Báo Công An Đà Nẵng

40 năm nhìn lại “Chiến dịch Đường 9 Nam Lào”

Thứ ba, 21/12/2010 00:00

Kỳ 1:  Ai là tác giả cuộc hành quân?

(Cadn.com.vn) - “Hành quân Lam Sơn 719” hay “Chiến dịch Đường 9 Nam Lào” được xem như một bước ngoặt rất ý nghĩa chiến lược quân sự của cả hai phía: Quân đội nhân dân Việt Nam và Liên quân Mỹ - quân đội Sài Gòn. 40 năm trôi qua, chúng tôi đã giở lại những trang tài liệu, sách báo cũ để hiểu rõ hơn một lịch sử khốc liệt...

40 năm qua, đã có nhiều bài báo, hồi ký, sách phân tích quân sự và cả tài liệu mật của chính phủ Mỹ được giải mã về “Chiến dịch Đường 9” này. Các tài liệu giải mật của chính phủ Mỹ được công bố sau này đều thừa nhận những thất bại và khiếm khuyết chủ quan cùng những bất đồng trong giới chỉ huy quân sự và dân sự của cả Mỹ và miền Nam hoặc mô tả một trận chiến “quá sức” của các tướng lĩnh Sài Gòn lúc đó.

Nhưng có 3 vấn đề được họ nêu ra với những câu hỏi chưa được trả lời thấu đáo: Ai là tác giả cuộc hành quân ấy và mục đích là gì? Vì sao kế hoạch cuộc hành quân đã bị lộ bí mật? Quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) có đến được Sêpôn để họp báo quốc tế và sau đó là… “rồi rút” như 2 lần Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị không?

Mục đích và tác giả cuộc hành quân

Tài liệu giải mật cho biết “Ngày 7-1-1971, MACV nhận được thẩm quyền (chính phủ Mỹ) lập kế hoạch chi tiết cho cuộc tấn công vào các khu căn cứ 604 và 611 của QĐNDVN. Tướng James W. Sutherland, Jr., được giao nhiệm vụ lập kế hoạch để MACV thông qua. Phần chiến dịch do Mỹ thực hiện được đặt tên Dewey Canyon II, lấy tên theo chiến dịch Dewey Canyon do thủy quân lục chiến Mỹ thực hiện tại vùng Tây Bắc VNCH năm 1969 (tức trận Khe Sanh), với hy vọng rằng sự trùng tên này sẽ làm Hà Nội nhầm lẫn về mục tiêu chính của cuộc tấn công. Phần của Quân lực VNCH được đặt tên Lam Son 719, con số 719 được ghép từ năm 1971 và Đường 9 - trục chính của cuộc tấn công.

 Cảnh tan hoang sau chiến dịch Đường 9.

Ngày 29-1, Tổng thống Mỹ Nixon phê chuẩn lần cuối đối với chiến dịch. Ngày hôm sau, chiến dịch Dewey Canyon II  bắt đầu. VNCH sắp bước vào chiến dịch lớn nhất, phức tạp nhất, và quan trọng nhất của họ. Trong đầu tháng 2-1971, 16.000 (sau tăng lên 20.000) quân VNCH vượt biên giới vào đất Lào theo Đường 9 và hướng về trung tâm hậu cần của QĐNDVN tại Sêpôn. Theo các tác giả Nguyễn Duy Hinh trong Lam Son 719, Washington DC: US Army Center of Military History, 1979 và John Prados, the Blood Road, New York: John Wiley and Sons, 1998, tr. 317-361, chiến dịch Lam Sơn 719, cuộc tấn công vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh và đây là thời điểm cuộc thử nghiệm lớn chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, đã bắt đầu. Về khía cạnh này, năm 1990, một cựu sĩ quan tham mưu quân đội Sài Gòn là tác giả Phạm Huấn đã viết: “Cuộc hành quân đánh qua Lào hoàn toàn do giới dân sự trong tòa Bạch Ốc thúc đẩy. Một trong những người thúc đẩy đó, là vị cố vấn an ninh quốc gia, Henry Kissinger”.

Dựa theo hồi ký của H.R. Haldeman, tham mưu trưởng tòa Bạch Ốc thời Tổng thống Nixon, Phạm Huấn viết: “Sau khi thấy cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt vào tháng 5-1970 quá dễ dàng(?), Kissinger đề nghị tiếp tục đánh qua Lào để phá hủy những căn cứ hậu cần bên đó. Nhưng cuộc hành quân đánh qua Lào vào năm 1971 có một ý nghĩa chính trị khác: Hoa Kỳ muốn làm gián đoạn tiềm năng quân sự của Cộng sản Bắc Việt vào năm 1972, năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Kissinger khuyên Nixon đừng nên rút quân quá nhiều, quá nhanh trong năm 1971, đợi đến năm 1972 rồi sẽ rút hết, giữ lại một số quân để bảo đảm tình hình quân sự ở Việt Nam và đồng thời có được một an toàn cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1972... Đây là một chiến thuật chính trị khá độc đáo của Kissinger, và Nixon nghe theo…”.

 Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đến Việt Nam bằng đường bộ qua Đường 9.

Đại tá Hoàng Ngọc Lung (Trưởng phòng 2, Bộ Tổng Tham mưu Sài Gòn), trong cuốn Strategy and Tactics (Chiến lược và Hoạch định) cũng xác định kế hoạch đánh qua Lào hoàn toàn đến từ phía Hoa Kỳ. Như vậy, cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã được giới dân sự ở Washington ấn vào tay các tướng lĩnh Mỹ và động thái chiến lược này đã được các nhà chiến lược quân sự ở miền Bắc dự đoán từ trước.

Tiên liệu tài tình của tướng Giáp

Tất cả các sách báo và tài liệu đều ghi nhận có thể kế hoạch hành quân Lam Sơn 719 đã bị lộ bí mật trước khi được thực thi. Trong giọng văn của nhiều tác giả, nhất là giới quân sự Hoa Kỳ, điều này đồng nghĩa với những biện bạch cho thất bại của “chiến dịch”. Ở phía khác, theo quan điểm của tướng Sài Gòn Cao Văn Viên lúc đó cảnh báo: Thời gian hành quân quá dài, kế hoạch hành quân được soạn thảo quá gấp. Từ lúc phác họa đến lúc thi hành chỉ hơn 2 tháng. Hơn nữa, với sự rầm rộ để chuẩn bị hành quân, vấn đề “bảo mật” là một chuyện khôi hài ở một nơi mà mọi di chuyển quân sự đều có một ý nghĩa duy nhất là hành quân.

Nhưng lộ thế nào thì chỉ là sự ức đoán từ nhiều tình tiết khác nhau và họ đều không tìm được câu trả lời rõ ràng. Theo tiết lộ của tướng Hoàng Xuân Lãm qua phỏng vấn của Phạm Huấn: Một chiếc trực thăng chở một đại tá trưởng phòng hành quân của quân đoàn I bị bắn rơi ngày 9-1-1971 có mang theo bản đồ hành quân. Và cựu sĩ quan tham mưu Phạm Huấn suy luận: Chắc chắn bộ đội TS Cộng sản Bắc Việt đã tìm đến nơi chiếc trực thăng rớt để thu thập tin tức. Có thể họ đã lấy được tấm bản đồ từ chiếc trực thăng, hơn là mua được như họ đã nói”.

Để giải đáp những suy luận ấy, chúng tôi đã đọc lại hồi ký của tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn lúc đó: “Tại cuộc họp Quân ủy T.Ư ngày 20-6-1970, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiên liệu: “Sắp tới, địch sẽ tập trung đánh phá vùng Trung - Hạ Lào, Đông bắc Miên, không chỉ bằng không quân mà có thể là những cuộc tiến công binh chủng hợp thành quy mô lớn. Hướng tiến công chủ yếu có khả năng sẽ là khu vực Đường 9 - Nam Lào…”.

“Từ nhận định trên, chúng tôi quyết định giữ gần như toàn bộ lực lượng ở lại tuyến trong mùa mưa để củng cố cầu đường, chuẩn bị thế trận cho nhiệm vụ chi viện chiến lược duy nhất. Để chuẩn bị cho mùa khô tới, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được Bộ Quốc phòng bổ sung gần 3 vạn CBCS, với hơn 3 nghìn lái xe; gần 4 nghìn xe các loại. Đồng thời, trên cũng tăng cường cho tuyến nhiều cán bộ cao cấp.

Tháng 7-1970, sau khi tăng cường lực lượng cho tuyến, nhưng điều quan trọng hơn là xét thấy vị thế chiến lược của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn thực sự là một chiến trường, mọi lực lượng trên tuyến chỉ được chỉ huy tác chiến tập trung, thống nhất trong đội hình binh chủng hợp thành, Bộ Chính trị quyết định đổi tên Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tương đương Quân khu trực thuộc Bộ Quốc phòng...”.

… Sau hơn một tháng kể từ ngày anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đầu tháng 11-1970, anh Phan Hàm - Cục phó Cục Tác chiến với cương vị phái viên của anh Văn Tiến Dũng vào truyền đạt với chúng tôi những phán đoán của Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư về khả năng Mỹ - ngụy sẽ cắt tuyến chi viện chiến lược, cả đông và tây Trường Sơn ngang khu vực Đường số 9 bằng một cuộc hành quân lớn của các binh đoàn thiện chiến, với công thức: bộ binh (quân ngụy Sài Gòn, Lào, Thái Lan) cộng với chỉ huy, hỏa lực và hậu cần của Mỹ…

Sáng 29-1-1971, Bộ Tư lệnh điện triệu tập cán bộ chủ trì các binh trạm trong khu vực dự kiến chiến dịch xảy ra để giao nhiệm vụ cụ thể. Theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, trên địa bàn dọc theo bắc - nam Đường 9, bộ đội Trường Sơn đã hình thành 7 khu vực tác chiến tại chỗ ở đoạn chính diện đông và tây Mường Phìn dài 100 cây số. Mạng thông tin của Bộ Tư lệnh Trường Sơn được nối với Bộ Tư lệnh chiến dịch, Bộ Tư lệnh cánh đông (B70) và một số đơn vị chủ lực của Bộ.

Lực lượng phòng không của Bộ Tư lệnh Trường Sơn được huy động tham gia chiến dịch lên tới 5 trung đoàn và 1 sư đoàn (có 1 trung đoàn tên lửa của Bộ phối hợp), 10 tiểu đoàn cao xạ, 25 đại đội và 33 trung đội súng máy cao xạ. Hơn 300 nòng pháo cao xạ và cũng chừng ấy khẩu súng máy bố trí thành 8 cụm trên tâm điểm là tam giác Bản Đông - Tha Mé - La Hạp đã tạo thành lưới lửa phòng không liên hoàn, nhiều tầng, nhiều vòng, giăng khắp, kết hợp với thế trận phục kích, tập kích ngăn chặn bộ binh địch tiến công tuyến chi viện chiến lược…

… Trong 3 ngày đầu, trực thăng bay đầy trời khu vực Sêpôn, Bản Đông, đổ quân ào ạt... Bộ Tư lệnh vẫn kiên trì, bình tĩnh chỉ thị cho lực lượng cao xạ theo dõi, bám sát các hoạt động của địch. Chỉ được sử dụng súng máy, nhưng cũng chỉ là gây cho đối phương chủ quan.

Sang ngày thứ tư, ngoài đổ quân, máy bay địch đã trút theo vũ khí, trang bị. “Mẻ vó” đã nặng tay, chúng tôi phát lệnh nổ súng…

(Theo Đồng Sĩ Nguyên, Đường Xuyên Trường Sơn, chương 4)

Trương Điện Thắng
(còn nữa)