Báo Công An Đà Nẵng

40 năm "nhà đài" DRT

Thứ ba, 31/03/2015 08:40

(Cadn.com.vn) - Cách đây tròn 40 năm, chỉ sau 2 ngày Đà Nẵng giải phóng, vào lúc 11 giờ ngày 31-3-1975, bản tin đầu tiên của Đài Phát thanh Đà Nẵng đã chính thức được phát sóng, phát đi tiếng nói của chính quyền cách mạng non trẻ. 40 năm lớn lên cùng TP anh hùng, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập, kỹ thuật và nhân viên qua các thời kỳ của Đài Phát thanh Quảng Nam- Đà Nẵng (PTQN-ĐN cũ), Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng (DRT) hôm nay- một trong những đứa con đầu lòng của chính quyền cách mạng QN-ĐN ngày ấy- đã không ngừng lớn mạnh, phát triển đi lên, xứng đáng là một trong những cơ quan truyền thông, ngôn luận đáng tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP...

Dấu ấn của sự hòa giải dân tộc

Dẫu là người ở bên này hay ở bên kia chiến  tuyến thì ngày giải phóng Đà Nẵng vẫn là một ngày không thể nào quên.

Nhớ lại thời khắc tiếp quản Đài Phát thanh của chế độ cũ 40 năm về trước, bà Nguyễn Thị Anh Trang (73 tuổi) bồi hồi xúc động: "Đó là thời khắc không thể nào quên. Chiều ngày 29-3, tôi theo chân các thành viên trong Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V có mặt tại Tòa thị chính TP. Trưa hôm sau, tôi cùng anh Nguyễn Kim Tuấn, anh Đoàn Bá Từ tiếp quản trụ sở Đài Phát thanh phát sóng An Hải tại Nại Hiên Đông. Nhân sự Đài cũ lúc ấy vẫn còn nguyên xi với 28 người. Buổi tiếp quản diễn ra trong khoảng thời gian ngắn. Theo phân công của tổ chức, anh Kim Tuấn phụ trách chung, tôi phụ trách việc xây dựng chương trình chuẩn bị phát sóng chương trình đầu tiên trưa 31-3, anh Đoàn Bá Từ  đi về như con thoi giữa Đài với Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng để chuyển thông tin cho tôi sắp xếp chương trình. Anh Nguyễn Minh Luận- phát thanh viên của Đài chế độ cũ- được chọn đọc cùng tôi trong chương trình đầu tiên này. Tôi đã thức suốt cả đêm 30-3 để xây dựng chương trình gồm: Nhạc hiệu là bài "Giải phóng miền Nam"; lời xướng; thông báo của Ủy ban Quân quản TPĐN, chùm tin, bài liên quan đến ngày giải phóng... và kết thúc chương trình với bài hát "Cô du kích Đà Nẵng". Đúng 11 giờ ngày 31-3, sau phần nhạc hiệu, tôi đọc lời xướng: "Đây là Đài Phát thanh Đà Nẵng, tiếng nói của Ủy ban Quân quản TPĐN", tiếp theo, anh Luận đọc lại lời xướng... Đến giờ tôi vẫn nhớ như in cảm xúc tự hào, khí thế hừng hực khi cất giọng đọc lời xướng ấy...". Qua bà Anh Trang, được biết, chỉ với thời lượng 30 phút, chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Đà Nẵng đã phát sóng với công suất 50 kw, tần số 70hz, kịp thời chuyển tải những chủ trương của Đảng, Nhà nước, của chính quyền quân quản về sự hòa giải dân tộc, phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của thế lực thù địch, góp phần quan trọng trong việc ổn định TTXH những ngày đầu giải phóng... Theo bà Anh Trang, có được điều này là nhờ lực lượng tiếp quản đài đã làm tốt công tác hòa giải dân tộc, có cái nhìn mới đầy nhân văn nên đã nhanh chóng hóa giải được sự âu lo của những người làm việc cho chế độ cũ, giúp họ nhận diện đúng bản chất vấn đề để cộng tác nhiệt tình với đơn vị tiếp quản…

Là "lực lượng tâm lý chiến" của Đài (chế độ cũ), nhớ lại ngày đầu được lực lượng tiếp quản tin tưởng trọng dụng, cựu phát thanh viên Nguyễn Minh Luận (84 tuổi) không giấu được xúc động: "Nói không có tư tưởng sợ sệt, bất an, âu lo là mình nói dối. Sợ chứ! Lo âu chứ! Nhưng rồi chúng tôi quyết định ở lại và chờ đợi... Rồi Đài được tiếp quản với những con người mới. Và họ không như chúng tôi từng nghĩ... Sau phần tiếp quản, tôi được phân công đọc lời xướng cùng với chị Anh Trang. Khoảng 3 tháng sau khi Đà Nẵng giải phóng, chúng tôi ổn định tư tưởng, không còn hoang mang, lo sợ nữa. Cho đến khi tôi xin nghỉ nhận chế độ một lần vào năm 1988, 1989, Đài DRT vẫn đề nghị tôi hợp đồng đến năm 1997 khi chuyên mục "Mỗi tuần một chuyện" không còn nữa thì mới chính thức nghỉ việc ở Đài...".

1 tháng sau khi tiếp quản, Đài PT Đà Nẵng (sau đó là Đài PT QN-ĐN) đã từng bước kiện toàn bộ máy nhân sự, kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền cho chính quyền cách mạng. Một số chuyên mục được mở ra ngay sau ngày phát sóng đầu tiên như "Tìm người thân", chương trình dân ca nhạc cổ khu V...



Công việc hàng ngày của những người làm công tác sản xuất chương trình, biên tập Đài DRT.

40 năm một chặng đường phát triển

Với rất nhiều người dân QN-ĐN, nói đến Đài PTQN-ĐN không thể không nhắc đến chuyên mục "Mỗi tuần một chuyện" được phát sóng lúc 11 giờ 30 thứ bảy hàng tuần. Đây là chuyên mục tạo dấu ấn cho Đài PT QN-ĐN gắn liền tên tuổi của phát thanh viên Minh Luận. Đây cũng là chuyên mục có "tuổi thọ" lâu nhất của Đài PT QN-ĐN với gần 20 năm tồn tại (1978-1997), vượt ra cả phạm vi ngoại tỉnh, trở thành hình mẫu để các đài tỉnh bạn học hỏi kinh nghiệm. Để có được chỗ đứng trong lòng khán giả nghe đài, công đầu thuộc về những người đã mạnh dạn xây dựng chuyên mục này. Đây là chuyên mục chống tiêu cực, phê phán cái xấu, cái chưa tốt đầu tiên của đài PTQN-ĐN. Ngoài ra, "Tiếng hát hoa phượng đỏ" cũng là chuyên mục tạo tiếng vang lớn, để lại nhiều dấu ấn khó quên trong lòng thế hệ thanh thiếu niên nhi đồng ngày ấy...

40 năm, Đài PT QN-ĐN (cũ) và Đài DRT hôm nay đã trải qua nhiều chặng đường phát triển với nhiều dấu mốc quan trọng. Theo đó, nếu như từ năm 1975 đến 1990 là thời điểm xây dựng, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, vươn lên dẫn đầu cả nước về phong trào truyền thanh cơ sở; thì từ năm 1996-1997 là thời điểm đài vừa tiến thêm một bước nữa khi có thêm chức năng, nhiệm vụ mới là truyền hình, vừa phải thực hiện việc chia tách nhân sự để phục vụ công tác xây dựng Đài QRT vào năm 1997, khi QN-ĐN chia tách tỉnh... Có thể nói, 18 năm chia tách là khoảng thời gian Đài DRT đã vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất để tiếp tục kiện toàn và phát triển để đạt nhiều thành tựu mới. Theo đó, thời lượng phát sóng truyền hình từ 11 giờ/ngày năm 2010 đã tăng lên 35 giờ/ngày trên 2 kênh DRT1, DRT2 năm 2015; chương trình phát thanh từ 6 giờ/ngày tăng lên 19 giờ 30 phút/ngày; trong đó, thời lượng tự sản xuất tăng lên từ 2 giờ/ngày lên 4 giờ 30 phút/ngày. Không dừng lại ở đó, DRT còn mở nhiều chuyên mục vừa bám sát hiện thực cuộc sống, vừa có chiều sâu, tạo nhiều ấn tượng trong lòng khán giả xem truyền hình và nghe đài thông qua các chuyên mục: phim tài liệu, quản lý thị trường, văn hóa văn minh đô thị, nông thôn mới, Đà Nẵng phố, Dân ta phải biết Sử ta... Đặc biệt, nắm bắt nhanh nhạy xu thế hội nhập quốc tế, DRT đã mở thêm bản tin Tiếng Anh để phục vụ công tác đối ngoại, du lịch và đầu tư quốc tế tại Đà Nẵng. Cuối năm 2013, mặc dù còn khó khăn, nhưng DTR đã quyết tâm cho ra đời chuyên mục mới "Chào ngày mới" phát sóng từ ngày 10-10-2013...

Phóng viên, quay phim đài DRT đang tác nghiệp. Ảnh: PT-DH

Bằng tình yêu, lòng đam mê nghề, ý thức trách nhiệm của người làm công tác trên mặt trận chính trị tư tưởng, không tự bằng lòng với chính mình là động lực để tập thể các thế hệ DRT qua các thời kỳ không ngừng tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng chương trình để phục vụ bạn nghe đài và xem truyền hình. Với sự nỗ lực vượt bậc, từ năm 2009, DRT liên tiếp đạt được nhiều giải thưởng quan trọng. Số lượng tác phẩm đoạt giải thưởng cấp quốc gia tăng gấp 3 lần so với các giai đoạn trước, trong đó có 2 giải nhất toàn quốc, 4 HCV, 8 HCB, 4 giải Cánh diều; sóng cũng đã mở rộng trên các hạ tầng truyền dẫn khác nhau: truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình Internet, truyền hình di động và truyền hình kỹ thuật số mặt đất. Ghi nhận những đóng góp ấy, ngoài việc được Bộ CA, UBND TP tặng cờ thi đua, năm 2014, DRT được Bộ Thông tin truyền thông tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối các Đài PTTH các tỉnh thành phố lớn trực thuộc trung ương. Và trong ngày vui 40 năm thành lập, DRT vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì...

Nhìn lại chặng đường 40 năm phát triển của Đài, ông Huỳnh Văn Hùng- Giám đốc Đài DRT- tự hào cho rằng: "Có thể nói, 40 năm qua, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật và nhân viên Đài PT QN-ĐN ngày ấy và Đài DRT hôm nay đã tiếp nối nhau tạo nên những thành tựu đáng tự hào. Đài đã luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, bám sát các nhiệm vụ chính trị và thực tiễn để tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin chân thực, hữu ích cho khán thính giả, góp phần định hướng dư luận... Cùng với các đơn vị thông tin đại chúng khác trên địa bàn, đài đã, đang trở thành kênh thông tin thiết yếu, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh QN-ĐN trước đây và TPĐN hôm nay. Nhìn lại chặng đường 40 năm qua để tự hào và không được tự bằng lòng với những gì đã có để tiếp tục dấn thân đi tới, xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP"...

P.Thủy