mai này...

Ghi chép: Công Hạnh
(còn nữa)